Loạt “Ông lớn” bất động sản trong tầm ngắm thanh tra

Nhiều "ông lớn" bất động sản nằm trong danh sách thanh tra sắp tới của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội như Tập đoàn Nam Cường, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội – CTCP (Hancorp), Tổng Công ty CP Thương mại Xây dựng (Vietracimex)…

Thông tin từ Sở TN&MT TP Hà Nội cho biết, đơn vị vừa có quyết định thành lập Đoàn thanh tra để tiến hành thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai đối với 33 tổ chức sử dụng đất tại 11 quận, huyện, gồm: Bắc Từ Liêm, Đống Đa, Hoàng Mai, Tây Hồ, Ba Đình, Đông Anh, Hoài Đức, Ba Vì, Thạch Thất, Chương Mỹ và Quốc Oai.

Theo quyết định, Ba Vì có 2 đơn vị thuộc đối tượng thanh tra, Quốc Oai 1 đơn vị, Bắc Từ Liêm 9 đơn vị, Đông Anh 1 đơn vị, Hoài Đức 5 đơn vị, Đống Đa 4 đơn vị, Hoàng Mai 2 đơn vị, Tây Hồ 3 đơn vị, Thạch Thất 3 đơn vị, Chương Mỹ 1 đơn vị, Ba Đình 2 đơn vị.

Có nhiều “ông lớn” bất động sản thuộc đối tượng thanh tra như CTCP Tập đoàn Nam Cường (Tập đoàn Nam Cường) với dự án Xây dựng đường trục phát triển kinh tế xã hội Bắc Nam (huyện Quốc Oai);

Tổng CTCP Thương mại Xây dựng (Vietracimex) với dự án Khu đô thị Kim Chung – Di Trạch (huyện Hoài Đức); Tổng công ty Xây dựng Hà Nội – CTCP (Hancorp) ở dự án Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu Đoàn ngoại giao;

Công ty Liên doanh TNHH Phát triển đô thị mới An Khánh với dự án Khu đô thị Bắc An Khánh (huyện Hoài Đức);

Ngoài ra còn có CTCP Đầu tư phát triển đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (Sudico) ở dự án phần mở rộng khu B (huyện Hoài Đức); Công ty Đầu tư phát triển nhà số 12 với dự án Đầu tư xây dựng khu nhà ở công trình công cộng (quận Bắc Từ Liêm);

CTCP Đầu tư An Lạc cũng thuộc đối tượng thanh tra với dự án Khu đô thị mới thuộc khu đô thị Vân Canh (huyện Hoài Đức); Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ TST ở dự án Khu nhà ở các lô C1B và 2A thuộc khu đô thị mới Đại học Vân Canh (huyện Hoài Đức);

Bên cạnh đó còn thanh tra CTCP Hùng Vương, CTCP Xây dựng sông Hồng, Công ty TNHH xây dựng IDC với các dự án ở quận Tây Hồ; Công ty TNHH Tập đoàn Nam Cường, Công ty TNHH Phú Đạt có các dự án huyện Thạch Thất; Công ty TNHH Ngọc Linh, Công ty cổ phần Kết Thành...

Được biết, đoàn thanh tra gồm có: Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường, đại diện một số đơn vị trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, đại diện các sở, ngành Quy hoạch - Kiến trúc, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Cục Thuế thành phố, Thanh tra thành phố, Phòng An ninh kinh tế Công an thành phố và đại diện UBND 11 quận, huyện nơi có địa điểm sử dụng đất của đối tượng thanh tra.

Thời gian thanh tra là 30 ngày, kể từ ngày công bố quyết định thanh tra đến đối tượng thanh tra, không kể ngày nghỉ và ngày lễ.

Thanh tra Dự án của Tập đoàn Nam Cường

Trong danh sách thanh tra có một số dự án lớn thuộc đối tượng thanh tra, như Dự án xây dựng đường trục phát triển kinh tế xã hội Bắc Nam của Công ty Cổ phần tập đoàn Nam Cường; Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu Đoàn ngoại giao của Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội – CTCP; Khu đô thị Bắc An Khánh của Công ty Liên doanh TNHH Phát triển đô thị mới An Khánh; phần mở rộng khu B của Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà; Khu đô thị Kim Chung – Di Trạch của Tổng công ty Cổ phần thương mại Xây dựng (Vietracimex)…

Dự án đầu tư xây dựng đường trục phát triển KTXH Bắc – Nam -Tập đoàn Nam Cường làm chủ đầu tư (trước đây dự án có tên là đường trục phát triển kinh tế xã hội bắc Nam tỉnh Hà Tây, nay là TP Hà Nội).
Dự án đầu tư xây dựng đường trục phát triển KTXH Bắc – Nam -Tập đoàn Nam Cường làm chủ đầu tư (trước đây dự án có tên là đường trục phát triển kinh tế xã hội bắc Nam tỉnh Hà Tây, nay là TP Hà Nội).

