Loạt dự án vừa được phê duyệt quy hoạch và kêu gọi đầu tư
Bình Định kêu gọi đầu tư vào dự án Khu đô thị mới Nhơn Bình; Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư hạ tầng KCN Sông Lô I,... cùng nhiều dự án khác vừa được phê duyệt quy hoạch và kêu gọi đầu tư trên cả nước.
Bình Định: Dự án Khu đô thị mới Nhơn Bình 2.100 tỷ đồng tìm nhà đầu tư
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Định vừa phát đi thông báo mời các nhà đầu tư quan tâm nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án Khu đô thị mới Nhơn Bình (phường Nhơn Bình, TP. Quy Nhơn).
Diện tích khu đất thực hiện dự án khoảng 28,1ha, bao gồm các công trình như khu nhà ở thấp tầng (liền kề, biệt thự) khoảng 1.200 căn; xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đường giao thông nội bộ, hạ tầng kỹ thuật, công viên cây xanh; xây dựng các công trình dịch vụ xã hội đô thị đảm bảo cung cấp các tiện ích thiết yếu cho cư dân trong và ngoài khu đô thị.
Tổng chi phí thực hiện dự án là hơn 2.100 tỷ đồng, chưa bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tiền sử dụng đất và tiền thuê đất. Trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự kiến là hơn 380 tỷ đồng.
Tiến độ hoàn thành toàn bộ dự án không quá 5 năm kể từ ngày hợp đồng thực hiện dự án có hiệu lực hoặc được công nhận làm chủ đầu tư dự án.
Thời hạn nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án đến 8h ngày 19/4.
Hưng Yên: Duyệt nhiệm vụ quy hoạch KCN Yên Mỹ II mở rộng của Hòa Phát
UBND tỉnh Hưng Yên vừa có quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 Điều chỉnh mở rộng Khu công nghiệp (KCN) Yên Mỹ II.
Theo đó, đơn vị tổ chức lập quy hoạch là Công ty TNHH Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Hòa Phát Hưng Yên (thuộc Tập đoàn Hòa Phát). Phạm vi lập quy hoạch thuộc địa bàn các xã Trung Hưng, Trung Hòa và thị trấn Yên Mỹ (huyện Yên Mỹ). Ranh giới phía Bắc và Đông giáp đất canh tác, khu dân cư xã Trung Hòa; phía Nam giáp đất canh tác và khu dân cư xã Trung Hưng; phía Tây giáp QL39 và các dự án sản xuất công nghiệp hiện có.
Mục tiêu của đồ án nhằm làm cơ sở triển khai lập dự án đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng kỹ thuật và xây dựng các công trình công nghiệp, nhà máy, kho tàng,...; tạo môi trường thuận lợi thu hút các nhà đầu tư vào KCN,...
Thời gian nghiên cứu lập quy hoạch không quá 9 tháng kể từ ngày nhiệm vụ lập quy hoạch được phê duyệt.
Hải Dương: COMA 18 sẽ làm dự án hạ tầng KCN nghìn tỷ
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thay mặt Thủ tướng ký quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Kim Thành.
Địa điểm thực hiện dự án tại xã Thượng Vũ, xã Tuấn Hưng và xã Cổ Dũng, huyện Kim Thành (tỉnh Hải Dương) với quy mô sử dụng đất 164,98ha, trong đó giai đoạn 1 là 65ha và giai đoạn 2 là 99,98ha. Nhà đầu tư là CTCP COMA 18.
Dự án có tổng vốn đầu tư 1.160,72 tỷ đồng, trong đó vốn góp của COMA 18 là 174,11 tỷ đồng. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm, kể từ ngày được quyết định chủ trương đầu tư (15/3/2021).
UBND tỉnh Hải Dương có trách nhiệm tổ chức và phê duyệt kế hoạch sử dụng đất cấp huyện; tổ chức thực hiện thu hồi đất, đền bù, giải phóng mặt bằng, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện Dự án.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh chỉ đạo Ban quản lý KCN tỉnh Hải Dương và các cơ quan liên quan triển khai các giải pháp liên quan đến đời sống người lao động làm việc trong khu công nghiệp.
Trong đó có phương án xây dựng nhà ở, công trình xã hội, văn hóa, thể thao cho người lao động và hỗ trợ việc làm, đào tạo nghề cho người dân bị thu hồi đất; xây dựng phương án thu hồi đất phù hợp với tiến độ thu hút đầu tư của Dự án để giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đến người dân bị thu hồi đất.
Vĩnh Phúc: Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư hạ tầng KCN Sông Lô I
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký quyết định chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật KCN Sông Lô I, huyện Sông Lô (tỉnh Vĩnh Phúc).
KCN Sông Lô I được thực hiện trên tổng diện tích đất 177,36ha, tọa lạc tại xã Tứ Yên, xã Đồng Thịnh và xã Đức Bác, huyện Sông Lô (tỉnh Vĩnh Phúc). Dự án do Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Sông Lô làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư dự án 1.253,7 tỷ đồng, trong đó vốn của chủ đầu tư 188,06 tỷ đồng.
Nhà đầu tư chỉ thực hiện dự án sau khi HĐND tỉnh Vĩnh Phúc quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng.
UBND tỉnh có trách nhiệm đảm bảo tính chính xác của thông tin, đảm bảo việc triển khai dự án phù hợp với quy hoạch đã được duyệt; đồng thời, đảm bảo việc xây dựng không chồng lấn với các quy hoạch khác trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Thủ tướng chỉ đạo Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc yêu cầu Nhà đầu tư trồng rừng thay thế hoặc hoàn thành trách nhiệm nộp tiền trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng đất lâm nghiệp sang mục đích khác theo quy định./.