Lãi suất tăng khiến nhà đầu tư, chủ đầu tư bất động sản “mất ăn mất ngủ”

Thực tế, thị trường bất động sản (BĐS) phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Do đó, trước thông tin Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh tăng lãi suất điều hành như “sét đánh ngang tai” đối với nhà đầu tư, chủ đầu tư BĐS.

Lãi suất tăng khiến nhà đầu tư, chủ đầu tư bất động sản “mất ăn mất ngủ” - Ảnh 1

Ngày 22/09/2022, NHNN ban hành Quyết định số 1606/QĐ-NHNN về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Trong đó, NHNN điều chỉnh tăng một số mức lãi suất. Cụ thể, lãi suất tái cấp vốn là 5,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu là 3,5%/năm. Cả hai mức lãi suất này đều tăng thêm 1% so với quy định cũ.

Ngoài ra, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cũng tăng lên 6,0%/năm.

Tóm lại, so với quy định cũ, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn 1 - 6 tháng đã tăng thêm 1%/năm.

Theo chuyên gia kinh tế TS. Lê Xuân Nghĩa, động thái tăng lãi suất của NHNN là cần thiết trong bối cảnh FED liên tục tăng lãi suất tạo áp lực lên tỷ giá USD/VND.

“Nếu không kìm hãm được tỷ giá hối đoái, giá hàng hóa nhập khẩu tăng và làm lạm phát tiếp tục tăng cao. Điều chỉnh lãi suất còn có tác dụng kiểm soát tín dụng, thắt chặt tiền tệ. Trên cơ sở này để ổn định giá trị đồng tiền và chống lạm phát”, ông Nghĩa cho biết.

Tuy nhiên, đối với lĩnh vực BĐS, việc NHNN tăng lãi suất không phải tin vui.

Anh Bùi Minh Tú (TP.HCM) là nhà đầu tư BĐS đã có hơn 10 năm kinh nghiệm, đã chứng kiến nhiều thăng trầm của thị trường. Theo anh, việc tăng lãi suất tác động cả nhà đầu tư và chủ đầu tư BĐS.

Anh Tú cho biết, những năm qua, người mua nhà, dù để đầu tư hay để ở, thì cũng thường lạm dụng đòn bẩy tài chính. Do đó, lãi suất tăng ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của giới đầu tư, người mua ở thực cũng rụt rè hơn trong quyết định mua nhà vì số tiền phải trả sẽ lớn hơn kế hoạch họ đã dự trù ban đầu.

“Phần lớn người mua nhà thường lựa chọn phương án cố gắng tích góp 30% giá trị căn nhà, 70% còn lại sẽ vay ngân hàng. Giá nhà mấy năm qua liên tục tăng khiến người mua nhà phải vay nhiều hơn. Lãi suất mà tăng thì áp lực trả nợ sẽ lớn hơn nữa nên họ tạm hoãn lại ý định mua nhà mà tiếp tục ở nhà thuê”, anh Tú chia sẻ.

Chị Nguyễn Vân Anh làm việc tại TP.HCM được gần 8 năm, cũng đã tiết kiệm được một khoản tiền. Chị dự định sẽ vay thêm ngân hàng 60% để mua một căn hộ chung cư để không phải ở nhà thuê nữa. Song, trước tình hình lãi suất cho vay có khả năng tăng, chị quyết định dời chuyện mua nhà sang năm 2023.

“Thu nhập của tôi cũng tương đối cao nhưng nếu lãi suất tăng tôi e không thể gồng được tiền trả nợ. Vì sống ở thành phố có nhiều chi phí phải tính toán, thu nhập dù cao nhưng tôi sợ không đủ nếu phải vừa trả nợ vừa đảm bảo sinh hoạt”, chị Vân Anh chia sẻ.

Lãi suất tăng cũng khiến doanh nghiệp BĐS như “ngồi trên đống lửa”. Tổng giám đốc một doanh nghiệp BĐS tại TP.HCM nhận định, doanh nghiệp BĐS là một trong những đối tượng chịu thiệt thòi nhất khi lãi suất tăng.

“Phần lớn vốn hoạt động của doanh nghiệp BĐS là đi vay. Bản thân người mua nhà cũng phải đi vay tiền để mua nhà. Nên lãi suất tăng các doanh nghiệp BĐS phải chịu tác động kép. Vừa phải chịu chi phí lãi vay cao hơn, vừa sụt giảm doanh thu do người mua nhà dè chừng hơn”, vị này phân tích.

Những năm trước, các ngân hàng đẩy mạnh chương trình cho vay mua nhà với lãi suất ưu đãi trong 1 - 2 năm đầu tiên, kích thích nhiều người mạnh dạn vay ngân hàng mua nhà hoặc đầu tư BĐS. 

Sau thời gian này, lãi suất cho vay sẽ được thả nổi theo diễn biến thị trường (thường cao hơn nhiều mức lãi suất ưu đãi) tạo áp lực tài chính đè nặng lên người mua nhà. Nhất là sau 2 năm đại dịch Covid-19 khiến thu nhập của nhiều người bị “bào mòn”, cộng thêm lãi suất có xu hướng tăng thêm, áp lực ngày một lớn hơn cho người vay mua nhà.

Theo các chuyên gia BĐS, tăng lãi suất là cách để “nắn” dòng tiền vào lĩnh vực BĐS. Nếu lãi suất cao, người có tiền nhàn rỗi có xu hướng gửi tiền tiết kiệm để hưởng lãi cao, còn nhà đầu tư dùng đòn bẩy nhiều sẽ phải nhanh chóng cắt lỗ để “thoát hàng” khi không có khả năng trả nợ.

Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch thường trực CLB Bất động sản Hà Nội dự báo giá BĐS tại các thị trường tỉnh sẽ xuất hiện làn sóng sụt giảm mạnh, còn tại TP.HCM và Hà Nội giá vẫn sẽ tiếp tục neo cao bất chấp lãi suất tăng.

“Ở các thị trường tỉnh, nguồn cung bất động sản không khan hiếm như TP. HCM và Hà Nội nhưng bị đẩy giá rất cao, vượt giá trị thực, những nơi này khi lãi suất tăng cao rất có thể giá giảm mạnh. Còn ở những đô thị lớn như Hà Nội và TP. HCM dù cũng tăng nóng trong thời gian qua, nhưng nhu cầu thực rất lớn và nguồn cung khan hiếm nên sẽ bị ảnh hưởng ít hơn”, ông Điệp nói.

Ông Điệp cho biết thêm, lãi suất tăng ảnh hưởng đến giới đầu cơ, đầu tư BĐS dùng đòn bẩy nhiều hơn. Người dân mua nhà ở thực cũng sẽ bị ảnh hưởng nhưng không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, lãi suất sẽ không tăng sốc mà tăng từ từ, nhà đầu tư có nền tảng tài chính yếu kém sẽ bị loại khỏi thị trường.

Theo Chất lượng và Cuộc sống