Lợi nhuận doanh nghiệp thép 'lao dốc' mạnh trong 6 tháng đầu năm 2022
Tính đến thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp thép đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2022 với lợi nhuận giảm sâu tới 93%...
Lợi nhuận doanh nghiệp thép \'lao dốc\' mạnh
Theo báo cáo từ SSI Research, sản lượng tiêu thụ thép đã chững lại trong vài tháng gần đây, với sản lượng tiêu thụ thép thành phẩm trong nước trong tháng 4-5/2022 giảm khoảng 32% so với cùng kỳ.
Cùng với đó, giá thép cũng lao dốc nhanh chóng. Trong đó, giá thép xây dựng đã trải qua 9 lần giảm liên tiếp trong hơn 1 tháng qua xuống vùng 16 triệu đồng/tấn. Còn giá thép cuộn cán nóng (HRC) tại Việt Nam cũng lao dốc xuống 650 USD/tấn.
Do đó, 6 tháng đầu năm 2022, kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp thép không mấy khả quan.
Cụ thể, Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên (Tisco, mã: TIS) mới đây công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2022. Trong kỳ, doanh thu thuần của công ty giảm 10% so với cùng kỳ còn 3.189 tỷ đồng. Giá vốn hàng bán ghi nhận gần 3.143 tỷ đồng, tăng gần 2% khiến lợi nhuận gộp của Tisco chỉ còn chưa tới 47 tỷ, bằng 1/10 cùng kỳ năm ngoái.
Trong kỳ chi phí tài chính (chủ yếu là lãi vay) và chi phí bán hàng đã ăn mòn hết lợi nhuận gộp song nhờ khoản hoàn nhập ở khoản mục chi phí quản lý doanh nghiệp và doanh thu tài chính đã giúp Tisco có lãi sau thuế gần 6 tỷ đồng trong quý 2, giảm 90% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về kế hoạch kinh doanh 2022, Tisco đặt kế hoạch doanh thu năm 2022 đạt 20.105 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ nhưng chỉ tiêu lợi nhuận lại chỉ là 90 tỷ đồng, giảm 42% so với thực hiện 2021. Hết quý II, công ty mới đạt 16% mục tiêu doanh thu và 6,4% chỉ tiêu lợi nhuận năm.
Một điều cũng đáng ngại là lượng hàng tồn kho của Tisco tính đến cuối tháng 6/2022 tăng mạnh 43% so với đầu năm, ghi nhận hơn 2.000 tỷ đồng. Ở bên kia bảng cân đối, tính tới hết quý 2/2022, tổng nợ vay phải trả của Tisco là 4.518 tỷ đồng, gấp 2,23 lần vốn chủ sở hữu và chiếm gần 42% tổng nguồn vốn. 6 tháng đầu năm, Tisco tốn gần 58 tỷ đồng chi phí lãi vay.
Doanh nghiệp thép tiếp theo cũng ngậm ngùi báo lãi giảm mạnh là Công ty CP Thép Thủ Đức – VNSTEEL (mã: TDS).
Quý 2/2022, Thép Thủ Đức ghi nhận doanh thu thuần 358 tỷ đồng, lỗ ròng gần 2 tỷ đồng, giảm hơn 45% so với cùng kỳ, đồng thời lỗ gộp gần 2,5 tỷ đồng.
Theo lý giải từ công ty, giá đầu ra giảm liên tục từ đầu quý đến nay, cùng với đó là sự sụt giảm về lượng thép tiêu thụ.
Điều này khiến công ty ngừng sản xuất, giá thép tồn kho cao từ các tháng trước làm ảnh hưởng tới giá vốn. Tình cảnh này hoàn toàn trái ngược với giai đoạn quý II/2021 khi đứt gãy chuỗi cung ứng và nhu cầu mạnh tạo điều kiện cho giá thép bay cao.
Việc tiêu thụ chậm cũng ảnh hưởng tới dòng tiền, kèm theo việc siết tín dụng, lãi suất tăng cao so với cùng kỳ cũng làm chi phí tài chính, nhất là lãi vay, tăng mạnh. Trong kỳ, chi phí tài chính tăng vọt từ 85 triệu lên 2,7 tỷ đồng. Điểm tích cực là các khoản chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm.
Tương tự như Tisco, Thép Thủ Đức cũng nắm giữ lượng hàng tồn kho cao và đây không phải là hàng tồn giá rẻ. Tại cuối quý 2/2022, Thép Thủ Đức ghi nhận 498 tỷ đồng hàng tồn kho, trong đó dự phòng giảm giá khoảng 7,5 tỷ đồng. Ở bên kia bảng cân đối, nợ ngắn hạn của công ty cũng tăng từ 219 tỷ đồng lên 307 tỷ đồng.
Cùng hoàn cảnh, Công ty CP Đầu tư Thương mại SMC (mã: SMC) ghi nhận doanh thu thuần quý 2/2022 đạt 6.620 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lãi ròng lại giảm mạnh 90%, xuống mức 47 tỷ đồng.
Hơn nữa, chi phí tài chính trong kỳ tăng gần 9 lần, lên 110 tỷ đồng, trong đó chiếm một nửa là chi phí lãi vay. Đồng thời, chi phí bán hàng cũng tăng mạnh lên 56 tỷ đồng.
Tính chung 6 tháng đầu năm, SMC ghi nhận doanh thu hơn 13.000 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ. Trong khi đó, lãi ròng giảm 82%, xuống 127 tỷ đồng.
