Thị trường tiền ảo chao đảo khi Bitcoin "thủng" mốc 30.000 USD, vốn hóa "bốc hơi" 300 tỷ USD
Theo Coindesk, trong 24h qua, giá Bitcoin có lúc đã xuống chạm mốc 30.000 USD và tối 22/6 hiện đã có lúc xuống dưới 30.000 USD, Ethereum mất 27% giá trị, hiện giao dịch quanh mốc 1.880 USD. Trong 48 giờ qua, vốn hoá thị trường tiền điện tử giảm hơn 10% và giảm 25% so với tuần trước.
Trong 24h qua, giá Bitcoin có lúc đã xuống chạm mốc 30.000USD và tối 22/06 hiện đã có lúc xuống dưới 30.000 USD, Ethereum mất 27% giá trị, hiện giao dịch quanh mốc 1.880 USD. Trong 48 giờ qua, vốn hoá thị trường tiền điện tử giảm hơn 10% và giảm 25% so với tuần trước.
Đà lao dốc của thị trường tiền điện tử đi kèm với hoạt động on-chain giảm mạnh. Các địa chỉ hoạt động on-chain cho Bitcoin và Ethereum giảm xuống mức thấp của tháng 6 năm 2020. Phần lớn sự sụt giảm này đều bắt nguồn từ đợt điều chỉnh hôm 19/5. Từ tháng 3 đến đầu tháng 5/2021, hoạt động địa chỉ Bitcoin đạt mức cao nhất là 1,16 triệu. Con số này hiện giảm 24%, xuống còn 884 nghìn địa chỉ hoạt động. Mức giảm của Ethereum thậm chí còn tồi tệ hơn với 30%, từ 676 nghìn/ngày xuống còn 474 nghìn/ngày.
Nếu nhìn vào các khoản thanh toán bằng USD trên blockchain Ethereum và Bitcoin, sự suy giảm còn lớn hơn. Các khoản thanh toán bằng USD của mạng Bitcoin giảm 64% so với mức đỉnh của tháng 5, trong khi con số này của mạng Ethereum giảm tới 68%. Mạng lưới Bitcoin hiện xử lý 18,3 tỷ USD mỗi ngày, Ethereum xử lý 5 tỷ USD mỗi ngày tính đến thời điểm hiện tại.
Có vẻ như đà giảm của BTC hiện tại sẽ còn kéo dài thêm một thời gian. Nhà phân tích Willy Woo dự đoán rằng thị trường chứng khoán sẽ quyết định hành động giá tiếp theo của Bitcoin bất kể các nguyên tắc on-chain cơ bản.
Các nghiên cứu từ nền tảng phân tích CryptoQuant cho thấy lượng Bitcoin hàng ngày được nạp vào các sàn giao dịch gần đây tăng đột biến. Đây là mức tăng cao nhất kể từ sự cố diễn ra vào giữa tháng 3/2020. Đáng chú ý, sự cố vào tháng 3 năm ngoái khiến giá BTC giảm 50% chỉ trong một ngày, chạm đáy ở ngưỡng dưới 4.000 USD.
Bên cạnh đó, đường MA 50 ngày cắt xuống dưới đường MA 200 ngày, gần như đặt một dấu chấm hết cho đà tăng của BTC. Lịch sử cho thấy những diễn biến tương tự trước đây dẫn đến những biến động giá bất lợi. Ngoài ra, các báo cáo khác chỉ ra giới đầu tư tổ chức không chỉ ngừng phân bổ tiền vào các sản phẩm liên quan đến Bitcoin, mà còn bắt đầu thực hiện các khoản rút tiền đáng kể từ thị trường tiền mã hoá. Các dấu hiệu và phân tích trên đều được đánh giá là đáng lo ngại, báo hiệu một chu kỳ giảm giá đang chờ phía trước.
Từ cuối tuần trước, chính quyền các tỉnh Trung Quốc đã đóng cửa nhiều mỏ đào tiền số. Đến hôm qua (21/6), Bắc Kinh lại tiếp tục làm thị trường chao đảo khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã trao đổi với Alipay và một số tổ chức tài chính lớn.
Thị trường tiếp tục suy giảm được cho là từ những động thái quyết liệt từ chính quyền Trung Quốc. Theo tờ Global Times, việc Tứ Xuyên dẹp nhiều mỏ đảo đã khiến công suất khai thác Bitcoin ở Trung Quốc giảm hơn 90%. Các chính quyền khác tại Trung Quốc như Thanh Hải, Tân Cương cũng mạnh tay đóng cửa các mỏ đào.
Bắc Kinh ngày càng cứng rắn hơn với Bitcoin để bảo vệ hệ thống tài chính, cũng như giảm lượng tiêu thụ điện năng. Trước đó hồi tháng 4/2020, Đại học Cambridge ước tính, khoảng 65% hoạt động khai thác Bitcoin trên thế giới diễn ra tại Trung Quốc.
Tỷ lệ băm (đơn vị đo khả năng giải thuật toán của thiết bị đào coin) tại Trung Quốc đang sụt giảm đáng kể do các mỏ khai thác bị đóng cửa, theo Jonathan Cheesman tại sàn giao dịch FTX. "Về dài hạn, hầu hết đều cho rằng tỷ lệ băm dịch chuyển khỏi Trung Quốc là tích cực, nhưng thời gian tới có thể dẫn đến việc bán tháo hàng tồn kho", Cheesman cho hay.
Đến hôm 21/6, Bắc Kinh lại tiếp tục làm thị trường chao đảo khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã trao đổi với Alipay và một số tổ chức tài chính lớn. PBOC yêu cầu các bên này không cung cấp các dịch vụ liên quan đến hoạt động tiền số, gồm cả việc mở tài khoản, thanh toán bù trừ. Đây không phải những quy định mới của cơ quan quản lý ngân hàng Trung Quốc. Tuy nhiên, động thái mới nhất cho thấy PBOC đang tăng cường giám sát và gây áp lực thế nào với các tổ chức tài chính về tiền điện tử.
Trung Quốc đã cấm các sàn giao dịch tiền điện tử trong nước năm 2017, khiến họ phải chuyển ra nước ngoài. Dù quy trình giao dịch phức tạp hơn, điều này vẫn không ngăn được các nhà đầu tư Trung Quốc mua bán tiền số.
Nhà đầu tư tại Trung Quốc sẽ phải chuyển đồng nhân dân tệ của họ sang một nền tảng để mua tiền điện tử. Điều đó sẽ được thực hiện thông qua dịch vụ thanh toán như Alipay hoặc tài khoản ngân hàng. Vì vậy, yêu cầu của PBOC có thể nhằm muốn các doanh nghiệp khắc phục lỗ hổng này.