Lo mất tài sản nhà nước tại Cienco 5 Land
TNNĐ- Ngay sau khi thông tin Tập đoàn Mường Thanh chi 1.500 tỷ đồng sở hữu 95% cổ phần CTCP Phát triển Địa ốc Cienco 5 (Cienco 5 Land) - chủ đầu tư dự án Khu đô thị Thanh Hà (Hà Đông) được công khai...
>>> "Cú sốc" biệt thự 1 tỷ đồng của đại gia điếu cày chuẩn bị đổ bộ thị trường
>>> Ván cờ mới của đại gia Mường Thanh
Cienco 5 đề nghị rà soát lại toàn bộ tình hình thực hiện Dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây
Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 – CTCP (Cienco 5) đã có Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) giải quyết các vấn đề liên quan đến việc thay đổi vốn điều lệ của Cienco5 Land và Dự án Đường trục phía Nam Hà Tây (cũ).
Theo Nghị quyết ĐHĐCĐ Cienco 5 ngày 25/4/2016, DN này xem xét lại toàn bộ các vấn đề liên quan tới Dự án Đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây và các dự án hoàn vốn (Dự án) với tư cách là nhà đầu tư/chủ đầu tư Dự án. Đồng thời, xem xét trách nhiệm pháp lý của Cienco 5 và trách nhiệm của những người có liên quan trong việc chuyển nhượng vốn của doanh nghiệp dự án (DNDA).
Cienco 5 cũng quyết định hủy bỏ các nghị quyết, quyết định trước đây của HĐQT/ĐHĐCĐ đã thông qua liên quan đến việc tăng vốn điều lệ, chuyển nhượng vốn điều lệ tại DNDA, đồng thời xử lý dứt điểm các vấn đề tài chính của Cienco 5 liên quan tới vấn đề nêu trên; Hủy bỏ toàn bộ các nội dung ủy quyền mà HĐQT/ĐHĐCĐ Cienco 5 đã ủy quyền cho Cienco 5 Land liên quan tới Dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây và các dự án hoàn vốn Dự án BT (Thanh Hà A - Cienco 5, Thanh Hà B - Cienco 5, Khu đô thị Mỹ Hưng - Cienco 5).
Cùng ngày 25/4/2016 Cienco 5 đã có văn bản “cầu cứu” Bộ Giao thông vận tải (GTVT) – cơ quan chủ quản vốn nhà nước tại Cienco 5. Theo Cienco 5, trước khi cổ phần hóa, 100% vốn điều lệ của Tổng công ty là vốn thuộc sở hữu Nhà nước, tại thời điểm đó, Cienco 5 là nhà đầu tư Dự án (theo hình thức BT) và chủ đầu tư các dự án hoàn vốn khác. Cienco 5 đã thành lập DNDA là Cienco 5 Land để triển khai thực hiện Dự án và các dự án hoàn vốn.
Tháng 1/2016, sau khi thực hiện bán đấu giá cổ phần của Cienco 5 thuộc sở hữu của Nhà nước cho nhà đầu tư chiến lược, tỷ lệ sở hữu cổ phần của Nhà nước tại Cienco 5 chiếm 40% tổng vốn điều lệ. Sau khi nhà đầu tư mới vào tiếp quản phần vốn nhận chuyển nhượng từ Nhà nước, với vai trò lãnh đạo mới, Cienco 5 đã tiến hành xem xét lại toàn bộ các quyết định trước đây của Tổng Công ty liên quan đến dự án BT, dự án hoàn vốn và DNDA tại Dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây.
>>> Về tay đại gia “điếu cày”, Thanh Hà Cienco 5 sẽ có diện mạo toàn nhà giá rẻ? |
Sau khi xem xét, Cienco 5 nhận thấy, việc thay đổi vốn điều lệ, chuyển nhượng vốn điều lệ tại DNDA không phù hợp với quy định của pháp luật và định hướng ban đầu khi thành lập DNDA. Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của Cienco 5 tại Cienco 5 Land chỉ còn 3% tổng vốn điều lệ của Cienco 5 Land (thay vì 49% ở giai đoạn đầu thành lập) không chi phối được hoạt động của DNDA.
Theo Cienco 5, việc thay đổi/chuyển nhượng này có dấu hiệu mất vốn nhà nước và có dấu hiệu của việc chuyển nhượng Dự án. Việc chuyển nhượng này chưa được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, vi phạm nghiêm trọng trình tự thủ tục thoái vốn nhà nước.
Với lo ngại thất thoát tài sản nhà nước, Cienco 5 đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo Tổng công ty, DNDA rà soát lại toàn bộ tình hình triển khai thực hiện Dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây và các dự án hoàn vốn, quá trình hoạt động của DNDA, quá trình thay đổi và chuyển nhượng vốn điều lệ tại Cienco 5 Land.
Đặc biệt, Cienco 5 đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo Cienco 5 Land dừng tất cả các vấn đề liên quan tới việc chuyển nhượng Dự án, chuyển chủ đầu tư/nhà đầu tư đối với Dự án BT, Dự án hoàn vốn, dừng việc thay đổi chuyển nhượng vốn điều lệ tại DNDA.
Vì sao Cienco 5 lại mất kiểm soát tại Cienco 5 Land, việc Tập đoàn Mường Thanh mua bán, chuyển nhượng CP tại DNDA có phù hợp các quy định pháp luật? Báo Đấu thầu sẽ trở lại vấn đề này trong các số báo sau.
Theo Trần Nam/Nguồn Báo Đấu thầu