Lãi vay cao, thời gian ngắn: Gói tín dụng 120.000 tỷ cho vay NƠXH nguy cơ ế
Theo Hiệp hội Bất động sản TP. HCM, những điều khoản, quy định trong gói tín dụng 120.000 tỷ đồng ưu đãi dành cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân còn nhiều bất cập dẫn đến nguy cơ bị ế vốn.
Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng được đưa ra nhằm ưu đãi cho các chủ đầu tư, người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ vay ưu đãi theo Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ.
Ngân hàng Nhà nước đã có hướng dẫn thực hiện chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2023-2030 từ đầu tháng 4/2023.
Theo đó, chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư sẽ được vay với lãi suất 8,7%, người mua nhà vay với lãi suất 8,2%.
Báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng, dù gói tín dụng 120.000 tỷ đã triển khai được 2 tháng nhưng chưa có dự án nào để cho vay. Việc chậm giải ngân này được lý giải là do yếu tố khách quan như việc các dự án hiện nay chủ yếu đang ở giai đoạn làm thủ tục đầu tư.
Theo đánh giá của ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) thì những điều khoản, quy định trong gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cũng còn nhiều bất cập. HoREA đã có văn bản gửi tới Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước liên quan đến gói tín dụng 120.000 tỷ đồng.
Theo đó, HoREA cho rằng, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng không phải là gói tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội.
Bởi lẽ, nếu là gói tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội thì phải đảm bảo 2 tiêu chí. Thứ nhất, lãi suất thấp dành cho chủ đầu tư và người mua, thuê mua nhà ở xã hội quy định thường bằng 50% mức lãi suất cho vay thương mại, như quy định mức lãi suất ưu đãi hiện nay là 4,8 - 5%/năm và mức lãi suất ưu đãi này được xác định hàng năm. Thứ hai, thời hạn vay ưu đãi dài hạn, như Nghị định 49/2021/NĐ-CP quy định thời hạn vay ưu đãi tối đa 25 năm áp dụng cho cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội và 5 năm đối với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội.
Trong khi đó, HoREA cho hay, Ngân hàng Nhà nước quy định lãi suất 8,2%/năm áp dụng cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thuộc dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư… vẫn là quá cao so với khả năng tài chính của đối tượng là người có thu nhập thấp.
Hiệp hội dẫn chứng, căn hộ nhà ở xã hội có giá 1 tỷ đồng, thanh toán trước 20% là 200 triệu đồng và được vay 80% là 800 triệu đồng, Với lãi suất 8,2%/năm, chỉ riêng việc trả lãi vay năm đầu tiên người vay phải trả bình quân 5,46 triệu đồng/tháng, đồng thời còn phải trả một phần nợ gốc.
Còn với mức lãi suất 8,7%/năm áp dụng cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư lại khá phù hợp và có tác động tích cực đối với các chủ đầu tư khi hiện nay, lãi suất vay rất cao, có thể lên đến 12-13%/năm.
Cùng với đó, HoREA cho rằng, Ngân hàng Nhà nước quy định các mức lãi suất của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng được xác định định kỳ 6 tháng một lần; theo đó mức lãi suất 8,2%/năm, 8,7%/năm áp dụng đến ngày 30/6/2023 làm cho tâm lý của người vay thêm bất an.
Thời gian ưu đãi của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng đối với người mua nhà chỉ trong 5 năm là quá ngắn. Riêng thời gian ưu đãi đối với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trong 3 năm chỉ phù hợp với các dự án quy mô trung bình nhưng chưa phù hợp với các dự án quy mô lớn.
Ngoài ra, Ngân hàng Chính sách Xã hội đang còn tồn gần 11.000 tỷ đồng để cho vay mua, thuê mua nhà ở xã hội nhưng do không có nhà ở xã hội nên không có người vay.
Nếu tính suất vay bình quân là 600 triệu đồng/căn, với nguồn vốn 11.000 tỷ đồng thì Ngân hàng Chính sách Xã hội còn có thể cho khoảng 18.000 người vay mua nhà ở xã hội.
Do vậy, theo HoREA, nếu có nguồn cung nhà ở xã hội, người mua, thuê mua nhà ở xã hội chắc chắn sẽ lựa chọn vay ưu đãi 4,8%/năm tại Ngân hàng Chính sách Xã hội. Khi ấy, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng có thể bị ế khi người mua, thuê mua nhà ở xã hội không lựa chọn để vay.