Liên tiếp trúng loạt gói thầu lớn, Thiết bị Điện Đông Anh kinh doanh ra sao
Tổng công ty thiết bị điện Đông Anh – CTCP từng tham gia đấu và trúng thầu với tổng giá trị trúng thầu hơn 8.414,8 tỷ đồng. Đáng chú ý, cổ đông chính của Tổng công ty là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (chiếm 46,49% vốn điều lệ).
Thiết bị điện Đông Anh có vốn điều lệ hơn 324,86 tỷ đồng (theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần thứ 15). Cổ đông chính của Tổng công ty là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (chiếm 46,49% vốn điều lệ) và các cổ đông khác nắm giữ 53,51% vốn điều lệ.
Ngành nghề kinh doanh: Sản xuất máy biến áp phân phối, máy biến áp trung gian, các loại máy biến áp truyền tải có điện áp đến 500kV; Lắp đặt, hiệu chỉnh, bảo dưỡng, đại tu, cải tạo các loại thiết bị điện đến 500kV, các thiết bị cơ nhiệt, cơ thuỷ đến 250 ata; Cung cấp các thiết bị và tư vấn xây dựng các phòng thí nghiệm điện cao áp,…
Liên tiếp trúng thầu dịp đầu năm
Dữ liệu cho thấy công ty đã tham gia đấu thầu và trúng ít nhất 528 gói, tổng giá trị trúng thầu hơn 8.414,8 tỷ đồng. Trong đó, tổng giá trị các gói thầu trúng với vai trò độc lập hơn 7.703,8 tỷ đồng; tổng giá trị các gói thầu trúng với vai trò liên danh chỉ hơn 710,9 tỷ đồng.
Các tỉnh thành tham gia đấu thầu và trúng thầu nhiều nhất là: Hà Nội (169 gói), TP. HCM (81 gói), Đà Nẵng (39 gói), Hải Phòng (36 gói), Thái Nguyên (24 gói), Bắc Giang (21 gói), Quảng Ninh (17 gói),…
Trong 5 tháng đầu năm 2024, dữ liệu của VietnamFinance thống kê sơ bộ cho thấy Công ty Điện Đông Anh trúng ít nhất 26 gói thầu.
Gần đây nhất, ngày 7/5/2024, Giám đốc Tổng công ty Điện lực Miền Trung Ngô Tấn Cư ký quyết định lựa chọn nhà thầu Gói thầu CPC-TuNghia-C01: Cung cấp, vận chuyển, lắp đặt MBA 110kV, dự án nâng công suất TBA 110kV Tư Nghĩa (từ 1x25MVA – 2x25MVA). Nhà thầu trúng thầu là Công ty Điện Đông Anh với giá trúng thầu hơn 10,53 tỷ đồng; giá dự toán gói thầu hơn 10,56 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong tháng 3 và tháng 4/2024, Công ty Điện Đông Anh cũng được lựa chọn là nhà thầu thực hiện nhiều gói thầu, như: Gói thầu 1: Đại tu, sửa chữa, lắp đặt MBA 110kV, thuộc Công trình đại tu, sửa chữa MBA T1 E1.39 Thanh Oai (giá trúng thầu hơn 3,9 tỷ đồng; giá dự toán hơn 6,6 tỷ đồng); Gói thầu: Đại tu, sửa chữa, lắp đặt MBA 110kV, Công trình đại tu, sửa chữa MBA T1 E1.32 Thường Tín (điện áp 115/36,5/23kV, công suất 63/63/63MBA), với giá trúng thầu hơn 2,2 tỷ đồng; giá dự toán gói thầu hơn 2,9 tỷ đồng; Gói thầu 08TC.SCL2024: Sửa chữa pha B MBA AT1 500kV-200 MVA, trạm biến áp 500kV Quảng Ninh (giá trúng thầu 9,4 tỷ đồng; giá gói thầu hơn 11,8 tỷ đồng); Gói thầu Đầu tư nâng cấp sửa chữa mái nhà xưởng gian 110kV (giá trúng thầu 1,26 tỷ đồng; giá gói thầu hơn 1,4 tỷ đồng).
