Loạt đại gia Việt tiết lộ tài sản 'khủng' sau khi đi tu, chia sẻ vì sao không muốn con phải mang 'gánh nặng' khi làm Chủ tịch
Giữa lúc đang ở đỉnh cao danh vọng, những vị đại gia này bất ngờ lựa chọn nương nhờ cửa Phật hoặc lui về ở ẩn khiến nhiều người bất ngờ.
"Đại gia đi tu" Lê Phước Vũ: Không muốn con phải mang gánh nặng
Từ nhiều năm trước, ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen đã tiết lộ ông đang sống trên núi, 1 tháng chỉ ghé Hoa Sen 2 lần, mỗi lần 2 tiếng. Ông Vũ cho biết, "hai mươi mấy năm nay đi đòi nợ, đi bán hàng, đi kiểm kê kho, đi xuống công trường… đến lúc cũng phải được nghỉ", nếu không "chết sớm thì sao".
Vị đại gia đã giác ngộ, đưa triết lý nhà Phật vào cuộc sống với suy nghĩ: “Sống và làm việc không phải cho mình mà là cho tất cả mọi người”. Ban đầu, ông có ý định sẽ xuất gia vào năm 2026-2027. Tuy nhiên, vì chưa thể tìm được người tiếp quản nghiệp nên Chủ tịch Hoa Sen tuyên bố sẽ rời kế hoạch xuất gia thêm khoảng 10 năm nữa. Thông tin được ông Lê Phước Vũ cho biết tại cuộc họp đại hội cổ đông thường niên 2024 hồi tháng 3 vừa qua.
Cùng với đó, ông Vũ dự tính người kế nghiệp là con gái út, sinh năm 2001, đang học song song 2 bằng đại học tại Australia. Hiện nay, khối tài sản cổ phiếu của ông Vũ tại Hoa Sen ước tính trên 2.200 tỷ đồng.
Người đứng đầu tập đoàn Hoa Sen tâm sự, ông thật lòng không muốn chuyển giao cho con gái vì làm Chủ tịch Tập đoàn là sự dấn thân. "Nó là con gái, tôi không muốn nó mang gánh nặng đó. Tiền bạc nhiều nhưng không kiểm soát được lòng tham thì chỉ mang họa thôi", ông Vũ nói.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ: Ở ẩn để hiểu hết đời sống nội tại
Cuối năm 2013, ông chủ cà phê Trung Nguyên đã nhịn ăn, ngồi thiền 49 ngày cùng một nhóm gần chục người tại núi M’drăk, Đăk Lăk. Bấy giờ, ông cho biết bản thân cần một khoảng thời gian tịnh tâm, thiền và nhịn ăn để tinh thần minh mẫn, nghĩ những việc lớn. Thực phẩm duy nhất của cuộc “trường chinh” này chỉ là món nước mè đen.
Nói về chuyện này, bà Lê Hoàng Diệp Thảo - vợ cũ ông Vũ cho hay, sau khi kết thúc 49 ngày thiền định và nhịn ăn, ông chủ cà phê Trung Nguyên có những biến đổi bất thường về sức khỏe, dẫn đến nhiều biến cố trong gia đình và nội bộ doanh nghiệp. Kể từ thời điểm này, ông Vũ rất hiếm khi xuất hiện trước công chúng, ở công ty và gia đình.
Mãi đến năm 2018, bất ngờ có mặt ở một sự kiện của Trung Nguyên, ông Đặng Lê Nguyên Vũ ăn vận như một tu sĩ, mặc áo dài đen, quần lĩnh trắng rộng, cổ quấn khăn rằn, hai tay chắp lưng. Ông tự xưng là "Qua", gọi những người xung quanh là "người anh em". Ông Vũ cho biết nhiều năm qua, ông đã hiểu hết đời sống nội tại, có thể kiến tạo sự hoàn hảo cho chính mình và cho từng gia đình của nhân viên mình, có thể cho cả quốc gia và thế giới này, có thể bằng mọi giải pháp, mọi thứ.
Sau 5 năm thiền định, ông đã có lời giải cho tất cả mọi câu hỏi trên thế giới này, đồng thời sẽ đưa Trung Nguyên trở thành tập đoàn thống lĩnh toàn cầu, khác biệt và duy nhất toàn cầu.
Trong vụ tranh chấp giữa vợ chồng "vua cà phê", bà Lê Hoàng Diệp Thảo không ít lần bày tỏ nỗi lao tâm khổ tứ nghĩ kế sách "cứu Trung Nguyên, cứu gia đình, cứu anh Vũ". Ngược lại, ông Vũ chọn cách giữ im lặng trong thời gian dài, cho đến khi tổ chức một cuộc gặp báo giới kéo dài tới 4 tiếng. Tại cuộc gặp này, ông Đặng Lê Nguyên Vũ khẳng định sức khỏe của ông hoàn toàn bình thường.
