Liệu giá dầu có thể lên mức 100 USD/thùng?

Khả năng giá dầu tăng đến 100 USD/thùng là khó có thể diễn ra trong tương lai gần.

Vào đầu năm 2021, nhiều nhà phân tích thị trường dầu mỏ đã nói về khả năng xuất hiện một chu kỳ siêu tăng giá mới, trong bối cảnh một số quốc gia thi hành chính sách bảo vệ khí hậu triệt để, cũng như áp lực đại dịch COVID-19 vẫn đang hiện hữu.

Những người đầu tiên trong số đó là các chuyên gia từ JPMorgan và Goldman Sachs, dự đoán sẽ xảy ra khả năng giá dầu tăng lên mức 80-100 USD/thùng ngay trong năm nay hoặc trong tương lai. Kịch bản siêu tăng giá đó cũng được các công ty của Nga nhắc đến, đặc biệt là ở Lukoil.

Cái gọi là chu kỳ siêu tăng giá là một giai đoạn cơ cấu thị trường trong đó, hiện tượng cầu vượt cung tồn tại trong một thời gian dài, dẫn đến việc giá cả liên tục gia tăng kéo dài. Chu kỳ này diễn ra lần gần đây nhất trên thị trường dầu mỏ trong giai đoạn năm 2003-2014.

Trong cuộc phỏng vấn bên lề Diễn đàn kinh tế quốc tế St. Petersburg, Bộ trưởng Năng lượng Nga Nikolai Shulginov nhận định rằng, giá dầu khó có thể sớm đạt mức 100 USD/thùng, dự báo trong hai hoặc ba năm tới chỉ lên đến 50-60 USD, bất kể vào thời điểm hiện nay, dầu thô Brent đang được giao dịch ở mức giá gần 70 USD/thùng.

Liệu giá dầu có thể lên mức 100 USD/thùng? - Ảnh 1
Giá dầu khó có thể lên đến mức 100 USD/thùng trong tương lai gần

Ông Shulginov bình luận trước câu hỏi về khả năng xuất hiện một chu kỳ giá dầu tăng vọt mới trên thị trường dầu mỏ, tới mức 100 USD/thùng là “sẽ không có chuyện giá dầu sớm đạt mức 100 ISD/thùng”.

Theo ông, về triển vọng dài hạn có các dự đoán khác nhau, cả mức 50 USD lẫn 70 USD/thùng, nhưng nhìn chung trong 2-3 năm tới giá dầu vẫn ở mức đâu đó khoảng 50-60 USD/thùng.

Theo vị quan chức Nga, nguyên nhân đầu tiên khiến cho giá dầu không thể tăng cao là do Mỹ hiện đang đưa ra các biện pháp kích thích nhu cầu tiêu thụ dầu gia tăng; nhưng nhóm OPEC+ lại đang theo đuổi chính sách cân bằng cung cầu, điều đó đã góp phần làm cho thị trường ổn định.

Nguyên nhân thứ hai là do yếu tố không chắc chắn về tương lai của nguồn năng lượng được sử dụng, với xu thể giảm dầu các sản phẩm không tái tạo được như dầu mỏ. Quá trình chuyển đổi nguồn năng lượng trên thế giới đang diễn ra từ từ nhưng theo một xu thế rõ ràng.

Các công ty đầu tư vẫn đang theo dõi những gì xảy ra trên thế giới, cân nhắc về những dự án có hàm lượng carbon thấp, về thuế carbon xuyên quốc gia và các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng xanh…

Chính điều này sẽ là yếu tố quyết định khiến nhu cầu dầu mỏ trong tương lai sẽ không tiếp tục tăng lên, tỷ lệ nghịch với sự tăng lên của giá dầu.

Toàn Thắng

Theo Đất Việt