Lộ ngày khởi công tuyến cao tốc trọng điểm phía Nam trị giá 20.000 tỷ đồng
Sau khi hoàn thành, cao tốc này sẽ gỡ được “nút thắt” tắc đường của Quốc lộ 22.
Trong chương trình Dân hỏi – Chính quyền trả lời tháng 5/2024, Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi cho biết, cao tốc TP. HCM - Mộc Bài có tổng chiều dài 51km, trong đó đoạn đi qua TP. HCM dài 25km, qua Tây Ninh là 26km.
Cao tốc được thiết kế 4 làn xe, dự án gồm 4 thành phần gồm: xây dựng cao tốc 51km, các đường gom dân sinh, cầu vượt trên tuyến và giải phóng mặt bằng tại hai địa phương.
Theo ông Mãi, cao tốc TP. HCM – Mộc Bài sẽ chia sẻ lưu lượng phương tiện với Quốc lộ 22 đang quá tải và thường xuyên kẹt xe. Khi có cao tốc, thời gian lưu thông của các phương tiện sẽ giảm mạnh.
Bên cạnh đó, tuyến cao tốc sẽ tăng tính liên kết giữa đường Vành đai 3, Vành đai 4 của TP. HCM với Tây Ninh và xa hơn là nối tiếp tuyến cao tốc Gò Dầu - Xa Mát để kết nối qua Campuchia, kết nối vùng Đông Nam Á.
Cũng theo Chủ tịch UBND TP. HCM, thời gian qua, thành phố đã trình hồ sơ cho các cơ quan Trung ương để thẩm định, trình Thủ tướng phê duyệt. Tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo khẩn trương thực hiện hồ sơ để phê duyệt chủ trương đầu tư dự án trước ngày 15/5.
Sau khi có chủ trương đầu tư, TP. HCM sẽ khẩn trương hoàn thiện dự án, phê duyệt dự án trong tháng 9/2024, sau đó sẽ tiến hành giải phóng mặt bằng, lựa chọn nhà đầu tư và các công việc liên quan. TP. HCM mong muốn dự án được khởi công trước 30/4/2025.
Theo báo cáo thẩm định, dự án đường cao tốc TP. HCM - Mộc Bài có tổng mức đầu tư sơ bộ là 19.886 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước tham gia dự án là 9.943 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng (tương đương 50%). Phần vốn Nhà nước trong dự án ưu tiên chi trả cho giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, phần còn lại hỗ trợ chi phí xây dựng dự án.
Hiện tại, TP. HCM đang cùng với Tây Ninh phối hợp chặt chẽ với Chính phủ để thực hiện các đầu việc để đảm bảo tiến độ. Từ tháng tháng 7/2023, HĐND TP. HCM đã có nghị quyết về dự án, bố trí 2.900 tỷ đồng từ ngân sách cho dự án. Đây cũng là một trong những nội dung đầu tiên thực hiện theo Nghị quyết 98, tức là thành phố được sử dụng ngân sách của mình cho các dự án vùng, liên vùng hay hỗ trợ các địa phương khác.
Để đẩy nhanh tiến độ dự án, TP. HCM mong muốn được Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng các cơ chế như thực hiện dự án Vành đai 3; đề nghị giao cho TP. HCM được phê duyệt dự án thành phần 1 là xây dựng dự án cao tốc TP. HCM – Mộc Bài đoạn trên địa bàn TP. HCM theo phương thức đối tác công tư (hợp đồng BOT); TP. HCM được làm chủ đầu tư dự án thành phần đường gom dân sinh, dự án giải phóng mặt bằng trên địa bàn thành phố.