Chủ tịch Thái Hà Books Nguyễn Mạnh Hùng: Tài sản lớn nhất là tình yêu thương
Một doanh nhân, một lãnh đạo doanh nghiệp sách nổi tiếng quyết định xuất gia, khất thực đi tu trong 7 ngày. Đó là câu chuyện của ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT của Thái Hà Books.
Ban đầu, ông đăng ký và tham gia khóa thiền tứ niệm xứ của một vị thầy người Miến Điện khá nổi tiếng thế giới. Chính cơ duyên đó đã đưa ông bước chân vào con đường tu tập ở tuổi 30 với pháp danh Thiện Đức, từ đó lĩnh hội không ít triết lý Phật pháp sâu sắc để áp dụng vào việc kinh doanh.
Vị doanh này cho biết, thiền cũng là một cách để khai mở tư duy sáng tạo hiệu quả. "Ngồi thiền, ý tưởng mới và lạ cứ thế tuôn ra. Ghi lại và triển khai. Lúc đó tớ mới hiểu tại sao Bill Gates, Steve Jobs… lại sang Ấn Độ học thiền; tại sao tập đoàn Google tại có phong trào thiền cho cả tập đoàn", ông Hùng chia sẻ.
Cũng giống như ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch Thái Hà Books cũng không còn đặt nặng chuyện làm giàu sau khi thiền. Theo ông, tiền bạc là vật ngoài thân, chết cũng không thể mang theo.
"Tài sản lớn nhất của tôi bây giờ không phải là nhà, xe, hư danh, hay bằng cấp, vị trí CEO... Tài sản lớn nhất là tình yêu thương, mà khó nhất là yêu thương kẻ thù của mình", ông Hùng cho biết.
Phạm Nhật Vũ ẩn tu tại gia: Mọi việc lấy chữ Tín làm đầu
Phạm Nhật Vũ là một doanh nhân, em trai của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, nguyên là Chủ tịch Hội đồng Quản trị CTCP Nghe nhìn Toàn cầu (AVG).
Vị doanh nhân hâm mộ 5 chữ (ngũ căn) trong đạo Phật: Tín (có niềm tin, tôn trọng và giữ đúng lời hứa với người khác để có được sự tín nhiệm của mọi người); Tấn (tu hành rốt ráo, nâng cao kiến thức); Niệm (luôn luôn có ý nghĩ trong sáng); Định (không bị xáo trộn, luôn vững vàng); Tuệ (trí tuệ mẫn tiệp, quyết định sáng suốt). Trong đó chữ Tín luôn đứng ở đầu. Mọi việc lấy chữ Tín làm đầu.
Chủ tịch của AVG được biết đến là người bỏ tiền trùng tu chùa Trúc Lâm Thanh Lương thuộc xã Phù Lưu (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh); xây dựng Trúc Lâm tịnh viện tại đảo Hòn Tre (thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa)...
Trước đó, ông Phạm Nhật Vũ được công chúng biết đến nhiều hơn khi mua độc quyền bản quyền truyền hình giải bóng đá V-League 20 năm. Sau đó, ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) đăng đàn phản đối, thành lập công ty VPF với mục tiêu giành lại giải này từ VFF (Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, đơn vị ký độc quyền với AVG - Truyền hình An Viên). Năm 2018, cái tên Phạm Nhật Vũ lại được nhắc đến với quyết định hủy bỏ thương vụ 8.900 tỷ đồng với Mobifone.
KTS Võ Trọng Nghĩa: Thiền hạnh phúc hơn mọi giải thưởng
KTS Võ Trọng Nghĩa được biết đến là gương mặt tiên phong về kiến trúc xanh. Anh không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn “chinh chiến” thế giới, mang về hơn 150 giải thưởng. Năm 2006, anh thành lập VTN Architects, đơn vị hành nghề kiến trúc hàng đầu tại Việt Nam có văn phòng tại TP. HCM và Hà Nội. Thế nhưng không phải sự thành công hay tài năng trong nghề nghiệp mang đến cho Võ Trọng Nghĩa hạnh phúc mà đó lại là thiền, như anh tâm sự.
Vì thế, năm 2017, anh đã từ bỏ hết tất cả ở Việt Nam và đưa vợ con sang Myanmar tu tập. Anh cho rằng, thiền là cái phước giúp công việc thêm thăng hoa và phải chuyên tâm tu tập thì mới nghĩ ra được nhiều ý tưởng hay. KTS Võ Trọng Nghĩa đã có 3 năm tu tập ở thiền viện Pa Auk (Myanmar), thực hành 40 đề mục thiền định và các tầng thiền tuệ.