Năm 2022, SMC dự kiến mức doanh thu thuần hợp nhất đạt 20.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 300 tỷ đồng, giảm 6,1% và giảm 66,7% so với năm 2021.
Tương tự như hai doanh nghiệp thép trên, tại cuối quý 2/2022, SMC còn nắm giữ 3.372 tỷ đồng hàng tồn kho, trong khi đầu năm chỉ ở mức 2.544 tỷ đồng hồi đầu năm. Trong đó, SMC dự phòng giảm giá hàng tồn kho hơn 170 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp thép khác như Công ty CP Thép Mê Linh (mã: MEL), CTCP Gang thép Cao Bằng (mã: CBI) cũng đang ghi nhận tình trạng sụt giảm lợi nhuận.
Cụ thể, quý 2/2022 lợi nhuận sau thuế tại Thép Cao Bằng giảm tới 88% xuống còn 17,7 tỷ đồng. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, lãi sau thuế chỉ còn vỏn vẹn 43 tỷ đồng, tương đương giảm 80% so với cùng kỳ 2021.
Còn tại Thép Mê Lin, quý 2/2022 lãi sau thuế giảm tới 93% còn hơn 1,6 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm lãi giảm 68% còn vỏn vẹn hơn 12 tỷ đồng.
Điều gì sẽ diễn ra với doanh nghiệp thép trong 6 tháng còn lại năm 2022?
Trong báo cáo mới đây, VSA dự báo các doanh nghiệp thép trong nước sẽ tiếp tục đối mặt với những khó khăn, thách thức và những yếu tố bất ổn trong 6 tháng cuối năm 2022.
Mùa mưa - cơn ác mộng của ngành xây dựng và ngành thép, đang đến. Và mùa mưa cũng là một trong những yếu tố tạo nên tính chu kỳ cho ngành thép.
Thông thường, tiêu thụ thép trong giai đoạn từ tháng 7 - 9 khá trầm lắng do thời tiết mưa nhiều, ảnh hưởng đến tiến độ các công trình xây dựng. Năm nay, việc nhu cầu thép xây dựng vốn đang ở mức thấp lại cộng thêm tác động của thời tiết xấu được cho là sẽ tác động đến lớn đến tình hình tiêu thụ thép trong quý III.
Bên cạnh đó, tốc độ giải ngân đầu tư công cũng không được như kỳ vọng. Trước đó, hồi đầu năm VSA cho rằng việc Chính phủ thúc đẩy đầu tư công sẽ là một trong những động lực chính thúc đẩy ngành thép trong năm 2022. Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính tỷ lệ ước giải ngân vốn kế hoạch 6 tháng đầu năm 2022 đạt 27,75% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm so với cùng kỳ năm 2021 (29,02%).
Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoà Phát nhận định: “Chưa có nhiệm kỳ nào Chính phủ cam kết đẩy mạnh đầu tư công như nhiệm kỳ này và đây được coi là cứu cánh đối với ngành thép và vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, tốc độ giải ngân tương đối chậm chạp”.
Hiện tại tỷ trọng thép xây dựng cho các công trình đầu tư công của Hoà Phát chiếm 40%. Ông Long cho biết Hoà Phát sẽ linh hoạt tỷ trọng, nếu thời gian tới đầu tư công tăng lên vầ sẽ nâng sản lượng của mặt hàng này.
Lạm phát và suy thoái kinh tế thế giới cũng là yếu tố rủi ro mà ngành thép đang phải đối mặt. Theo ông Long lạm phát khiến người tiêu dùng co tiêu dùng lại. Trong đó, xây dựng là một trong những khoản được cắt giảm đầu tiên bởi người dân vẫn phải ưu tiên nhu cầu ăn, mặc. Điều này tác động trực tiếp đến tình hình xuất khẩu của Hoà Phát và ngành thép nói chung.
Đồng thời, lạm phát cũng ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp thép khi 60 - 70% nguyên liệu phụ thuộc vào nhập khẩu.
Bộ Công Thương dự báo trong năm 2022, Việt Nam phải nhập khẩu nhiều loại nguyên liệu để sản xuất thép như quặng sắt cho các lò cao khoảng hơn 18 triệu tấn, thép phế khoảng 6-6,5 triệu tấn cho các lò điện, than mỡ luyện cốc khoảng 6,5 triệu tấn và điện cực graphite khoảng 10.000 tấn…
Trong khi đó, dự kiến giá quặng sắt, thép phế, quặng nguyên liệu thô và than mỡ luyện cốc… vẫn duy trì ở mức cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp sản xuất thép và thị trường thép trong nước.
Một biến số lớn khác đến từ thị trường Trung Quốc - nơi tiêu thụ tới 60% lượng thép trên thế giới. Việc nước này vẫn theo đuổi chính sách Zero COVID khiến hoạt động xây dựng trong nước bị đình trệ và nhu cầu nhập khẩu thép cũng giảm theo.
Như vậy trong 6 tháng cuối năm vẫn còn khá nhiều lực cản đối với ngành thép.
Thực tế, người đứng đầu Tập đoàn Hoà Phát tỏ ra khá bi quan về triển vọng trong những tháng còn lại của năm: “Quý vị hãy đợi đến quý II, III, hết năm sẽ thấy kết quả kinh doanh của Hoà Phát thê thảm thế nào và mọi người cũng hiểu vì sao tôi thận trọng trong kế hoạch kinh doanh năm 2022. Ngành thép năm nay sẽ khó khăn, không còn thuận lợi như trước. Triển vọng từ nay đến cuối năm, giá thép có thể tiếp tục giảm".