Liên tục trúng các gói thầu, sức khỏe tài chính tại FECON đang ra sao?

(SHTT) - 9 tháng đầu năm 2021, CTCP FECON (mã FCN - Hose) liên tục trúng các gói thầu tiền tỷ, trong khi đó hoạt động kinh doanh sụt giảm, dòng tiền âm và nợ vay tăng nhanh.

Sức khỏe tài chính tại FECON giảm, nợ vay tăng nhanh

Vừa qua, FECON liên tục công bố trúng loạt gói thầu mới. Cụ thể, hợp đồng thi công móng trụ turbine tại Nhà máy Điện Gió Lạc Hòa 2 (Sóc Trăng) mang về cho FECON 103 tỷ đồng doanh số. Ngoài ra, còn có các gói thầu khác với tổng giá trị 120 tỷ đồng tại các dự án như Samsung Display Hải Phòng, Nestle Việt Nam (Đồng Nai)…

Đáng chú ý, Fecon trúng gói thầu mới nhất trị giá 365 tỷ đồng, đảm nhiệm công tác thi công cọc tại Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2 (Hà Tĩnh). Đây là gói thầu thứ 2 của FECON tại dự án này trong năm 2021, sau gói thầu trị giá hơn 70 tỷ đồng đã trúng hồi đầu năm.

Về dự án xây dựng dân dụng, FECON trúng gói thầu thi công kết cấu thân và hoàn thiện thô xây trát tại Dự án Trung tâm dịch vụ tổng hợp (phường Đông Hương, TP Thanh Hóa) với tổng giá trị hợp đồng là 122 tỷ đồng; gói thầu với giá trị 32,3 tỷ đồng tại Dự án nhà điều hành và nghiên cứu A9 (Đại học Phenikaa).

Như vậy, tổng giá trị các gói thầu FECON đã trúng trong tháng 10 và 11 là hơn 740 tỷ đồng, nâng tổng doanh số ký hợp đồng lên hơn 4.100 tỷ đồng (bao gồm các hợp đồng chuyển tiếp năm 2020).

Liên tục trúng các gói thầu, sức khỏe tài chính tại FECON đang ra sao? - Ảnh 1

Với việc trúng hàng loạt gói thầu tiền tỷ, sức khỏe tài chính tại FCN mới là điều cần quan tâm.

Theo số liệu từ báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2021, 9 tháng đầu năm 2021 doanh thu thuần tại FCN đạt hơn 2.209 tỷ đồng, tăng 10 % so với cùng kỳ 2020. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế tại FCN giảm 14% xuống còn hơn 71 tỷ đồng. Riêng quý 3/2021, FCN ghi nhận lãi trước thuế đạt 24,3 tỷ đồng, lãi sau thuế 20,2 tỷ đồng, giảm 56,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giải trình kết quả kinh doanh, FECON cho biết, trong quý 3/2021, các chỉ thị của Chính phủ và chính quyền địa phương về giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh Covid -19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ triển khai các dự án, dẫn đến phát sinh nhiều chi phí như máy móc, nhân công chờ việc, xét nghiệm, cách ly...

Ngoài ra, giá nguyên vật liệu tăng mạnh cũng là nguyên nhân dẫn đến tăng chi phí, giảm lợi nhuận gộp trong kỳ.

Về chi phí lãi vay, FECON cho biết do tiến độ thu tiền các dự án bị chậm làm tăng thời gian vay vốn, đồng thời tiến độ triển khai đợt phát hành cổ phần riêng lẻ chậm hơn so với kế hoạch ban đầu.

Liên tục trúng các gói thầu, sức khỏe tài chính tại FECON đang ra sao? - Ảnh 2

Tình hình kinh doanh là vậy, bức tranh tài chính của FCN cũng không mấy khả quan khi dòng tiền thuần tại FCN cũng đang ở trạng thái âm.

Cụ thể, 9 tháng đầu năm 2021, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh tại FCn âm hơn 189 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2020 dương hơn 73,6 tỷ đồng; dòng tiền từ hoạt động đầu tư cũng âm gần 1.012 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2020 chỉ âm hơn 226 tỷ đồng; chỉ có dòng tiền từ hoạt động tài chính dương hơn 1.181 tỷ đồng. Tuy nhiên, dòng tiền thuần trong kỳ cũng âm hơn 19,7 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2020 dương hơn 156 tỷ đồng.

Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm luôn là chỉ báo xấu đối với sức khỏe tài chính của doanh nghiệp. Cả dòng tiền từ hoạt động kinh doanh và đầu tư đều bị âm mạnh trong kỳ dẫn tới FCN phải tăng cường vay nợ.

Do tăng cường vay nợ, cả số dư nợ vay tài chính ngắn hạn và dài hạn của FCN tại thời điểm ngày 30/9/2021 đều tăng mạnh so với thời điểm ngày 01/01/2021. 

Cụ thể, dư nợ vay tài chính ngắn hạn tăng 33% so với thời điểm đầu năm, lên gần 1.624 tỷ đồng; dư nợ vay dài hạn tăng vọt 204% từ hơn 374 tỷ đồng lên gần 1.139 tỷ đồng. Do đó, tổng nợ vay tài chính tại FCN tăng mạnh 73% so với đầu năm,  lên gần 2.763 tỷ đồng.

