Lãi suất huy động sẽ ra sao khi tăng trưởng tín dụng vượt xa huy động vốn?
Mặt bằng lãi suất huy động chịu áp lực lớn khi tính đến 20/9/2022, tăng trưởng tín dụng nền kinh tế cao gấp 2,61 lần tốc độ huy động vốn trong toàn hệ thống.
Theo báo cáo tình hình kinh tế xã hội quý III và 9 tháng đầu năm vừa được công bố, Tổng cục Thống kê cho biết đến thời điểm 20/9, tổng phương tiện thanh toán tăng 2,49% so với cuối năm 2021 và tăng 4,95% so với cùng kỳ năm 2021. Huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 4,04%, cùng kỳ năm 2021 tăng 4,28%.
Tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 10,54%, cùng kỳ năm 2021 tăng 7,17% (gấp 2,6 lần tốc độ tăng trưởng huy động vốn). Như vậy, sự lệch pha giữa tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng huy động vốn ngày càng được mở rộng.
Trước đó, tại họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý III do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức, Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú cho biết NHNN đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 14% năm 2022 có xem xét điều chỉnh khi cần thiết. Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm, mục tiêu kiểm soát lạm phát là yêu cầu cao nhất. NHNN đang theo dõi giám sát, đánh giá kịp thời tình hình tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thương mại, không chỉ cho năm 2022 mà còn tạo tiền đề kiểm soát tín dụng một cách hợp lý, phù hợp, hiệu quả cho năm 2023 – được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn.
Có thể thấy, ở giai đoạn này, thanh khoản thị trường liên ngân hàng không còn dồi dào so với giai đoạn trước.
Cụ thể, Vietcombank điều chỉnh biểu lãi suất huy động tăng từ 0,8-1,3 điểm % tại hầu hết kỳ hạn. VietinBank cũng điều chỉnh tăng lãi suất huy động kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng thêm 1% lên 4,1%/năm. Lãi suất từ 3 tháng đến dưới 6 tháng tăng thêm 1 điểm % từ 3,4%/năm lên 4,4%/năm. Với kỳ từ 12 tháng trở lên, lãi suất cũng tăng thêm 0,8 điểm % lên 6,4%/năm.
Tại Agribank, lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng đều tăng 1 điểm % lên khoảng 4,1-4,4%/năm. Lãi suất kỳ hạn 6 tháng đến 11 tháng tăng 0,8 điểm %, lãi suất kỳ hạn từ 12 tháng trở lên cũng có mức tăng tương tự. Lãi suất cho khoản tiền gửi không kỳ hạn tăng từ 0,1%/năm lên 0,3%/năm. Ngân hàng BIDV cũng tăng lãi suất huy động thêm 1 điểm % tại một số kỳ hạn.
Đặc biệt, tại các ngân hàng thương mại như Viet ABank, OCB, Saigon Bank, SCB, VPBank, Techcombank,…mức lãi suất cao nhất áp dụng đã vượt mức 7%/năm, có nơi vượt mức 8%/năm.
Động thái tăng lãi suất điều hành của NHNN nhằm để kiềm chế lạm phát, ổn định tỷ giá, đồng thời các ngân hàng thương mại tăng nhu cầu huy động vốn tài trợ cho hoạt động cho vay trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ.
Trước động thái tăng lãi suất tiết kiệm, một số chuyên gia cũng cho rằng mức độ biến động của mặt bằng lãi suất huy động sẽ tiếp tục phụ thuộc nhiều vào độ dồi dào của dòng vốn trên thị trường liên ngân hàng.
Các chuyên gia dự báo, lãi suất tiết kiệm có thể tăng 1-1,5 % trong cả năm 2022. Lãi suất cho vay cũng sẽ tăng, song có độ trễ so với thời điểm tăng của lãi suất tiết kiệm và có sự phân hóa mức tăng, thời điểm tăng giữa các ngành nghề.
Đơn cử như Chứng khoán KB Việt Nam cho rằng, lãi suất huy động cho các kỳ hạn ngắn sẽ nhạy cảm hơn và có thể tăng từ 0,5-1% ngay trong quý IV, các kỳ hạn dài sẽ ghi nhận mức tăng cao hơn là từ 1-1,5%. Từ đó, dự báo lãi tiền gửi bình quân toàn ngành tăng mạnh 1,14 điểm % so với đầu năm, đạt 4,56%.
Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước luôn định hướng xuyên suốt vẫn giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau dịch. Tuy nhiên, với mức tăng trưởng tín dụng cao hơn so với cùng kỳ, lãi suất huy động chịu áp lực tăng, lãi suất cho vay cũng khó có thể tránh khỏi những áp lực nhất định.