Liên tục bị bán ròng, FPT ‘hở’ room ngoại gần 4,3%

Trước đó, FPT là con cưng của nhà đầu tư nước ngoài khi thường xuyên kín room ngoại ở mức 49%.

Trong năm 2024, khối ngoại đã bán ròng tổng cộng hơn 93.000 tỷ đồng trên thị trường cổ phiếu của Việt Nam, là mức bán ròng lớn nhất trong lịch sự thị trường chứng khoán trong nước. Xu hướng rút ròng này của khối ngoại chưa ngưng khi bước sang năm 2025, đặc biệt trong tuần qua nhiều cổ phiếu bluechip (vốn hoá lớn) đã lọt top bán ròng mạnh nhất của khối ngoại.

Liên tục bị bán ròng, FPT ‘hở’ room ngoại gần 4,3% - Ảnh 1

Một trong số đó là FPT - cổ phiếu của Công ty Cổ phần FPT (HoSE: FPT). Trong tuần giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, khối ngoại đã bán ròng với giá trị hơn 637 tỷ đồng đối với cổ phiếu FPT, là 1 trong 3 cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất.

Kể từ đầu năm đến nay, giá trị bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài đối với cổ phiếu FPT đã lên tới 2.200 tỷ đồng. Sự “tháo chạy” của khối ngoại đã làm một cổ phiếu vốn là “con cưng” của nhà đầu tư nước ngoài “hở” gần 4,3% room ngoại, tương đương khoảng 63 triệu cổ phiếu FPT.

Trước đó, FPT thường xuyên trong tình trạng kín room ngoại, cho đến những tháng cuối năm khi áp lực bán ròng của khối ngoại tăng cao, room ngoại của FPT bắt đầu mở rộng thêm vài phần trăm.

Theo giới phân tích, việc "hở room" giúp khối ngoại có thể dễ dàng mua vào cổ phiếu FPT trực tiếp trên sàn thay vì phải thực hiện các giao dịch thỏa thuận với giá cao hơn hàng chục phần trăm như vài năm trước. Tuy nhiên, khả năng khối ngoại đảo chiều gom lại cổ phiếu này vẫn còn nhiều bất định, đặc biệt trong bối cảnh dòng vốn toàn cầu đang rút khỏi các thị trường mới nổi và cận biên, bao gồm Việt Nam.

Liên tục bị bán ròng, FPT ‘hở’ room ngoại gần 4,3% - Ảnh 2

Mặt khác, việc FPT “hở room” ngoại cũng có thể tạo điều kiện cho khối ngoại tham gia vào hoạt động thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp này. Theo đó, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã đưa FPT vào danh sách thoái vốn năm 2024, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có động thái cụ thể.

Tỷ lệ sở hữu của SCIC tại FPT hiện đạt 5,8%. Việc FPT liên tục kín room ngoại từng khiến giới đầu tư lo ngại về khả năng tham gia mua vốn trong đợt thoái vốn của SCIC. Dẫu vậy, trong bối cảnh hiện tại, có thể thấy nhà đầu ngoại hoàn toàn có khả năng mua một phần vốn nếu SCIC có ý định bán.

Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng việc khối ngoại rút mạnh khỏi cổ phiếu FPT là động thái chốt lời sau khi cổ phiếu này liên tục thiết lập các mức đỉnh mới trên thị trường chứng khoán. Mức đỉnh mới nhất được thiết lập trong phiên 24/1, đưa thị giá của FPT lên mức 154.300 đồng/cổ phiếu. Trong vòng 1 năm trở lại đây, FPT ghi nhận mức tăng giá khoảng 58%.

Bên cạnh đó, không ít nhà đầu tư lo ngại về việc cổ phiếu này có thể bị ảnh hưởng bởi “cơn bão” DeepSeek - nền tảng trí tuệ nhân tạo giá rẻ đến từ Trung Quốc vừa chính thức phát hành đến người dùng từ ngày 20/1/2025 vừa qua.

Sự xuất hiện của DeepSeek đã làm chao đảo cổ phiếu công nghệ toàn cầu của các ông lớn như NVIDIA, Microsoft, Alphabet, Google, khiến cổ phiếu của hàng loạt “bigtech” lao dốc mạnh.

Thời gian qua, FPT có nhiều hợp tác sâu rộng với NVIDIA và được giới phân tích kỳ vọng sẽ hưởng lợi lớn từ sự phát triển mạnh mẽ của AI trên toàn cầu. Tuy nhiên, sự xuất hiện của DeepSeek như một gáo nước lạnh dội vào triển vọng này khi gây ra lo ngại sẽ làm suy giảm giá trị của ngành AI và tạo ra cạnh trạnh khốc liệt.

Khép lại năm 2024, FPT ghi nhận doanh thu đạt 62.849 tỷ đồng, tăng 19% so với mức thực hiện năm 2023. Lợi nhuận trước thuế đạt 11.071 tỷ đồng, tăng trưởng 20%. Kết quả này của FPT đạt mức cao nhất trong 5 năm gần đây và hoàn thành vượt chỉ tiêu đề ra, với động lực chính từ mảng dịch vụ công nghệ nước ngoài.

Bước sang năm 2025, FPT đặt mục tiêu doanh thu 75.400 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2024 (so với cùng kỳ); lợi nhuận trước thuế 13.395 tỷ đồng, tăng 21%.

An Đường

Theo VietnamFinance