Lãi suất cuối năm: Nhịp chững bất ngờ không cản nổi đà đi lên
Đà tăng của lãi suất huy động chững lại, nhiều ngân hàng điều chỉnh giảm trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng hạ nhiệt và thanh khoản hệ thống dồi dào hơn. Song lãi suất tiết kiệm vẫn chịu áp lực tăng trong những tháng cuối năm.
Lãi suất tiết kiệm "hạ nhiệt" tại nhiều ngân hàng
Trong khi hầu hết ngân hàng lựa chọn tăng lãi suất để thu hút tiền gửi thì một số nhà băng lại đi theo hướng ngược lại khi công bố biểu lãi suất mới với mức giảm tại một số kỳ hạn.
Khoảng hơn hai tuần lại đây, liên tiếp xuất hiện các ngân hàng giảm lãi suất huy động. Điểm chung của các nhà băng này là từng niêm yết lãi suất huy động trên 6%/năm với những kỳ hạn dài.
Đến thời điểm này, có ít nhất 4 ngân hàng đã công bố giảm lãi suất huy động ở một số kỳ hạn, trong làn sóng tăng lãi suất đầu vào suốt nhiều tháng qua.
"Châm ngòi" cho xu hướng này là Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) khi điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi online tại nhiều kỳ hạn kể từ ngày 31/7.
Cụ thể, kỳ hạn 3 tháng giảm 0,1 điểm%, xuống mức 4,0%/năm; lãi suất kỳ hạn 6 tháng giảm 0,3 điểm %, xuống mức 5,0%/năm; lãi suất kỳ hạn 9 tháng giảm 0,2 điểm %, xuống mức 5,5%/năm; lãi suất kỳ hạn 12 tháng giảm 0,2 điểm %, từ mức cao nhất thị trường 6,2%/năm xuống 6%/năm.
Tiếp đến, ngày 7/8, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) cũng bất ngờ giảm lãi suất 0,25%/năm đối với tất cả kỳ hạn huy động. Việc điều chỉnh này khiến SeABank đánh mất ngôi vị quán quân về lãi suất huy động cao nhất thị trường.
Theo biểu lãi suất tiết kiệm tại quầy dành cho khách hàng cá nhân gửi từ 100 triệu đến dưới 500 triệu đồng của SeABank, lãi suất huy động kỳ hạn 1-2 tháng giảm còn 2,95%/năm, kỳ hạn 3-5 tháng giảm còn 3,45%/năm, kỳ hạn 6 tháng còn 4,15%/năm, kỳ hạn 9 tháng 4,29%/năm, kỳ hạn 12 tháng 5,2%/năm và lãi suất huy động các kỳ hạn 15-36 tháng là 5,75%/năm.
Mức lãi suất 6,2%/năm được SeABank trả cho khách hàng gửi tiết kiệm kỳ hạn 15-36 tháng với số tiền từ 10 tỷ đồng trở lên nay giảm xuống còn 5,95%/năm.
Đến ngày 15/8, Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank) cũng giảm từ 0,1-0,2%/năm lãi suất tiền gửi các kỳ hạn từ 1-36 tháng. Trong đó, lãi suất huy động kỳ hạn 18-36 tháng áp dụng cho tài khoản tiền gửi từ 1 tỷ đồng trở lên giảm từ 6,05%/năm xuống còn 5,95%/năm.
Gần đây nhất, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) vừa giảm lãi suất huy động các kỳ hạn 24-36 tháng, với mức giảm 0,2%/năm, kể từ ngày 16/8. Cụ thể, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 24 tháng giảm 0,2 điểm%, xuống còn 5,6%/năm; lãi suất kỳ hạn 36 tháng cũng giảm 0,2 điểm%, còn 5,8%/năm. Đối với các kỳ hạn còn lại, OCB duy trì mức lãi suất như đã niêm yết trong hai tháng qua.
