Luật Đất đai 2024 sẽ 'trao quyền' cho tất cả thành viên trên sổ đỏ hộ gia đình
Theo quy định của Luật Đất đai 2024, từ năm 2025, sổ đỏ thửa đất hộ gia đình sẽ ghi tên đầy đủ thành viên có chung quyền sử dụng đất, thay vì chỉ ghi tên chủ hộ như hiện nay.
Luật Đất đai 2024 quy định thửa đất thuộc quyền sử dụng của hộ gia đình sẽ được cấp một Giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (sổ đỏ) ghi đầy đủ tên thành viên có chung quyền sử dụng đất. Sổ sẽ được trao cho người đại diện.
Nếu các thành viên có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình có nhu cầu thì sẽ được cấp sổ đỏ ghi tên đại diện hộ gia đình.
Ngoài ra, từ năm 2025, Nhà nước cũng sẽ không cấp đất cho hộ gia đình. Do đó, quy định ghi đầy đủ tên các thành viên trong hộ gia đình vào sổ đỏ cũng sẽ được áp dụng đối với tất cả những trường hợp đất của hộ gia đình đã có từ trước nhưng chưa được cấp sổ.
Việc xác định các thành viên có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình để ghi trên sổ đỏ sẽ do những người này tự thỏa thuận và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Đối với các sổ đỏ đã cấp cho đại diện hộ gia đình trước thời điểm Luật Đất đai 2024 có hiệu lực, nếu các thành viên trong hộ có nhu cầu sẽ được đổi sang sổ đỏ mới ghi đầy đủ tên các thành viên.
So với Luật Đất đai 2013, đây được xem là điểm mới của Luật Đất đai 2024.
Trước đó năm 2014, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã ban hành thông tư và hướng dẫn sổ đỏ cấp cho hộ gia đình chỉ ghi "hộ ông" hoặc "hộ bà" và họ tên chủ hộ hoặc người đại diện mà không hề ghi tên các thành viên còn lại.
Đến năm 2017, Bộ TN&MT đã ban hành thông tư mới, sửa đổi quy định từ năm 2014 thay vì chỉ ghi chủ hộ gia đình, sẽ ghi thêm các thành viên còn lại vào sổ đỏ.
Mặc dù vậy, trước phản ứng trái chiều của dư luận, Bộ Tư pháp cho rằng "chưa thực sự yên tâm về tính khả thi" nên Bộ TN&MT đã ngưng hiệu lực điều khoản này.
Việc quy định về cấp sổ đỏ đối với hộ gia đình từ đó đến nay vẫn được áp dụng như thông tư năm 2014 khi chỉ ghi tên chủ hộ hoặc người đại diện.
Xoay quanh vấn đề này vẫn còn khá nhiều tranh cãi khi nhiều người cho rằng có không ít trường hợp khi chuyển nhượng đất đai đã bỏ sót thành viên dẫn đến giao dịch có thể bị vô hiệu, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của các bên cũng như gây khó khăn cho cơ quan công chứng trong công tác xác minh nhân khẩu nên việc ghi đầy đủ tên thành viên trên sổ đỏ hộ gia đình được xem là cải cách mới, khắc phục được những bất cập này.
Tuy nhiên, nhiều người dân lại đặt ra các trường hợp như mảnh đất là tài sản cá nhân của 2 vợ chồng nhưng "bỗng dưng" lại điền tên của các con, khi muốn bán phải được sự cho phép của các con gây ra nhiều mâu thuẫn trong gia đình. Nhiều người cho rằng "đất của ai thì nên đứng tên người đó" và khi qua đời thì thừa kế hay cho tặng ai là quyền của người đó...
Cũng có người cho rằng cần xác định nguồn gốc hình thành tài sản, từ đó mới xác định tên các thành viên có quyền được ghi trong sổ đỏ.
Anh Trần Toàn (Cầu Giấy) cho rằng điều này "Rất dài dòng và tạo tiền lệ không tốt cho con cái. Trong khi bố mẹ lao động vất vả mới mua được miếng đất và xây nhà, con cái tuổi ăn học không đóng góp gì mà có tên trên sổ quyền sử dụng đất. Con ngoan thì không sao nếu nó hư hỏng đòi bán nhà thì làm sao? Thế hệ trẻ bây giờ phải biết lao động cật lực mới có thành quả, như thế mới tốt cho bản thân và xã hội".