Lọc hoá dầu Bình Sơn: Năm 2024 dự chi 930 tỷ cổ tức, 90% đổ về tài khoản PVN
Các chỉ tiêu tài chính năm 2024 của BSR có phần "đi lùi" so với mức thực hiện của năm 2023.
Công ty Cổ phần Lọc hoá Dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR) vừa công bố kế hoạch hoạt động sản xuất kinh doanh tạm thời năm 2024. Theo đó, BSR lên kế hoạch tổng doanh thu đạt 95.274,4 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 1.291,3 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.148,2 tỷ đồng.
So với kế hoạch đề ra cho năm 2023 (đã điều chỉnh), kế hoạch của năm 2024 có phần khiêm tốn hơn khi các chỉ tiêu đều thấp hơn nhiều. Cụ thể, kế hoạch kinh doanh năm 2023 mới được ban lãnh đạo điều chỉnh với tổng doanh thu mục tiêu tăng 52%, từ 95.370 tỷ lên 145.102 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế mục tiêu được điều chỉnh cao gấp 3 lần, từ hơn 1.628 tỷ lên hơn 4.867 tỷ đồng.
Theo tiết lộ của ban lãnh đạo, BSR đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch năm 2023 được giao, trong đó tổng doanh thu đạt trên 148.000 tỷ đồng. Như vậy, các chỉ tiêu tài chính tạm thời của năm 2024 có phần “đi lùi” khá nhiều so với mức thực hiện năm 2023.
Nguyên nhân của việc lên kế hoạch kinh doanh khiêm tốn có thể đến từ việc BSR dự kiến thực hiện bảo dưỡng định kỳ lần 5 đối với nhà máy lọc dầu Dung Quất kéo dài 50 ngày (từ tháng 3 - tháng 4/2024). Hoạt động này sẽ ảnh hưởng tới sản lượng của BSR trong năm 2024.
BSR dự kiến chia cổ tức năm 2024 với tỷ lệ 3%, tương đương số tiền dự chi là 930 tỷ đồng. Trong đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) dự kiến nhận về gần 857 tỷ đồng, các cổ đông khác nhận về 73,3 tỷ đồng.
Về kế hoạch đầu tư, tổng vốn đầu tư cho năm 2024 dự kiến là 1.297,8 tỷ đồng, trong đó đầu tư xây dựng cơ bản chiếm 994,3 tỷ đồng, đầu tư mua sắm trang thiết bị và tài sản cố định là 303,4 tỷ đồng.
Ngoài ra, BSR cũng cho biết trong năm 2024 sẽ tiếp tục đăng ký niêm yết cổ phiếu tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) khi đủ điều kiện.
Được biết, BSR cơ bản đã đáp ứng các điều kiện để thực hiện chuyển sàn giao dịch từ UPCoM sang HoSE như vốn điều lệ trên 30 tỷ đồng, niêm yết tối thiểu 2 năm trên UPCoM, kết quả kinh doanh 2 năm gần nhất có lãi, ROE năm gần nhất trên 5%, có tối thiểu 15% số cổ phiếu có quyền biểu do ít nhất 100 cổ đông (không phải cổ đông lớn) nắm giữ,…
Tuy nhiên, vướng mắc của BSR trong hành trình chuyển sàn nằm ở tiêu chí “không có nợ quá hạn trên 1 năm”. Theo đó, Công ty Nhiên liệu Sinh học Miền Trung, công ty con của BSR có khoản nợ quá hạn gần 1.100 tỷ đồng.
BSR vẫn đang chờ hướng dẫn cụ thể từ Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và các cơ quan quản lý. Nhiều công ty chứng khoán dự đoán việc chuyển sàn của BSR có thể sẽ được tiến hành trong năm 2024.