Đáng chú ý, điểm chung của cả 4 ngân hàng trên là đều đã từng niêm yết lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dài ở mức dẫn đầu thị trường, từ 6-6,2%/năm. Sau khi được điều chỉnh giảm, lãi suất huy động cao nhất tại OCB, Bac A Bank và SeABank về dưới ngưỡng 6%/năm, còn lãi suất cao nhất tại ABBank là 6%/năm.
Ngoài ABBank, trên thị trường, một số ngân hàng đang duy trì lãi suất ngân hàng từ 6-6,1%/năm. Chẳng hạn, Saigonbank đang niêm yết lãi suất 6%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 13-24 tháng và 6,1%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 36 tháng. BaoViet Bank và BVBank hiện niêm yết lãi suất 6%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 18-36 tháng.
Mức lãi suất huy động cao nhất thị trường hiện nay là 6,1%/năm. Mức lãi suất này đang được áp dụng tại 5 ngân hàng, gồm: Saigonbank và SHB (kỳ hạn gửi tiền từ 36 tháng), NCB và OceanBank (kỳ hạn tiền gửi từ 18-36 tháng); HDBank (kỳ hạn 18 tháng).
Lãi suất huy động vẫn chịu áp lực tăng
Đà tăng của lãi suất huy động có dấu hiệu chậm lại trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng hạ nhiệt sau khi bứt phá mạnh mẽ vào cuối quý II.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng so với cuối năm 2023 đã giảm còn 5,3% vào ngày 17/7, sau khi tăng tốc và đạt mức 6% vào cuối tháng 6.
Trong bối cảnh đó, từ phiên 5/8, Ngân hàng Nhà nước đã đồng loạt giảm 0,25 điểm % lãi suất OMO và lãi suất tín phiếu khi áp lực tỷ giá có dấu hiệu hạ nhiệt. Động thái này được đánh giá sẽ giúp hỗ trợ thanh khoản hệ thống ngân hàng.
Trước đó, trong bối cảnh tiền gửi của người dân và doanh nghiệp tăng trưởng thấp, đi cùng tăng trưởng tín dụng hồi phục khiến nhiều nhà băng phải tăng lãi suất huy động để đảm bảo cân đối nguồn vốn.
Cùng với đó, hoạt động can thiệp của Ngân hàng Nhà nước thông qua các công cụ tín phiếu và bán ngoại tệ cũng ảnh hưởng tới thanh khoản tiền Đồng của các ngân hàng.
Dù đã có dấu hiệu chậm lại song lãi suất huy động được dự báo vẫn chịu áp lực tăng trong những tháng cuối năm 2024.
Công ty Chứng khoán MB (MBS) trong báo cáo mới công bố cho biết, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng đang tăng nhanh gấp 3 lần so với tốc độ tăng của huy động vốn, các ngân hàng ráo riết tăng lãi suất huy động nhằm nâng cao tính cạnh tranh của kênh tiết kiệm so với các kênh đầu tư khác trên thị trường.
MBS dự báo lãi suất đầu vào sẽ tiếp tục tăng trong nửa sau năm 2024 do cầu tín dụng sẽ tiếp tục xu hướng tăng lên mạnh hơn từ giữa năm 2024 khi sản xuất và đầu tư tăng tốc mạnh hơn trong những tháng cuối năm. Theo đó, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn sẽ có thể nhích thêm 0,5 điểm %, quay về mức 5,2-5,5%/năm vào cuối năm 2024.
Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng cho rằng lãi suất huy động tăng trở lại là một kịch bản phù hợp dựa trên biến động của kỳ vọng tỷ giá và chính sách lãi suất. Song mức tăng của lãi suất huy động sẽ không đột biến như năm 2022 do bối cảnh vĩ mô là khác nhau.
Lãi suất huy động ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí vốn của ngân hàng, dẫn đến lợi nhuận bị ảnh hưởng nếu lãi suất huy động tăng cao.
Với tình hình lãi suất huy động như hiện nay, lãnh đạo một số ngân hàng cho hay vẫn phải chuẩn bị kịch bản chi phí vốn có sự tăng nhẹ trong quý III.