Lợi nhuận của doanh nghiệp cao su trái chiều

Hết quý 2, doanh nghiệp cao su ghi nhận lợi nhuận khởi sắc, song đà tăng trưởng phần lớn không đến từ việc sản xuất chính mà nhờ hoạt động khác.

Các doanh nghiệp cao su công bố kết quả kinh doanh khá trái chiều với nhiều đơn vị lao dốc vì gánh nặng chi phí và tác động của thị trường.  
Các doanh nghiệp cao su công bố kết quả kinh doanh khá trái chiều với nhiều đơn vị lao dốc vì gánh nặng chi phí và tác động của thị trường.  

Báo lãi mạnh

Hết quý 2/2022, Công ty CP Cao Su Thống Nhất (mã: TNC) đang là doanh nghiệp có lợi nhuận tăng trưởng cao, lũy kế 6 tháng đầu năm ghi nhận doanh thu đạt 48 tỷ đồng, tăng 82% so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận sau thuế đạt 47,4 tỷ đồng, tăng 107%. 

Cao su Thống Nhất lên kế hoạch tổng doanh thu năm 2022 đạt 123 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 31,5 tỷ đồng, như vậy, đã thực hiện 39% mục tiêu doanh thu và vượt hơn một nửa kế hoạch lợi nhuận đề ra.

CTCP Cao su Tân Biên (UPCoM: RTB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2022, lãi sau thuế nửa đầu năm tăng 41% so với cùng kỳ, lên hơn 191 tỷ đồng. Kết thúc quý 2/2022, RTB báo lãi sau thuế đạt 101.5 tỷ đồng, tăng 3%, lãi ròng đạt hơn 97 tỷ đồng, tăng nhẹ 1%

Công ty CP Cao su Bà Rịa ( UPCoM:BRR ), doanh thu thuần giảm 34% xuống 63 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các loại chi phí vận hành, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh, giảm nhẹ 0,53% về gần 6,7 tỷ đồng do giá bán và sản lượng tiêu thụ đều giảm so với cùng kỳ. Song lợi nhuận từ hoạt động tài chính gấp 7,7 lần lên 34,3 tỷ đồng nhờ khoản cổ tức được chia năm 2021 của CTCP Cao su Bà Rịa Kampong Thom.

Ngoài ra, lợi nhuận khác cũng gấp 4 lần lên 33,9 tỷ đồng nhờ nguồn thu từ thanh lý vườn cao su. Nhờ đó, lãi sau thuế quý 2 tăng 289% lên 67 tỷ đồng.

Một cái tên nổi bật khác trong nhóm doanh nghiệp ngành cao su bão lãi lớn quý 2 là CTCP Cao Su Đồng Phú (mã: DPR), trong kỳ, công ty đã thu về gần 296 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng gần 32% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 73,3 tỷ đồng, tăng gần 121%. Đây cũng là mức lãi cao nhất của quý 2 hàng năm công ty đạt được trong vòng 5 năm qua.

Tính chung 6 tháng đầu năm, Cao su Đồng Phú ghi nhận doanh thu tăng trưởng 17%, đạt mức gần 500 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cũng đạt mức 119,6 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2021, trong năm 2022, đặt chỉ tiêu doanh thu của công ty ở mức 910 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 260 tỷ đồng. Theo đó, công ty đã thực hiện gần 55% mục tiêu doanh thu và 46% kế hoạch lợi nhuận năm. 

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam là 10.478 tỷ đồng, gần như đi ngang so với cùng kỳ, lãi ròng đạt 2.122 tỷ đồng, tăng 35% do có thêm thu nhập khác từ cây cao su thanh lý, gãy đổ. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 2.213 tỷ đồng, tăng 40,2%.

Năm 2022, tập đoàn đặt mục tiêu doanh thu đạt 29.707 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 5.340 tỷ đồng. Như vậy, sau hai quý, đơn vị này đã thực hiện 35% kế hoạch doanh thu và 47% chỉ tiêu lợi nhuận năm. 

Lợi nhuận lao dốc

Ở chiều ngược lại, một số đơn vị báo doanh thu và lợi nhuận đều lao dốc trong quý 2. CTCP Cao su Đắk Lắk ( UPCoM:DRI ) ghi nhận mức giảm lợi nhuận mạnh nhất với gần 87% về 4,4 tỷ đồng, doanh thu thuần giảm 4,4% xuống 113,2 tỷ đồng. Theo lý giải của tập đoàn, sự biến động là do ảnh hưởng của khoản lỗ chênh lệch tỷ giá hơn 30,8 tỷ đồng, kéo chi phí tài chính gấp 5,3 lần lên 53,3 tỷ đồng.

