Lãi tiền gửi và chi phí dự phòng rủi ro tại Ngân hàng TPBank tăng: Có đáng lo?

Chi phí trả lãi tiền gửi tại TPBank cùng với các khoản chi phí hoạt động và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng đều có mức tăng đáng kể trong năm 2020.

Các dữ liệu trong báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2020 vừa được TPBank công bố cho thấy, kết thúc năm 2020 các chi phí lãi và các khoản chi phí tương tự tại TPBank tăng thêm gần 992 tỷ đồng so với năm 2019, lên hơn 7.209 tỷ đồng. Trong đó, chỉ riêng chi phí trả lãi tiền gửi cũng tăng tới trên 576 tỷ đồng, lên hơn 5.166 tỷ đồng.

Lãi tiền gửi có đang bào mòn lợi nhuận tại TPBank? (Nguồn: BCTC hợp nhất quý 4/2020 tại TPBank).  
Lãi tiền gửi có đang bào mòn lợi nhuận tại TPBank? (Nguồn: BCTC hợp nhất quý 4/2020 tại TPBank).  
Đáng chú ý, riêng quý 4/2020 và cả năm 2020, TPBank đều ghi nhận các khoản chi phí hoạt động và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng mạnh hàng trăm tỷ đồng so với năm 2019.
 Các khoản chi phí hoạt động và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng mạnh hàng trăm tỷ đồng. (Nguồn: BCTC hợp nhất quý 4/2020 tại TPBank).  
 Các khoản chi phí hoạt động và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng mạnh hàng trăm tỷ đồng. (Nguồn: BCTC hợp nhất quý 4/2020 tại TPBank).  
Cụ thể, quý 4/2020, chi phí hoạt động tại TPBank tăng 48% so với cùng kỳ năm 2019, lên mức 1.308 tỷ đồng và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng đến 77%, lên mức hơn 601 tỷ đồng. Cả năm 2020, chi phí hoạt động tại TPBank tăng 27% so với năm trước, ghi nhận 4.197 tỷ đồng và chi phí dự phòng rủi ro tại TPBank tăng 37%, ghi nhận hơn 1.783 tỷ đồng.

Diễn biến chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng đột biến tại TPBank không gây nhiều bất ngờ nếu nhìn vào bảng phân tích chất lượng tài sản của ngân hàng. Cũng như biến động nợ xấu tại một số ngân hàng khác, nợ xấu tại TPBank đều có mức tăng đáng kể so với thời điểm đầu năm 2020.

Cụ thể, đến cuối tháng 12/2020, tổng nợ xấu của TPBank tăng 15% so với đầu năm, ghi nhận hơn 1.420 tỷ đồng, chủ yếu là do nợ dưới tiêu chuẩn tăng 37%, lên mức 661 tỷ đồng và nợ nhóm nghi ngờ tăng nhẹ 8%, ghi nhận gần 331 tỷ đồng. 

Tại ngày 31/12/2020, tổng nợ xấu của TPBank tăng 15% so với đầu năm. (Nguồn: BCTC hợp nhất quý 4/2020 tại TPBank).  
Tại ngày 31/12/2020, tổng nợ xấu của TPBank tăng 15% so với đầu năm. (Nguồn: BCTC hợp nhất quý 4/2020 tại TPBank).  
Chi phí trả lãi tiền gửi tại TPBank cùng với các khoản chi phí hoạt động và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng đều có mức tăng đáng kể là các yếu tố khiến kết quả lợi nhuận quý 4/2020 của TPBank giảm mạnh so với cùng kỳ 2019.

Kết thúc quý 4/2020, sau khi trừ đi các chi phí có mức tăng mạnh nói trên, TPBank đạt lợi nhuận trước và sau thuế giảm 7%, chỉ còn gần 1.365 tỷ đồng và 1.091 tỷ đồng.

Lũy kế cả năm 2020, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng tuy nhiên lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cũng tăng 19%, đạt gần 6.172. Do đó, lợi nhuận trước và sau thuế cả năm tăng nhẹ 13%, ghi nhận gần 4.389 tỷ đồng và hơn 3.510 tỷ đồng.

Cũng trong báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2020, tính đến cuối năm 2020, tổng tài sản của TPBank tăng 25% so với đầu năm, ghi nhận gần 206.315 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi tại NHNN tăng 17% (9.108 tỷ đồng), cho vay khách hàng tăng 25% (119.991 tỷ đồng).

Về phần nguồn vốn, tiền gửi khách hàng cũng tăng 25% so với đầu năm, ghi nhận gần 115.904 tỷ đồng. Tiền vay các TCTD khác tăng 90% (21.479 tỷ đồng), phát hành giấy tờ có giá tăng 90% (27,438 tỷ đồng).

Đáng chú ý, nhờ cho vay khách hàng tăng trưởng 25%, do đó kéo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay TPBank giảm nhẹ từ 1,29% năm 2019 xuống còn 1,18%.

Hà Phương

Theo Sở hữu trí tuệ