Vay nợ tăng dẫn tới chi phí lãi vay của FCN trong 9 tháng đầu năm tăng 42% so với cùng kỳ năm 2020, lên mức hơn 99 tỷ đồng. Ngoài chi phí lãi vay, các chi phí khác liên quan đến hoạt động tài chính cũng tăng dẫn tới chi phí tài chính trong kỳ của FCN tăng 44% lên hơn 104 tỷ đồng.

Ngoài ra, nợ phải trả đang chiếm tỷ lệ khá cao, giá trị nợ tại thời điểm 30/9/2021 ở mức 5.033 tỷ đồng, tăng 18% so với đầu năm, chiếm 66% tổng tài sản và lớn gấp gần 2 lần vốn chủ sở hữu do doanh nghiệp tăng nợ vay tài chính dài hạn.

Liên tục trúng các gói thầu, sức khỏe tài chính tại FECON đang ra sao? - Ảnh 3

Đáng nói, tính đến 30/9/2021, FCN chỉ có hơn 338 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền cùng với 35 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn. Hai khoản này cộng lại khoảng hơn 370 tỷ đồng, con số này chỉ có thể giải quyết được khoảng 10% các khoản nợ vay tài chính ngắn hạn của doanh nghiệp.

Thời gian tới, FCN sẽ phải đặc biệt quan tâm đến việc đẩy mạnh thu hồi công nợ để lấy tiền xử lý các khoản nợ đến hạn.

Vào tháng 9/2021, FCN công bố chào bán 32 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư tổ chức với giá 13.000 đồng/cp. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2021 sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận. Toàn bộ số tiền thu được từ đợt phát hành dự kiến là 416 tỷ đồng. FECON dự kiến bổ sung 216 tỷ đồng vào vốn lưu động phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, số còn lại 200 tỷ đồng dùng để trả nợ các khoản vay tới hạn.

FECON liên tục thế chấp ngân hàng?

Theo thông tin từ Cục đăng ký quốc gia về giao dịch tài sản đảm bảo (Bộ Tư pháp), vào tháng 3/2021 khi trúng thầu dự án tại Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2 lần 1, Fecon đã thế chấp ngân hàng Vietcombank chi nhánh Thăng Long tài sản bảo đảm gồm tài sản phát sinh từ hợp đồng thầu phụ số [DSC-VA2-PC-002(Rev.0)] ngày 19/02/2021, và các văn bản sửa đổi bổ sung khác kèm theo (nếu có) ký giữa Công ty CP Fecon và Liên danh Doosan - Samsung về việc thực hiện Gói thầu Thi công cọc thử của Dự án nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 2. Giá trị khoản vay là 300 tỷ đồng.

Liên tục trúng các gói thầu, sức khỏe tài chính tại FECON đang ra sao? - Ảnh 4
Nội dung giao dịch bảo đảm . Nguồn: Cục đăng ký quốc gia về giao dịch tài sản đảm bảo (Bộ Tư pháp).  
Nội dung giao dịch bảo đảm . Nguồn: Cục đăng ký quốc gia về giao dịch tài sản đảm bảo (Bộ Tư pháp).  
Tháng 5/2021, FECON cũng thế chấp tại MBBank chi nhánh Sở giao dịch 1 tài sản bảo đảm gồm quyền đòi nợ hình thành từ Thỏa thuận hợp đồng số 08/BT2-Fecon ngày 06/07/2020 và Phụ lục 1 về việc thực hiện "Thiết kế, cung cấp, phân phối, xây dựng, vận hành và thử nghiệm của công trình hạ tầng kỹ thuật và hệ thống điện nhà máy điện (BOP)" giữa Công ty cổ phần điện gió BT2 và Công ty Cổ phần Fecon, và các phụ lục khác kèm theo.

Đầu tháng 6/2021, FECON thế chấp ngân hàng TPBank tài sản bảo đảm là cổ phiếu với số lượng 5.000.000 cổ phiếu mệnh giá 10.000 đồng/cp. Tổng mệnh giá 50 tỷ đồng, tổ chức phát hành là CTCP năng lượng FECON.

Tháng 8/2021, FECON thế chấp tại ngân hàng BIDV chi nhánh Đông Đô tài sản bảo đảm là các khoản phải thu/quyền đòi nợ khối lượng xây lắp hình thành trong tương lai của Bên thế chấp phát sinh theo Hợp đồng số 09/BT3-FECON ký ngày 10/06/2021 ký giữa CTCP FECON và Công ty CP điện gió BT3. Giá trị quyền đòi nợ khối lượng xây lắp hình thành trong tương lai hơn 300 tỷ đồng.

Gần đây nhất, tháng 11/2021, FECON thế chấp tại ngân hàng VIB tài sản bảo đảm là toàn bộ Khoản phải thu/Quyền đòi nợ theo Hợp đồng tổng thầu thi công xây dựng công trình số 617/2021/HĐXD/XPH-FECON ký ngày 17/06/2021 và Phụ lục HĐ số 01 ký ngày 18/11/2021 giữa CTCP Đầu tư và xây dựng Xuân Phú Hải và CTCP Fecon. Gói thầu: Tổng thầu thi công hạ tầng kỹ thuật và thi công kết cấu thô khối công trình khác sạn, căn hộ du lịch tại dự án Khu du lịch tại thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Liên tục trúng các gói thầu, sức khỏe tài chính tại FECON đang ra sao? - Ảnh 5
Nội dung giao dịch bảo đảm.  
Nội dung giao dịch bảo đảm.  

Hoàng Long

Theo Sở hữu trí tuệ