LG kinh doanh ra sao trước thông tin tạm dừng đầu tư mở rộng tại Hải Phòng?

Vấn đề thuế quan khiến LG cân nhắc lại kế hoạch đầu tư tại Việt Nam. Tại Hải Phòng, LG đã dừng đầu tư mở rộng sản xuất lò vi sóng và tạm dừng sản xuất tủ lạnh, ảnh hưởng tới hơn 400 lao động.

400 lao động ảnh hưởng vì LG tạm dừng đầu tư mở rộng

Thông tin LG tạm dừng đầu tư mở rộng tại Hải Phòng xuất hiện tại hội nghị gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn có hoạt động xuất khẩu sang thị trường Mỹ do Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng tổ chức mới đây.

Theo tổng hợp của Ban Quản lý, năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế Hải Phòng đạt 31,4 tỷ USD, chiếm khoảng 90% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn thành phố.

Trong quý I năm 2025, con số này đã đạt 7 tỷ USD. Riêng lượng hàng hóa xuất khẩu sang thị trường Mỹ đạt khoảng 6,11 tỷ USD. Việc Mỹ bất ngờ điều chỉnh mức thuế suất nhập khẩu từ mức trung bình 9,4% lên 46% đã gây ra những tác động tiêu cực và trực tiếp đến nhiều doanh nghiệp lớn tại Hải Phòng, cả trong ngắn hạn và dài hạn.

Việc bị áp mức thuế suất cao khiến chi phí xuất khẩu của doanh nghiệp tăng đột biến, dẫn đến giảm lợi nhuận, mất khả năng cạnh tranh và mất thị phần tại thị trường Mỹ. Nhiều doanh nghiệp buộc phải cắt giảm sản lượng, thu hẹp quy mô hoạt động, cắt giảm lao động và trì hoãn kế hoạch đầu tư.

Khảo sát được thực hiện với 64 doanh nghiệp xuất khẩu trên tổng số 130 doanh nghiệp có hoạt động liên quan đến thị trường Mỹ cho thấy tổng thiệt hại do chính sách thuế mới ước tính vào khoảng 2,81 tỷ USD.

Chính sách thuế quan của Mỹ khiến các doanh nghiệp buộc phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất, tạm ngừng một số dây chuyền hoặc dừng đầu tư mở rộng.

LG Electronics Hải Phòng thiệt hại 460 triệu USD vì chính sách thuế quan của Mỹ.  
LG Electronics Hải Phòng thiệt hại 460 triệu USD vì chính sách thuế quan của Mỹ.  

Đáng chú ý, LG Electronics Hải Phòng thiệt hại 460 triệu USD, khiến doanh nghiệp dừng đầu tư mở rộng sản xuất lò vi sóng và tạm dừng sản xuất tủ lạnh, ảnh hưởng tới hơn 400 lao động.

Ông Kim Hwanki, Giám đốc Tài chính LG Electronics Việt Nam tại Hải Phòng chia sẻ: "Chúng tôi đánh giá cao phản ứng kịp thời của Chính phủ Việt Nam và chính quyền Hải Phòng. Tuy nhiên, vấn đề thuế quan khiến chúng tôi phải cân nhắc lại kế hoạch đầu tư trong năm sau. Mong rằng những nỗ lực đàm phán sẽ đem lại hiệu quả để chúng tôi có thể tiếp tục phát triển bền vững tại đây".

LG kinh doanh ra sao?

LG là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Tính đến tháng 4/2024, LG đã thu hút đầu tư vào Hải Phòng 8,24 tỷ USD, trong đó, 7 dự án với vốn đầu tư 7,24 tỷ USD (LG Electronics, LG Display, LG Innotek, LG CNS, LG Chemical, LG International) và 50 doanh nghiệp vệ tinh với tổng vốn đầu tư gần 1 tỷ USD.

