Loạt dự án là 'bệ phóng' đưa huyện đông dân nhất Việt Nam 'cất cánh' lên đô thị loại 3
Đây là khu vực có tốc độ đô thị hóa cao, dân cư đông đúc, nằm ở cửa ngõ hành lang chính thức khu vực phía Tây thành phố
Theo ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP. HCM cho biết, năm 2023, thành phố sẽ giữ các đơn vị hành chính như hiện nay và 5 huyện (Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ, Hóc Môn, Củ Chi) sẽ đạt đô thị loại 3 thay vì lên quận hay thành phố như đề xuất trước đó.
Đáng chú ý, huyện Bình Chánh tổ chức hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ huyện lần thứ 17, khóa XII, nhiệm kỳ 2020-2025 (mở rộng).
Ông Nguyễn Hồ Hải - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP. HCM yêu cầu huyện Bình Chánh tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng để góp phần thu hút đầu tư, phát triển đô thị; quan tâm, tạo điều kiện để người lao động nhập cư đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của huyện.
Qua đó, thời gian tới, TP. HCM sẽ xây dựng Bình Chánh lên đô thị loại 3 thì việc đầu tư hạ tầng giao thông là mục tiêu quan trọng của địa phương này.
Bên cạnh đó, Bình Chánh đã bắt đầu đổi mới nhờ loạt công trình giao thông trọng điểm được triển khai, từ đó tác động đến diện mạo đô thị và thị trường bất động sản khu vực.
Đầu tiên, công trình tiêu biểu nhất là dự án xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50. Đây là dự án trọng điểm, cấp bách của TP. HCM, có điểm đầu giao với đường Nguyễn Văn Linh, điểm cuối tiếp giáp ranh tỉnh Long An. Tổng chiều dài toàn tuyến 6,92 km, mặt cắt ngang 34m, tương đương 6 làn xe.
Dự án nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, tăng cường năng lực khai thác tuyến Quốc lộ 50, liên kết TP. HCM với Long An và các tỉnh miền Tây; kết nối khu vực cửa ngõ phía Nam TP. HCM với cao tốc Bến Lức - Long Thành, Vành đai 3 trong thời gian tới. Đoạn qua huyện Bình Chánh đã khởi công cuối năm 2022, dự kiến hoàn thành tháng 12/2024. Dự án có tổng mức đầu tư 1.498 tỷ đồng, trong đó chi phí xây lắp 1.250 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, dự án thành phần 1 đường Vành đai 3 đã khởi công ngày 18/6. Đến nay dự án vẫn đảm bảo tiến độ triển khai thi công.
Đường Vành đai 3 đoạn đi qua huyện Bình Chánh có tổng chiều dài khoảng 15km. Tuyến đường này đi qua ba xã chính là Phạm Văn Hai, Lê Minh Xuân và Bình Lợi. Đoạn này có tổng mức đầu tư 2.258 tỷ đồng, với thời gian thực hiện là 33 tháng. Dự kiến thông xe phần cao tốc vào năm 2025 và hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2026.
Toàn tuyến Vành đai 3 TP. HCM có tổng chiều dài khoảng 47,5km và đi qua 4 khu vực chính của thành phố, bao gồm TP. Thủ Đức, Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn. Đây là một tuyến đường quan trọng trong hệ thống giao thông của thành phố, nhằm tạo sự kết nối và giảm tắc nghẽn giao thông trong các khu vực.
Sau khi hoàn thành, tuyến sẽ mở ra không gian phát triển các hành lang công nghiệp, kết nối nhiều cụm cảng biển, giảm thời gian đi lại, chi phí logistics… Công trình được kỳ vọng tạo liên kết vùng, thúc đẩy phát triển vùng trọng điểm phía Nam. Từ đó tác động tích cực đến diện mạo thị trường bất động sản khu vực.
Bên cạnh đó, dự án Vành đai 2 TP. HCM đoạn qua Bình Chánh đã hiện hữu giúp giảm ùn tắc giao thông, tăng kết nối các cảng biển, khu công nghiệp, cao tốc.
Tuyến Vành đai này bắt đầu từ Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh) qua cầu Phú Mỹ (quận 7), tiếp tục ra ngã tư Bình Thái nối vào nút giao Gò Dưa (TP. Thủ Đức), điểm cuối ra quốc lộ 1 rồi chạy vòng về Nguyễn Văn Linh tạo thành đường bao quanh TP. HCM. Tuy nhiên đến nay, toàn tuyến chỉ có 50km được hoàn thành, 14km còn lại vẫn là những đoạn được xây dựng dang dở hoặc chưa được triển khai.
Bên cạnh những dự án giao thông hạ tầng, thời gian qua, huyện Bình Chánh cũng đón nhận được hàng loạt doanh nghiệp tìm kiếm những quỹ đất để xây các khu đô thị.
Cụ thể, tại trục đường Nguyễn Văn Linh có dự án Khu đô thị Mizuki Park quy mô 26ha của Nam Long và hai đối tác Nhật là Hankyu Hanshin Properties, Nishi Nippon Railroad.
Đây là dự án nổi bật của Bình Chánh, không chỉ kết nối thuận tiện đến các quận huyện lân cận, về trung tâm thành phố quận 1, quận 3, quận 2 (TP. HCM) mà còn kết nối về các tỉnh miền tây qua cao tốc Sài Gòn – Trung Lương.
Huyện Bình Chánh được biết đến là khu vực có tốc độ đô thị hóa cao, dân cư đông đúc, nằm ở cửa ngõ hành lang chính thức khu vực phía Tây, Tây Bắc và phía Nam thành phố, với nhiều địa điểm tham quan, di tích lịch sử,...
Đây là huyện có dân số đông nhất cả nước và cũng là đơn vị hành chính cấp huyện có dân số đông thứ 4 cả nước, chỉ sau TP. Biên Hòa, TP. Thủ Đức và quận Bình Tân (theo thống kê dân số năm 2019).