Giá cổ phiếu 'đứt phanh', kế hoạch huy động vốn qua cổ phiếu của doanh nghiệp thép liệu có thành?
Kênh trái phiếu, tín dụng bị \'siết\' do đó các doanh nghiệp nói chung và nhóm doanh nghiệp thép nói riêng chọn huy động vốn qua cổ phiếu. Tuy nhiên...
Ngoài việc bị siết chặt trái phiếu, huy động vốn từ kênh tín dụng của doanh nghiệp cũng bị kiểm soát chặt chẽ. Đầu tháng 4 vừa rồi, Ngân hàng Nhà nước vừa có công văn số 1976/NHNN-TTGSNH gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài yêu cầu triển khai, thực hiện nghiêm một số vấn đề để đảm bảo an toàn hoạt động, trong đó thực hiện kiểm soát các khoản cấp tín dụng với lĩnh vực rủi ro.
Do nhu cầu vốn vẫn tăng cao, đặc biệt sau giai đoạn phục hồi hậu COVID-19, nhiều doanh nghiệp đã chuyển hướng huy động vốn trên sàn chứng khoán thông qua hoạt động phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu hoặc phát hành cổ phiếu riêng lẻ trong mùa ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 vừa qua. Tiêu biểu là các doanh nghiệp bất động sản Địa ốc Hoàng Quân (HQC), DIC Corp (DIG), CEO Group (CEO), Hodeco (HDC), Thủ Đức House (TDH),...
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp ngành sản xuất cũng tranh thủ huy động vốn trên thị trường chứng khoán như: HAGL (HAG), Phú Tài (PTB), Gỗ Trường Thành (TTF),... cũng đang có kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn.
Cụ thể, nhóm doanh nghiệp thép có Tập đoàn Thép Tiến Lên (Mã: TLH) dự kiến phương án chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tổng số lượng cổ phiếu là trên 102 triệu cổ phiếu, tỷ lệ thực hiện quyền là 1:1, giá chào bán dự kiến là 10.000 đồng/cp. Cổ đông có quyền chuyển nhượng quyền mua cổ phiếu cho người khác trong thời gian quy định và chỉ được chuyển nhượng 1 lần.
Thời gian dự kiến phát hành là quý II năm 2022. Tổng số tiền 1.021 tỷ đồng thu được sẽ được dùng để tài trợ cho dự án khu dân cư thương mại An Phước, Đồng Nai 500 tỷ; tài trợ cho dự án xây dựng chi nhánh Đà Nẵng 26 tỷ đồng và bổ sung nguồn vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh 495 tỷ đồng.
Tương tự, một doanh nghiệp thép khác là CTCP Quốc tế Phương Anh (PAS, mã: PAS) chuyên kinh doanh các sản phẩm thép không gỉ, thép carbon...cũng sẽ phát hành cổ phiếu riêng lẻ nhằm bổ sung nguồn vốn để triển khai thực hiện các dự án bất động sản tại Đà Nẵng.
Cụ thể, công ty lên kế hoạch phát hành 15 triệu cổ phiếu với mức giá 10.000 đồng/cổ phiếu, tổng giá trị phát hành là 150 tỷ đồng. Công ty hiện có vốn điều lệ 280 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ cổ phiếu phát hành riêng lẻ so với số cổ phiếu đang lưu hành là 53,48%.
Thời gian phát hành dự kiến trong năm 2023. Phần góp vốn thêm của nhà đầu tư sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 100% trong vòng một năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán.
Thời điểm công bố kế hoạch, cổ phiếu TLH của Thép Tiến Lên có diễn biến tăng giá nhưng thời gian gần đây, với những cú “sập” liên tiếp của thị trường chứng khoán khiến cổ phiếu TLH giảm mạnh.
Cụ thể, đóng phiên giao dịch ngày 8/6, thị giá cổ phiếu TLH ở mức 11.500 đồng/cp. Trong khi đó, thời điểm công bố kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu (đầu tháng 4/2022) thị giá đang ở quanh mức 19.000 đồng/cp.
Tương tự, thị giá cổ phiếu PAS cũng đang trên đà giảm mạnh. Đóng phiên giao dịch ngày 8/6, giá cổ phiếu PAS dừng ở mức 14.900 đồng/cp, giảm tới 39% so với thời điểm công bố kế hoạch là vào giữa tháng 3/2022.
Thực tế, thị trường diễn biến không mấy tích cực khiến cho việc huy động vốn của các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán càng gian nan. Hiện đã có một số doanh nghiệp như Hodeco, Louis Capital ,...thông báo hoãn hoặc hủy phương án phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn do giá cổ phiếu giảm mạnh hoặc đang giảm ở dưới giá phát hành.
Dự báo về cổ phiếu thép trong ngắn hạn, ngành thép vẫn được ủng hộ bởi những căng thẳng địa chính trị sẽ khiến gián đoạn chuỗi cung ứng tăng cao. Tuy nhiên, đây chỉ là câu chuyện ngắn hạn cho cổ phiếu ngành thép. Trong dài hạn, nguồn nguyên liệu đầu vào của giá thép tăng cao cùng với chi phí vận tải dự báo leo thang cũng tạo áp lực cho việc xuất khẩu thép.
Bên cạnh đó, thời gian trước Trung Quốc cắt giảm sản lượng sản xuất để đảm bảo chính sách bảo vệ môi trường. Tuy nhiên việc quốc gia này tiến hành phục hồi sản xuất công nghiệp trở lại có thể khiến nguồn cung thép khôi phục.