Liệu đất Thủ Thiêm còn “hot” sau “phốt” bỏ cọc?

Từng dính “phốt” bỏ cọc đấu giá, song không ai có thể phủ nhận tiềm năng của khu đất Thủ Thiêm. Khi các dự án hạ tầng kết nối hoàn thành, khu vực này có thể trở thành “tâm điểm” đầu tư tại TP.HCM.

 

Liệu đất Thủ Thiêm còn “hot” sau “phốt” bỏ cọc? - Ảnh 1

Doanh nghiệp “rủ nhau” bỏ cọc nghìn tỷ

Ngày 16/07 vừa qua, Cục Thuế TP.HCM thông báo, hai doanh nghiệp gồm CTCP Sheen Mega và CTCP Dream Republic trúng đấu giá đất Khu đô thị Thủ Thiêm đã không đóng tiền vào ngân sách nhà nước sau khi kết thúc thời hạn 180 ngày trên hợp đồng. 

Cụ thể, hai doanh nghiệp này đã không đóng số tiền hơn 8.000 tỷ đồng vào ngân sách trong khi ngày 06/07 là thời hạn cuối cùng để 2 doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ nộp tiền cho lô đất trúng đấu giá trước đó. Điều này đồng nghĩa, Sheen Mega và Dream Republic sẽ “mất trắng” số tiền đặt cọc.

Ngày 10/12/2021, CTCP Dream Republic đã trúng đấu giá lô đất số 3-5 có diện tích 6.446 m2. Dream Republic phải đóng khoản tiền 3.820 tỷ đồng sử dụng đất và 500 triệu đồng tiền lệ phí trước bạ. Còn CTCP Sheen Mega trúng đấu giá lô đất 3-8 có diện tích 8.568,1 m2; công ty phải đóng 4.000 tỷ đồng tiền sử dụng đất.

Tính đến ngày 06/07, Dream Republic đã đóng cọc số tiền 115,6 tỷ đồng và bị cưỡng chế gần 821.000 đồng trích từ tài khoản ngân hàng. Như vậy, công ty còn nợ ngân sách hơn 3.800 tỷ đồng tiền sử dụng đất còn nợ, 500 triệu đồng lệ phí trước phí và hơn 94,5 tỷ đồng tiền phạt chậm nộp.

Trong khi đó, Sheen Mega đã đóng tiền gọc gần 204 tỷ đồng tiền sử dụng đất và bị cưỡng chế gần 40,5 triệu đồng trích từ tài khoản ngân hàng. Như vậy, Sheen Megan còn  nợ ngân sách 3.796 tỷ đồng tiền sử dụng đất và 96,1 tỷ đồng tiền phạt chậm nộp.

Tóm lại, Sheen Mega và Dream Republic đã nộp vào ngân sách hơn 360 tỷ đồng và còn nợ 7.692 tỷ đồng. 

Ngoài 2 doanh nghiệp này, còn 2 doanh nghiệp khác cũng “rủ nhau” bỏ cọc đấu giá đất Thủ Thiêm. Đó là Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt (Ngôi Sao Việt) và Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh nhà Thương mại Bình Minh (Nhà Bình Minh). 

Cụ thể, Nhà Bình Minh trúng đấu giá lô đất số 3-9 diện tích 5.009,1 m2 với giá 5.062 tỷ đồng; Công ty đã đặt cọc hơn 145 tỷ đồng. Trong khi đó, Ngôi Sao Việt (doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh) trúng đấu giá lô đất số 3-12 có diện tích 10.059,7 m2 với giá 24.500 tỷ đồng; Công ty đã đặt cọc 588 tỷ đồng. 

Tổng số tiền 4 doanh nghiệp đã bỏ cọc đấu giá 30.014 m2 đất Thủ Thiêm lên đến 1.051 tỷ đồng. 

Giữ vững vị thế “đất kim cương”

Mặc dù liên tục dính “phốt” bỏ cọc gây ra những hệ lụy cho thị trường bất động sản TP.HCM, nhưng các chuyên gia vẫn tỏ ra lạc quan về tiềm năng và sức hút của khu “đất kim cương” Thủ Thiêm.

Những năm qua, TP.HCM đã đầu tư xây dựng nhiều công trình hạ tầng giao thông kết nối Thủ Thiêm với khu vực trung tâm thành phố. Có thể kể tới một số dự án như cầu Thủ Thiêm 1, Xa lộ Hà Nội, cầu Thủ Thiêm 2, đại lộ Mai Chí Thọ, đường Đồng Văn Cống… Đây là cơ sở quan trọng giúp khu đất Thủ Thiêm trở thành “tâm điểm” đầu tư tại TP.HCM trong thời gian tới.

Chuyên gia nhân định, dù bị bỏ cọc 4 lô đất nhưng khu vực Thủ Thiêm vẫn rất hấp dẫn nhà đầu tư
Chuyên gia nhân định, dù bị bỏ cọc 4 lô đất nhưng khu vực Thủ Thiêm vẫn rất hấp dẫn nhà đầu tư

Ông Neil MacGregor, Tổng Giám đốc Savills Việt Nam nhận định khu vực Thủ Thiêm có tiềm năng phát triển như Phố Đông ở Thượng Hải, và trở thành trung tâm tài chính mới, là một phần mở rộng của trung tâm truyền thống ở quận 1.

“Với loạt công trình hạ tầng quan trọng đã được đưa vào hoạt động và sớm hoàn thiện một cách có hệ thống, chúng ta có thể kỳ vọng về sự phát triển nhanh chóng của Thủ Thiêm. Tôi tin rằng trong thời gian tới khu vực này sẽ đóng góp nhiều cho ngân sách và sự phát triển chung của thành phố”, ông Neil MacGregor nói.

Theo thống kế từ Savills Việt Nam, từ năm 2015, những dự án bất động sản đầu tư đã ra mắt tại khu vực Thủ Thiêm. Tính từ thời điểm đó đến nay, thị trường bất động sản khu vực Thủ Thiêm đã không ngừng “tăng tốc” khi ra mắt hơn 10.000 sản phẩm nhà ở cao cấp và hạng sang. Theo ông MacGregor, cho rằng các chủ đầu tư đã từ rất sớm nhận ra tiềm năng phát triển nhà ở và thương mại tại khu vực này.

“Thủ Thiêm đã thu hút được một số nhà phát triển tốt nhất tại Việt Nam và Khu vực Châu Á Thái Bình Dương, bao gồm Keppel Land, Lotte, GS E&C, Swire, Gaw Capital, Refico và Sơn Kim Land. Những đơn vị này sẽ cùng phát triển các dự án bất động sản chất lượng cao nhất cho thị trường Việt Nam. Các dự án có thiết kế hiện đại và được nghiên cứu phát triển kỹ lưỡng để phù hợp với cộng đồng cư dân tương lai cũng như sự phát triển bền vững và lâu dài của bán đảo Thủ Thiêm”, ông Neil MacGregor nói.

Vị Tổng Giám đốc Savills Việt Nam tỏ ra lạc quan rằng kết quả từ cuộc đấu giá 4 lô đất tại Thủ Thiêm trước đó, dù gây nhiều tranh cãi và hệ lụy cho thị trường, nhưng không ảnh hưởng nhiều đến sự hấp dẫn của khu vực này đối với nhà đầu tư. 

Đặc biệt, với tình trạng khan hiếm quỹ đất phát triển nhà ở tại TP.HCM hiện tại, cơ hội đầu tư phát triển bất động sản tại Thủ Thiêm sẽ ngày càng trở nên hấp dẫn.

Kim Yến

Theo Chất lượng và cuộc sống