Tới tháng 11/2024, LG Display nhận giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án 1 tỷ USD. Cụ thể, LG Display tại khu công nghiệp Tràng Duệ tăng tổng vốn đầu tư từ 4,65 tỷ USD lên 5,65 tỷ USD. Đây là một trong những dự án đầu tư lớn nhất của Tập đoàn LG tại Việt Nam, chuyên sản xuất màn hình OLED công nghệ cao với quy mô 13 – 14 triệu sản phẩm/tháng.

Dự án bắt đầu từ năm 2016 với số vốn 1,5 tỷ USD. Sau 8 năm hoạt động liên tục mở rộng quy mô, LG đã tạo việc làm cho hơn 22.000 lao động, xuất khẩu bình quân đạt 5,8 tỷ USD/năm, nộp ngân sách bình quân 1.000 tỷ đồng/năm.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2024 vừa công bố, Tập đoàn LG Electronics (Hàn Quốc) ghi nhận doanh thu đạt 87.728 tỷ won (xấp xỉ 60 tỷ USD theo tỷ giá ngày 8/4/2025), tăng 6,6% so với năm 2023.

Ảnh minh hoạ.  
Ảnh minh hoạ.  

Tuy nhiên, việc giá vốn hàng bán cùng chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp gia tăng đã kéo lợi nhuận hoạt động giảm 6,4%, còn 3.419,7 tỷ won. Lợi nhuận sau thuế cả năm của tập đoàn sụt giảm tới 48,6%, chỉ còn 591,4 tỷ won.

Đáng chú ý, riêng quý IV/2024, LG Electronics ghi nhận khoản lỗ trước thuế lên tới 1.095,4 tỷ won và lỗ sau thuế 713,7 tỷ won, tăng mạnh so với các khoản lỗ tương ứng 88,6 tỷ won và 76,4 tỷ won của cùng kỳ năm trước.

Tính đến cuối năm 2024, tổng tài sản của LG đạt 65.629,6 tỷ won, tăng 8,9% so với cuối năm 2023. Trong đó, tổng nợ ở mức 40.417,9 tỷ won, còn vốn chủ sở hữu đạt 25.211,7 tỷ won.

Báo cáo tài chính cũng cho thấy kết quả kinh doanh khả quan của hai công ty con lớn nhất của LG tại Việt Nam là LG Electronics Vietnam (LGEVH) và LG Innotek Vietnam (LGITVH) đều đặt tại Hải Phòng.

Trong năm 2024, LGEVH ghi nhận doanh thu đạt 5.635,7 tỷ won (tương đương gần 98.791 tỷ đồng), tăng 9,8% so với năm trước. Lợi nhuận đạt 173,87 tỷ won, tăng trưởng 15,7%.

Trong khi đó, LGITVH mang về doanh thu 5.419,5 tỷ won và lợi nhuận 187,97 tỷ won, lần lượt giảm 6% và 17,8% so với năm 2023.

Tổng cộng, hai công ty này đạt doanh thu 11.055 tỷ won và lợi nhuận 361,8 tỷ won, tương ứng 12,6% tổng doanh thu và 61,2% tổng lợi nhuận của toàn tập đoàn trong năm 2024.

Theo LG, hai công ty tại Việt Nam hiện có doanh thu cao thứ ba và thứ tư trong số các công ty thành viên của LG Electronics toàn cầu, chỉ đứng sau LG Innotek tại Hàn Quốc và LG Electronics tại Mỹ.

Tính đến cuối năm 2024, tổng tài sản của LGEVH đạt 2.233 tỷ won (khoảng 39.384 tỷ đồng), tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nợ phải trả là 1.187,8 tỷ won và vốn chủ sở hữu đạt 1.045,4 tỷ won.

Ngược lại, LGITVH ghi nhận tổng tài sản giảm 7% còn gần 2.022 tỷ won. Nợ phải trả giảm mạnh 37,8% xuống còn 798,7 tỷ won, trong khi vốn chủ sở hữu tăng 37% lên 1.223 tỷ won.

Ngọc Lưu

Theo VietnamFinance