Ngoài ra, Công ty Điện Đông Anh cùng liên danh Công ty TNHH MTV Thiết kế và chế tạo thiết bị điện – EEMC trúng liên tiếp 2 gói thầu khác trong tháng 4. Cụ thể, Gói thầu số 13: Cung cấp và vận chuyển MBA 220kV-250 MVA VTTB phần thứ nhất, dự án Trạm biến áp 220kV nối cấp trong trạm biến áp 500kV Phố Nối (giá trúng thầu hơn 55,45 tỷ đồng; giá dự toán gói thầu hơn 55,51 tỷ đồng); Gói thầu số 05: Cung cấp và vận chuyển MBA 220kV – 250 MVA, VTTB nhất thứ, thuộc dự án lắp máy biến áp thứ 2 trạm biến áp 220kV Yên Mỹ (giá trúng thầu hơn 55,04 tỷ đồng; giá dự toán gói thầu hơn 55,07 tỷ đồng).
Cùng với đó là các gói thầu khác như: Gói thầu 21TC.SCL2024: Sửa chữa vận chuyển và hoàn trả vận hành 220kV- 250MVA AT2 trạm biến áp 220kV Tràng Bạch (giá trúng thầu 19,14 tỷ đồng; giá gói thầu 19,2 tỷ đồng); Gói thầu 01/MBA: Mua sắm, vận chuyển và lắp đặt máy biến áp thuộc dự án đường dây và TBA 110kV Tuyên Quang 2, tỉnh Tuyên Quang (giá trúng thầu hơn 13,35 tỷ đồng; giá dự toán gói thầu hơn 13,38 tỷ đồng).
Thiết bị Điện Đông Anh kinh doanh thế nào?
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024 của Tổng công ty thiết bị điện Đông Anh – CTCP (gọi tắt Thiết bị Điện Đông Anh), doanh thu của công ty đạt 267 tỷ đồng, giảm gần 15% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp đạt 37,1 tỷ đồng, tăng 57,5%. Đáng chú ý, doanh thu hoạt động tài chính của công ty bất ngờ giảm mạnh xuống còn 120 triệu đồng, giảm tới 92,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong kỳ, công ty dành tới 6,5 tỷ đồng để chi trả phí lãi vay. Chi phí bán hàng tăng gần 1,9 lần lên mức 3,6 tỷ đồng; và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 15,6%. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của công ty trong quý I/2024 tăng mạnh gấp 4,8 lần lên mức 15,3 tỷ đồng.
Kết quý I/2024, Công ty Điện Đông Anh lãi sau thuế hơn 12 tỷ đồng, tăng gấp 3,6 lần so với cùng kỳ năm 2023 (lãi hơn 3,3 tỷ đồng).
Tại ngày 31/3/2024, Công ty Điện Đông Anh có tổng cộng tài sản là 1.285,2 tỷ đồng, giảm 13,4% so với số đầu năm. Chiếm chủ yếu là tài sản ngắn hạn với hơn 968,8 tỷ đồng (chiếm gần 75,4% tổng tài sản).
Trong đó, Công ty Điện Đông Anh có hơn 1,1 tỷ đồng tiền mặt; hơn 8,2 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn và 8 tỷ đồng các khoản tương đương tiền. Cùng với đó, công ty có hơn 415,6 tỷ đồng phải thu ngắn hạn của khách hàng, bao gồm: 125,6 tỷ đồng phải thu các công ty thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam; 125,6 tỷ phải thu các bên liên quan và chiếm nhiều nhất là các khoản phải tư từ bên thứ 3 hơn 289,9 tỷ đồng.
Tại ngày 31/3/2024, hàng tồn kho của công ty là hơn 603 tỷ đồng, tăng 14,3% so với hồi đầu năm. Chiếm phần lớn là nguyên liệu - vật liệu hơn 241 tỷ đồng và chi phí sản xuất kinh doanh dở dang hơn 281,9 tỷ đồng.
Tổng cộng nguồn vốn của Công ty Điện Đông Anh đến ngày 31/3/2024 hơn 1.285,2 tỷ đồng. Trong đó, nợ phải trả hơn 706,1 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu hơn 579,1 tỷ đồng.
Đáng chú ý, vay và nợ thuê tài chính của Công ty Điện Đông Anh hơn 468,9 tỷ đồng, chiếm tới 66,4% nợ phải trả của công ty.
Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu (D/E) của Công ty Điện Đông Anh là 1,22 lần.
Ở trên bảng lưu chuyển tiền tệ, lưu chuyển thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ là hơn 97,8 tỷ đồng; lưu chuyển thuần từ hoạt động đầu tư 31,8 tỷ đồng. Trong khi đó, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ ở mức 8,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ hơn 32 tỷ đồng.