Tương tự, CTCP Cao su Bến Thành ( HoSE:BRC) cũng báo doanh thu thuần giảm 10,2% xuống 82,6 tỷ đồng, lãi sau thuế giảm 49% về 3,6 tỷ đồng. Trong cơ cấu doanh thu, hoạt động bán sản phẩm cao su - vốn chiếm tỷ trọng lớn nhất giảm 7,7% còn 81 tỷ đồng. Đơn vị lý giải, tình hình bán hàng bị ảnh hưởng rất nhiều do công ty buộc cắt giảm chi tiêu trong bối cảnh chịu ảnh hưởng đại dịch Covid-19, tình hình thế giới bất ổn, kinh tế khó khăn, giá cả các loại tăng cao. Bên cạnh đó, giá vốn bị kéo lên cao do giá cả đầu vào tăng mạnh.

Cả lợi nhuận lẫn doanh thu của  CTCP Cao Su Phước Hòa (mã: PHR) đều “lao dốc” mạnh, doanh thu thuần giảm gần 50% về còn 241,3 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế quý 2 giảm 32,6% xuống mức 54,8 tỷ đồng. 

Theo giải trình từ phía doanh nghiệp, lợi nhuận sau thuế có sự sụt giảm do lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh giảm so với cùng kỳ 19,2%, trong đó, sản lượng mủ tiêu thụ giảm dẫn đến kết doanh thu bán thành phẩm trong quý 2 giảm so với cùng kỳ.

Ngoài ra, lợi nhuận hoạt động khác giảm so với cùng kỳ 85,2% do trong quý 2 doanh nghiệp không ghi nhận tiền thu nhập từ thanh lý vườn cao su.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Phước Hoà đạt gần 607 tỷ đồng, giảm gần 20% so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận sau thuế tăng đột biến 108% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 353,8 tỷ đồng do doanh thu quý 1 khả quan và gần 300 tỷ đồng, gấp 3,3 lần cùng kỳ nhờ được bồi thường thực hiện dự án Khu công nghiệp VSIP III.   

Năm 2022, doanh nghiệp lên kế hoạch tổng doanh thu công ty mẹ đạt 2.253 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 744 tỷ đồng. Như vậy, công ty hiện mới thực hiện được 15,3% kế hoạch doanh thu và 47,5% mục tiêu lợi nhuận sau nửa năm.

Triển vọng ngành cao su vẫn sáng

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cũng đưa ra dự báo nguồn cung cao su toàn cầu sẽ  thiếu hụt trong những năm tiếp theo cho đến năm 2028, thậm chí có thể kéo dài đến năm 2031 do khoảng cách cung và cầu ngày càng lớn. Hoạt động xuất khẩu cao su của Việt Nam nhờ đó tiếp tục được hưởng lợi trong thời gian tới.

Theo bản tin thị trường nông lâm thủy sản của Bộ Công thương ngày 29/7, thị trường cao su quý 2 bị tác động mạnh bởi tình hình dịch bệnh, khủng hoảng địa chính trị, tình trạng thiếu container, chi phí vận tải cao, giá nhiên liệu tăng mạnh và thông quan chậm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp cao su công bố kết quả kinh doanh khá trái chiều với nhiều đơn vị lao dốc vì gánh nặng chi phí và tác động của thị trường. Có một số cái tên ghi nhận lợi nhuận khởi sắc, song đà tăng trưởng phần lớn không đến từ việc sản xuất chính mà nhờ hoạt động khác.

Tuy nhiên, xuất khẩu cao su của Việt Nam trong quý 2 vẫn lạc quan khi ngành hàng dần phục hồi nhờ nhu cầu tiêu thụ cao su toàn cầu tăng. 

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cao su quý 2 đạt hơn 380.000 tấn, trị giá 646,4 triệu USD, tăng 23,6% về lượng và tăng 22,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cao su đạt khoảng 779.000 tấn, trị giá 1,4 tỷ USD, tăng 9,2% về lượng và tăng 12,2% về trị giá so với 6 tháng đầu năm 2021. 

Minh Vân

Theo Chất lượng và Cuộc sống