'Lao dốc không phanh', điều gì đang xảy ra với tiền điện tử Bitcoin?

Ông Edward Moya nhận định: “Giá Bitcoin lao dốc khi các nhà đầu tư vội vàng loại bỏ những tài sản rủi ro ra khỏi danh mục đầu tư sau khi cổ phiếu trượt giá mạnh”.

Hôm nay 22/1, đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới Bitcoin tuột giá 6,82% so với ngày trước đó xuống 36.300 USD/đồng.

Hôm qua 21/1, giá Bitcoin đã lao dốc một mạch từ ngưỡng cao trong ngày 43.300 USD/đồng xuống hơn 38.000 USD/đồng. Tổng giá trị vốn hóa thị trường của Bitcoin bị thu hẹp còn 688 tỷ USD, chính thức mất mốc 700 tỷ USD.

Trong vòng bảy ngày qua, giá Bitcoin đã lao dốc hơn 15%. Đà giảm giá của Bitcoin kéo tụt giá trị vốn hóa của thị trường tiền mã hóa xuống còn 1.690 tỷ USD, giảm 7,94% so với một ngày trước đó.

Ảnh minh họa.  
Ảnh minh họa.  
Các đồng tiền mã hóa khác cũng đồng loạt lao dốc. Ether - đồng tiền mã hóa lớn thứ hai thế giới - hiện được giao dịch quanh mức 2.500 USD/đồng, sụt giảm 10,91% so với 24 giờ trước đó.

Còn trên sàn giao dịch Phố Wall, các chỉ số chính đều lao dốc mạnh. Chỉ số công nghiệp Dow Jones sụt giảm 1,3%, tương đương 450,02 điểm, xuống còn 34.265,37 điểm.

Chỉ số S&P 500 và Nasdaq cũng giảm lần lượt 1,89% và 2,72%. Đây là tuần giảm mạnh nhất của S&P 500 và Nasdaq kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào tháng 3/2020. Riêng S&P 500 đã chứng kiến tuần giảm thứ ba liên tiếp. So với hồi đầu tháng, chỉ số mất tới 8,3% giá trị.

Theo chuyên gia tài chính Edward Moya của hãng tư vấn Oanda (có trụ sở ở London): “Phố Wall đã không còn tranh luận về việc nên chuyển từ cổ phiếu công nghệ sang cổ phiếu chu kỳ (những cổ phiếu biến động theo xu hướng của nền kinh tế nói chung). Thay vào đó, thị trường ồ ạt bán tháo tất cả”.

“Chứng khoán Mỹ đã trải qua một "chuyến tàu lượn siêu tốc kinh hoàng”, vị chuyên gia bình luận.

Trong phiên giao dịch cuối tuần, giá cổ phiếu Netflix bay hơi 22% sau khi công bố dự báo về mức sụt giảm lượng khách hàng đăng ký dịch vụ.

Theo ông, các nhà đầu tư Phố Wall có hai nỗi lo lắng lớn. “Thứ nhất, áp lực lạm phát dường như không sớm biến mất và có thể Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ trở nên quá mạnh tay trong việc thắt chặt các chính sách tiền tệ”, ông Moya nhận định.

Một nỗi lo ngại khác là kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận dường như đã quá cao và kích hoạt đà bán tháo. “Rủi ro địa chính trị cũng đang ‘đổ thêm dầu’ vào áp lực bán”, ông Moya nhận định.

Theo dữ liệu mới nhất, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2021 của Mỹ đã tăng 7% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là mức tăng lớn nhất kể từ tháng 6/1982. Lạm phát tăng cao làm gia tăng chi phí hộ gia đình, ăn mòn tiền lương, gây áp lực lên chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden và FED.

Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, thước đo lạm phát lõi - không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng - cũng tăng 5,5% trong tháng 12, đánh dấu mức kỷ lục trong vòng nhiều thập kỷ.

Ông Edward Moya nhận định: “Giá Bitcoin lao dốc khi các nhà đầu tư vội vàng loại bỏ những tài sản rủi ro ra khỏi danh mục đầu tư sau khi cổ phiếu trượt giá mạnh”.

Một rủi ro khác đối với Bitcoin là cuộc họp chính sách Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) vào tuần tới. FOMC là cơ quan hoạch định chính sách tiền tệ của FED. Những quyết định của FOMC sẽ ảnh hưởng tới lãi suất và các biến số kinh tế.

“Nhà đầu tư đang dồn sự chú ý vào cuộc họp diễn ra trong tuần tới”, ông Moya chia sẻ. “Các tài sản rủi ro đã bị giáng đòn mạnh. Đà bán càng tăng nhanh sau khi Bitcoin tuột giá xuống dưới ngưỡng 40.000 USD/đồng”, ông nói thêm.

Theo vị chuyên gia, Bitcoin vẫn đang nằm trong vùng nguy hiểm. “Sau khi lao dốc xuống dưới mức 37.000 USD/đồng, Bitcoin có thể giảm còn 30.000 USD/đồng”, ông Moya cảnh báo.

Quang Duy

Theo SHTT