Lãi suất vay mua nhà tăng, thêm gói tín dụng 30.000 tỷ cho NƠXH
Lãi suất cho vay mua nhà bắt đầu tăng; Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu gói tín dụng 30.000 tỷ cho NƠXH; Big 4 nhập cuộc tăng lãi suất huy động;... là những điểm nhấn quan trọng trong tuần qua.
Lãi suất cho vay mua nhà bắt đầu tăng, khách hàng lo lắng
Sau thời gian được duy trì ở mức thấp, gầy đây, nhiều ngân hàng rục rịch tăng lãi suất cho vay mua nhà từ cố định đến thả nổi.
Nhiều ngân hàng bắt đầu tăng lãi suất ưu đãi mua nhà cố định 1-3 năm đầu và lãi suất thả nổi lên 0,5-1%/năm. Gói lãi suất cho vay mua nhà ưu đãi đã bắt đầu tăng nhẹ, từ mức 6-7%/năm cố định cho 3 năm đầu lên khoảng 7-7,5%/năm.
Việc này khiến nhiều người nhất là những khách hàng đang có hợp đồng vay mua nhà lo lắng, bất an, không biết xoay xở vào đâu với số tiền tăng thêm.
>> Xem thêm: Lãi suất cho vay mua nhà bắt đầu tăng, khách hàng lo lắng cú tăng 'sốc'
Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu gói tín dụng 30.000 tỷ cho nhà ở xã hội
Ngày 14/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với tín dụng chính sách xã hội.
Thủ tướng giao Bộ Xây dựng phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, nguồn từ phát hành trái phiếu Chính phủ và ngân sách địa phương uỷ thác, giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện.
>> Xem thêm: Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu gói tín dụng 30.000 tỷ cho nhà ở xã hội
Giảm lãi vay, đẩy mạnh tín dụng ưu đãi NƠXH
Các bộ, ngành đã và đang đưa ra nhiều nhiều giải pháp nhằm khơi thông nhà ở xã hội (NƠXH). Trong đó, việc có thêm 4 ngân hàng tham gia gói tín dụng 120.000 tỷ đồng và kiến nghị giảm lãi suất với gói tín dụng này được đánh giá sẽ thúc đẩy phát triển NƠXH.
Đáng chú ý, theo lãi suất cho vay gói này, thay vì giảm 2 điểm % so với lãi suất bình quân của 4 ngân hàng thương mại nhà nước 6 tháng xác định/lần, nay sẽ nâng mức giảm lên 3 điểm % và 3 tháng xác định/lần để hỗ trợ người mua nhà.
>> Xem thêm: Tăng cung NƠXH: Giảm lãi vay, đẩy mạnh tín dụng ưu đãi
Big 4 nhập cuộc tăng lãi suất huy động
Sau thời gian dài đứng im nhìn các ngân hàng cổ phần tư nhân đua nhau tăng lãi suất huy động, gần đây, nhóm Big 4 đã nhập cuộc. Sự tham gia của nhóm Big 4 khiến cuộc đua lãi suất sẽ càng nóng hơn.
Hiện mức lãi suất cao nhất trên thị trường là 6,1%/năm. Đây là mức lãi suất dành cho khoản tiền gửi thông thường, được CBBank, VRB và OceanBank áp dụng cho kỳ hạn 24 tháng và SaigonBank áp dụng cho 36 tháng. Mức lãi suất từ 5% trở lên gần như phủ kín kỳ hạn 12 tháng ở các ngân hàng.
>> Xem thêm: Big 4 nhập cuộc, đường đua lãi suất thêm 'nóng'
Kho bạc Nhà nước gửi gần 292.000 tỷ đồng tại nhóm Big4
Số dư tiền gửi của Kho bạc Nhà nước (KBNN) tại các "ông lớn" Big4 đã lên tới gần 292.000 tỷ đồng, mức cao nhất kể từ cuối năm 2021. Đây là nguồn vốn tốt mà nhiều ngân hàng mong muốn nhưng không phải nhà băng nào cũng được tiếp cận.
Tiền gửi của KBNN tại các ngân hàng quốc doanh tăng mạnh trong bối cảnh tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong nửa đầu năm tăng chậm. Bộ Tài chính cho hay, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 của cả nước đến hết tháng 7 ước đạt 32,22% tổng kế hoạch, đạt 34,68% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và thấp hơn so với cùng kỳ năm trước hơn 3%.
>> Xem thêm: Kho bạc Nhà nước gửi gần 292.000 tỷ đồng tại nhóm Big4
'Ông lớn' bảo hiểm sở hữu hơn 5.000 tỷ đồng cổ phiếu 3 ngân hàng
Theo thông tin vừa công bố về cổ đông của các ngân hàng, Prudential Việt Nam đang nắm giữ gần 193 triệu cổ phiếu của 3 ngân hàng hàng đầu Việt Nam hiện nay là ACB, MBB, Vietinbank với tổng giá trị cổ phiếu hơn 5.000 tỷ đồng.