Đáng chú ý, trong danh sách thanh tra có Công ty TNHH Tập đoàn Nam Cường liên quan đến giao đất để xây dựng trục kinh tế trên địa bàn huyện Thạch Thất.

Dự án trên do Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Cường Hà Nội làm chủ đầu tư (trước đây dự án có tên là đường trục phát triển kinh tế xã hội bắc Nam tỉnh Hà Tây, nay là TP Hà Nội). Dự án được đầu tư theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao) và được hoàn vốn từ dự án các khu đô thị dọc tuyến đường.

Dự án đầu tư xây dựng đường trục phát triển KTXH Bắc – Nam có chiều dài là 63,32km, mặt cắt ngang 42m, đi qua 6 huyện của Hà Nội, có tổng trị giá đầu tư là 7.694 tỷ đồng (theo dự toán lập từ năm 2008). Dự án đã hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư và khởi công xây dựng từ ngày 6/7/2008. Nhưng đến nay, dự án trên bị "lụt" tiến độ, chưa đưa vào sử dụng.

Theo đó, Hà Nội rà soát có 383 dự án có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật đất đai. Trong đó, 295 dự án đã được giao đất, cho thuê đất; 88 dự án chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất; 161 dự án có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật đất đai. Và trong số này có dự án liên quan đến Tập đoàn Nam Cường. 

Cụ thể, tại dự án khu đô thị Chương Mỹ tại Đông Sơn, Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ diện tích 5.673ha của Nam Cường được quyết định giao đất, cho thuê đất ngày 28/7/2018 chậm hoàn thành giải phóng mặt bằng, kết luận thanh tra dự án này không còn phù hợp quy hoạch chung của thị trấn Chúc Sơn. 

Tại dự án Xây dựng đường giao thông, khớp nối hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm được giao đất từ ngày 7/9/2011, diện tích chậm giải phóng mặt bằng 475 m2. UBND TP. Hà Nội yêu cầu Tập đoàn Nam Cường phối hợp với UBND quận Bắc Từ Liêm làm việc với Học viện Kỹ thuật quân sự để làm rõ nội dung vướng mắc trong việc giải phóng mặt bằng diện tích trên.

Bên cạnh hai dự án chậm giải phóng mặt bằng, tại dự án Xây dựng đường trục phát triển kinh tế xã hội Bắc Nam và dự án Giao đất để xây dựng trục kinh tế tại huyện Thạch Thất của Tập đoàn Nam Cường cũng bị UBND TP. Hà Nội kiểm tra, hậu kiểm và xử lý theo quy định của pháp luật.

Trong đó, riêng dự án Dự án Xây dựng đường trục phát triển kinh tế xã hội Bắc Nam giai đoạn 1 thuộc địa phận Chương Mỹ được đầu tư theo hình thức BT đã bị loại bỏ do trùng lắp, nhà đầu tư nghiên cứu khi chưa có chỉ đạo của UBND TP. 

Cũng theo báo cáo của UBND TP. Hà Nội, dự án khu đô thị Quốc Oai của Tập đoàn Nam Cường với diện tích 9.407ha đã bị thu hồi đất. 

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng kiến nghị gia hạn 24 tháng, nộp nghĩa vụ tài chính đối với dự án Bệnh viện Quốc tế 500 giường tại Dương Nội do Tập đoàn Nam Cường làm chủ đầu tư.

Trước đó, dư luận xôn xao về nghi vấn Tập đoàn Nam Cường bán nhà “hai giá” để trốn thuế do trong quá trình tư vấn cho khách hàng, nhân viên của Nam Cường đã hướng dẫn cho khách hàng làm hợp đồng mua bán với giá thấp hơn rất nhiều so với giá giao dịch thực tế nhằm lách luật, trốn thuế.

Thanh Xuân

Theo Chất lượng và Cuộc sống