Lãi suất cho vay tăng, nguy cơ cú ‘dội bom’ cuối năm
Lãi suất đầu vào tăng, room tín dụng của nhiều ngân hàng đã cạn nên việc tăng lãi suất cho vay là khó tránh.
Lãi suất huy động có xu hướng tăng cao khiến lãi suất cho vay khó giữ ở mức thấp. Trong khi người có tiền gửi tiết kiệm mừng vì được hưởng lãi cao thì các doanh nghiệp (DN) cần vốn "ngồi trên đống lửa". Lãi suất cho vay tăng cao được cảnh bảo như 1 cú ‘dội bom’ cuối năm đối với khối DN.
Lãi suất huy động và liên ngân hàng tăng mạnh
Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông báo nâng trần lãi suất huy động dưới 6 tháng thêm 1 điểm % vào ngày 22/9, hàng loạt ngân hàng thương mại (NHTM) đã đồng loạt tăng lãi suất tiền gửi với mức tăng từ 0,3-1,3 điểm % tùy theo kỳ hạn và phương thức gửi tiền.
Lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng tại nhiều ngân hàng được niêm yết ở mức tối đa cho phép theo quy định mới tăng thêm 0,5% lên 5%/năm. Hiện lãi suất huy động ở các kỳ hạn dài đã vượt mốc 8%/năm.
Không chỉ các ngân hàng thương mại cổ phần, mới đây, 4 "ông lớn" ngân hàng cổ phần nhà nước là: Vietcombank, VietinBank, Agribank và BIDV cũng chính thức công bố biểu lãi suất huy động mới, với mức tăng từ 0,8-1,3 điểm % ở nhiều kỳ hạn.
Với mức tăng này, nhóm Big 4 lại là những ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất mạnh nhất đợt này. Chiếm tới 45% thị phần huy động vốn toàn thị trường, động thái tăng mạnh lãi suất của nhóm ngân hàng quốc doanh sẽ khiến mặt bằng lãi suất huy động toàn hệ thống tăng lên. Nhưng hiện mặt bằng lãi suất của nhóm Big 4 vẫn thấp hơn đáng kể so với một số ngân hàng thương mại tư nhân có mức huy động lên tới 7,5-7,8%/năm.
Không những tăng lãi suất huy động, các nhà băng còn áp dụng nhiều ưu đãi như cộng thêm lãi suất giúp khách hàng hưởng lợi nhiều hơn.
Có thể thấy, lãi suất tiền gửi của các ngân hàng thương mại đang có xu hướng tăng lên để các nhà băng có thể huy động lượng tiền nhàn rỗi từ người dân cũng như các tổ chức trong bối cảnh tốc độ huy động vốn từ đầu năm đến nay luôn thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng tín dụng. Tính từ đầu năm đến nay, lãi suất tiết kiệm đã tăng trên dưới 1%.
Một diễn biến đáng chú ý trên thị trường những ngày gần đây là lãi suất liên ngân hàng đang tăng mạnh trở lại. Hiện lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng ở mức 5,71%/năm; kỳ hạn 3 tháng là 6,13%/năm; kỳ hạn 9 tháng tới 6,78%/năm. Đây là mức lãi suất cao nhất trong 7 năm qua.
Dù NHNN đã liên tục sử dụng các công cụ hoạt động thị trường mở nhằm duy trì thanh khoản trên hệ thống ở mức vừa đủ và gián tiếp tác động lên mặt bằng lãi suất liên ngân hàng nhưng thanh khoản hệ thống vẫn căng thẳng và khiến mặt bằng lãi suất liên ngân hàng tăng cao.
Áp lực với lãi vay cuối năm
Thời gian qua, nhà điều hành luôn nỗ lực tìm cách kiềm chế tăng lãi suất cho vay. Vì thế, NHNN chỉ tăng lãi suất điều hành và trần lãi suất tiền gửi mà giữ nguyên trần lãi suất cho vay.
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra ngày 1/10, ông Đoàn Thái Sơn, Phó Thống đốc NHNN, cho biết, khi điều chỉnh lãi suất, NHNN đã tính đến mục tiêu bình ổn lãi suất cho vay những tháng cuối năm 2022. NHNN cũng vận động các tổ chức tín dụng cần phải nỗ lực giữ ổn định lãi suất cho vay và nghiên cứu giảm lãi suất ở một số lĩnh vực ưu tiên.
Dù các ngân hàng đang cố gắng giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhưng áp lực vẫn rất lớn trong giai đoạn tới.
Theo giới phân tích, tăng lãi suất để duy trì ổn định tiền tệ, giảm áp lực lạm phát nhưng đồng thời sẽ làm tăng chi phí tài chính với một nền kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi. Đợt điều chỉnh tăng mạnh lãi suất tiền gửi gần nhất của các ngân hàng gần đây vẫn chưa tác động đến các khoản tiền gửi trung dài hạn của các tổ chức tín dụng nhưng sau này sẽ ảnh hưởng. Khi đó, với chi phí đầu vào tăng mạnh, các nhà băng sẽ rất khó để tiếp tục giữ nguyên lãi suất cho vay.
Hơn nữa, mặt bằng lãi suất huy động đi lên sẽ khó tránh được việc lãi suất cho vay sẽ tăng theo. Việc tăng lãi suất cho vay chỉ là việc sớm hay muộn. Bởi, các ngân hàng thương mại phải tăng lãi cho vay để đảm bảo hiệu quả kinh doanh.
Thực tế, từ đầu năm đến nay, bên cạnh xu hướng tăng lãi suất huy động, lãi suất cho vay cũng đã rục rịch tăng ở một số ngân hàng, đặc biệt đối với cho vay mua nhà. Nhiều khách hàng chọn hình thức vay lãi suất thả nổi đã nhận được thông báo từ ngân hàng về việc tăng lãi suất áp dụng từ đầu tháng 10/2022 với mức mới là 11%, thay vì dưới 10% như trước.
Trong bối cảnh các ngân hàng đang 'khát' tiền gửi, việc tăng lãi suất huy động được kỳ vọng sẽ giúp giảm căng thẳng về thanh khoản. Song khi chi phí đầu vào tăng, khó tránh được áp lực lên lãi suất đầu ra, dù có độ trễ. Nhất là khi room tín dụng của nhiều ngân hàng đã cạn thì việc tăng lãi vay là khó tránh.
Việc lãi suất huy động có xu hướng tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp, người vay vốn kinh doanh lo lắng lãi suất cho vay sẽ tăng thêm, trong khi nhu cầu vốn để sản xuất kinh doanh dịp cuối năm tăng cao.
Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo lãi suất cho vay sẽ chịu áp lực điều chỉnh tăng mạnh trong nửa cuối năm 2022 và sang cả năm 2023 do dư địa tín dụng hạn hẹp, lãi suất huy động tăng, cùng với thanh khoản hệ thống không dồi dào do ưu tiên ổn định tỷ giá và kiềm chế lạm phát.
Tuy nhiên, một số chuyên gia nhận định, do Chính phủ và NHNN đã có chủ trương ổn định lãi suất cho vay, nên các ngân hàng không thể tăng mạnh lãi suất cho vay, nhất là với các lĩnh vực ưu tiên, mà phải tiết giảm chi phí hoạt động. Từ nay đến cuối năm, lãi suất cho vay có thể tăng 1-1,5%.