Là một trong các công ty bảo hiểm nhân thọ nước ngoài gia nhập thị trường Việt Nam sớm nhất, Prudential đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường. Tính đến năm 2024, thị phần của Prudential chiếm khoảng hơn 15% ngành bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam.
>> Xem thêm: 'Ông lớn' bảo hiểm sở hữu hơn 5.000 tỷ đồng cổ phiếu 3 ngân hàng
Ngân hàng cấp tập phát hành trái phiếu
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) ấm dần trở lại với nhiều đợt phát hành thành công từ đầu năm 2024, trong đó ngành ngân hàng đã góp công lớn khi mạnh tay phát hành trái phiếu. Trong 7 tháng đầu năm nay, các ngân hàng phát hành tới 67,5% tổng giá trị TPDN, tương đương gần 123.000 tỷ đồng.
Lý giải việc các ngân hàng gia tăng phát hành trái phiếu riêng lẻ, các chuyên gia phân tích cho biết, đây là hoạt động với mục đích tăng tỷ lệ vốn huy động trung và dài hạn nhằm đảm bảo đủ tỷ lệ tối đa vốn huy động ngắn hạn cho vay trung và dài hạn theo quy định.
>> Xem thêm: Ngân hàng cấp tập phát hành trái phiếu: Tranh thủ hút vốn dài hạn giá rẻ
Tổng tài sản toàn hệ thống ngân hàng vượt 21 triệu tỷ đồng
NHNN vừa công bố một số chỉ tiêu cơ bản của hệ thống tổ chức tín dụng tính đến thời điểm 30/6/2024. Theo đó, về tổng tài sản, tính đến ngày 30/6/2024, tổng tài sản của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đạt 21.070.762 tỷ đồng, tăng 4,97% so với cuối năm 2023.
Trong đó, nhóm ngân hàng thương mại nhà nước (gồm: Agribank, VietinBank, Vietcombank, BIDV, VietinBank, CB, GPBank, Oceanbank) có tổng tài sản đạt 8.749.389 tỷ đồng, tăng 5,05% so với cuối năm 2023.
>> Xem thêm: Tổng tài sản toàn hệ thống ngân hàng vượt 21 triệu tỷ đồng
Tiền vẫn đổ về ngân hàng
Trong bối cảnh lãi suất huy động liên tục tăng trở lại, tiền nhàn rỗi tiếp tục chảy mạnh vào ngân hàng và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong phần còn lại của năm 2024.
Theo số liệu mới nhất của NHNN, tính đến tháng 6/2024, tiền gửi của người dân và tổ chức kinh tế ước đạt 13,57 triệu tỷ đồng, tăng 1,5% so với cuối năm 2023.
Dựa trên báo cáo tài chính quý II/2024, lũy kế nửa đầu năm 2024, nhiều ngân hàng đã đẩy mạnh hút tiền gửi, trong đó đáng chú ý là nhóm ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước.
>> Xem thêm: Tiền vẫn đổ về ngân hàng, lãi suất tiếp tục đà tăng mạnh?
Yêu cầu ngân hàng rà soát cổ đông sở hữu vượt quy định để xử lý
NHNN vừa có thông báo lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân đối với dự thảo thông tư quy định việc ngân hàng thương mại có cổ đông, cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ quy định để bảo đảm tuân thủ các quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng 2024.
Dự thảo thông tư yêu cầu các ngân hàng thương mại phải rà soát danh sách cổ đông sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ đến hết ngày 30/6/2024, đồng thời có lộ trình giảm tỷ lệ, cam kết đi kèm.
>> Xem thêm: Yêu cầu ngân hàng rà soát cổ đông sở hữu vượt quy định để xử lý
Áp lực tỷ giá USD giảm dần
Sau giai đoạn "nổi sóng", tỷ giá VND/USD gần đây đã dần hạ nhiệt. Áp lực tỷ giá vơi dần đã góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, tác động tích cực lên nền kinh tế.
Dự báo về diễn biến tỷ giá USD/VND giai đoạn từ nay đến cuối năm, nhiều chuyên gia đồng quan điểm cho rằng, căng thẳng tỷ giá đang giảm dần khi cơ quan quản lý đưa ra hàng loạt biện pháp nhằm bình ổn tỷ giá. Các ngân hàng thương mại cũng đã chủ động nâng lãi suất huy động để kích thích nhu cầu gửi tiền, góp phần ổn định tỷ giá...
>> Xem thêm: Áp lực tỷ giá USD: Dõi theo độ nóng từ nước Mỹ