Làm hầm chống ngập-đường giao thông dưới sông Tô Lịch...

Xét về năng lực, kinh nghiệm kỹ thuật cũng như tài chính JVE cần xem xét nhiều vấn đề khi đưa ra đề xuất trên.

Tập đoàn Môi trường Nhật Việt JVE cùng Tổng thầu Nhật Bản vừa đề xuất lập quy hoạch hệ thống hầm ngầm chống ngập, chống ùn tắc chạy dọc sông Tô Lịch. Theo đề xuất này, JVE dự định xây dựng một hệ thống ngầm được thiết kế theo tiêu chuẩn Nhật Bản với 2 tầng độc lập dành cho 2 chiều xe chạy.

Mỗi tầng được thiết kế với 2 làn xe, và 1 làn dừng xe khẩn cấp.

Bên dưới , JVE thiết kế hệ thống đường hầm ngầm chống ngập với đường kính 16,8m chạy dài khoảng 11,65km dọc sông Tô Lịch.

Làm hầm chống ngập-đường giao thông dưới sông Tô Lịch... - Ảnh 1
Mô hình mặt cắt ngang hệ thống hầm ngầm khổng lồ chống ngập kết hợp cao tốc ngầm chống ùn tắc nội đô dọc Công viên Tô Lịch (Hà Nội).

GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT mong muốn JVE có thể làm rõ một số vấn đề sau.

Trước hết, GS.TS Vũ Trọng Hồng đánh giá cao sự quan tâm của JVE liên quan tới các vấn đề của sông Tô Lịch, đặc biệt vấn đề xử lý ô nhiễm cho dòng sông này.

Trên thực tế, JVE đã thử nghiệm làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano - Bioreactor. Tiếp sau đó, doanh nghiệp này lại gây chú ý bằng đề xuất giải pháp tổng thể cải tạo toàn bộ dòng sông Tô Lịch.

Về phía thành phố, nhằm tiếp tục cải thiện môi trường nước sông Tô Lịch, đặc biệt là khi Dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá hoàn thành và đưa vào sử dụng, các đơn vị chức năng thành phố đã có chủ trương quy hoạch sông Tô Lịch thành nơi chuyển nước thải, tiêu nước mưa cho 4 quận nội thành.

Như vậy, sẽ có nhiều câu hỏi cần được trả lời rõ.

Thứ nhất, với đề xuất làm hầm chống ngập và cao tốc ngầm dưới sông Tô Lịch thì cũng đồng nghĩa với việc phải thay đổi toàn bộ quy hoạch thoát nước Hà Nội đang triển khai. Trong đó có Dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá Hà Nội đang triển khai và các hệ thống cống gom nước thải, hệ thống trạm bơm đang hoạt động hoặc đã triển khai, sắp đưa vào hoạt động.

"Vấn đề này cần được trả lời rõ, khi thực hiện xây dựng hệ thống cống ngầm chống ngập thì việc thu, gom, xử lý nước thải sẽ được thực hiện như thế nào? Sẽ sử dụng hệ thống hạ tầng thoát nước của Hà Nội hay phải xây dựng hệ thống cống ngầm mới? Bởi không thể sử dụng hệ thống thoát nước nổi cho một dự án ngầm.

Cả việc gom nước thải rồi đưa đi đâu, có xử lý trước khi đổ ra sông hay sẽ gom nước thải rồi chảy thẳng ra sông Nhuệ, sông Đáy? Vấn đề này cũng cần làm rõ, bởi đây là doanh nghiệp đã có nhiều ý tưởng và cũng thực hiện thí điểm nhiều phương án xử lý ô nhiễm cho nước sông Tô Lịch ", GS.TS Vũ Trọng Hồng đặt vấn đề.

Thứ hai, về vấn đề tiêu nước mưa. Đây là vấn đề liên quan tới địa chất của Hà Nội và mực nước sông Hồng với cốt nền Hà Nội.

Về địa chất, Hà Nội có cốt nền đất yếu, nhiều lớp bùn, cát, dễ gây sụt lún không giống các khu vực ĐBSCL, hay những khu vực núi đất đá có cốt nền chắc chắn.

"Trước đây Hà Nội cũng từng bàn tới phương án xây ngầm tuyến metro từ Chùa Bộc tới Hà Đông, tuy nhiên, qua khảo sát xác định nền địa chất Hà Nội yếu, việc gia cố gặp nhiều khó khăn, tốn kém, dự án đã phải hủy bỏ.

Vậy khi đưa ra đề xuất trên, JVE đã nghiên cứu kỹ địa chất của Hà Nội chưa? Giải pháp gia cố đường hầm khi xây dựng trong lớp bùn cát đó thế nào?

Về mực nước sông Hồng so với cốt nền Hà Nội, GS.TS Vũ Trọng Hồng cho biết mực nước sông Hồng đang cao hơn cốt nền Hà Nội. Như vậy, nếu mực nước sông Hồng hàng năm vẫn tiếp tục dâng cao hơn, đồng nghĩa với dự án hầm mà JVE đề xuất sẽ nằm trong vùng nước. Vậy nên, phương án chống thấm cho hệ thống ngầm này thế nào để bảo đảm cho dự án khi vận hành?

Lam Nguyễn

Theo Đất Việt