Luật Đất đai 2024 sớm có hiệu lực: Thị trường bất động sản sẽ đi vào đúng quỹ đạo?

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa có chỉ đạo về việc triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2024. Theo đó, trước ngày 31/3, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan trình Chính phủ dự thảo tờ trình của Chính phủ, trình Quốc hội cho phép Luật Đất đai có hiệu lực từ 1/7/2024.

Luật Đất đai 2024 sớm có hiệu lực: Thị trường bất động sản sẽ đi vào đúng quỹ đạo? - Ảnh 1

Luật Đất đai có thể có hiệu lực sớm hơn

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản hỏa tốc gửi bộ trưởng các bộ liên quan và Chủ tịch HĐND, UBND các tỉnh, thành phố về việc triển khai Luật Đất đai số 31/2024/QH15 (Luật Đất đai 2024), thúc đẩy Luật này có hiệu lực sớm hơn dự kiến.

Theo đó, để có cơ sở đề xuất Quốc hội cho phép Luật Đất đai có hiệu lực từ 1/7 tới đây và sớm đưa Luật vào cuộc sống, Thủ tướng chỉ đạo Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan trình Chính phủ các nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai; nghị định quy định về điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hệ thống thông tin đất đai.

Người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ đạo các cơ quan sớm trình Nghị định quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Nghị định quy định về giá đất; Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai...

Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan sớm xây dựng, ban hành Thông tư quy định kỹ thuật điều tra, đánh giá đất đai; Thông tư quy định về thống kê, kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất; Thông tư quy định về hồ sơ địa chính, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; Thông tư quy định về nội dung, cấu trúc và kiểu thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai...

Bộ trưởng Tài chính được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan trình Chính phủ Nghị định quy định về quỹ phát triển đất; Nghị định quy định về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.

Cơ quan này cũng được giao xây dựng và ban hành Thông tư quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng phí khai thác và sử dụng tài liệu đất đai.

Với lãnh đạo các địa phương, Thủ tướng chỉ đạo ban hành văn bản quy phạm pháp luật để quy định chi tiết các nội dung được giao trong Luật Đất đai 2024.

"Trước ngày 31/3, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan trình Chính phủ dự thảo tờ trình của Chính phủ, trình Quốc hội cho phép Luật Đất đai có hiệu lực từ 1/7", Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu.

Như vậy, nếu kịp thời ban hành các nghị định và thông tư liên quan để trình và được Quốc hội chấp thuận cho phép Luật Đất đai có hiệu lực từ 1/7, dự luật quan trọng này sẽ có hiệu lực thi hành sớm nửa năm so với thời điểm đã được Quốc hội thông qua.

Thị trường bất động sản sẽ đi đúng quỹ đạo?

Luật Đất đai (sửa đổi) năm 2024 đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ năm vào ngày 18/1/2024. Luật được kỳ vọng sẽ giúp chấm dứt các bất cập về pháp lý và mở ra những cơ hội mới cho thị trường bất động sản phát triển bứt phá.

Trước thông tin Luật Đất đai 2024 dự kiến sẽ được có hiệu lực trước dự kiến nửa năm càng tạo thêm động lực cho thị trường bất động sản sớm “bứt phá” mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Đa số các chuyên gia cũng đồng tình cho rằng đưa vào thực hiện sớm luật Đất đai 2024 từ ngày 1/7 tới sẽ thúc đẩy thị trường bất động sản hồi phục trở lại. Từ đó góp phần rất lớn trong việc phục hồi, phát triển kinh tế nói chung của cả nước.

TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, việc xây dựng luật Đất đai 2024 là sửa đổi những bất cập, không hợp lý cũng như bổ sung những quy định cấp thiết từ thực tiễn. Việc cần có khung pháp lý mới là nhằm để giải quyết các vướng mắc của nhà đầu tư, doanh nghiệp cũng như thị trường bất động sản. Vì vậy khi luật đã được thông qua thì đưa vào thực hiện càng sớm càng tốt. Đây là nỗ lực của Chính phủ và cũng là mong muốn chung của cả cộng đồng doanh nghiệp, người dân.

Ông Đính cũng nói thêm, Nhiều dự án được gỡ vướng sẽ được triển khai, hoàn thành; từ đó nguồn cung cho thị trường gia tăng sẽ góp phần làm giảm áp lực về cung - cầu hiện nay. Người dân sẽ có nhiều lựa chọn tốt hơn để có được bất động sản phù hợp cho nhu cầu của mình. Đặc biệt, khi các dự án bất động sản được phát triển, doanh nghiệp hoạt động trở lại thì sẽ tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân.

Thị trường bất động sản hồi phục nhanh, ổn định cũng là mục tiêu mà Chính phủ hướng đến với nhiều cuộc họp, nhiều chính sách để tháo gỡ khó khăn cho ngành này. Thị trường bất động sản phát triển thì hàng loạt ngành khác có liên quan như vật liệu xây dựng, các ngành dịch vụ cung cấp đầu vào cho bất động sản sẽ phát triển trở lại. Tất cả sẽ góp phần tốt hơn cho nền kinh tế chung của cả nước.

Trong khi đó, ông Trần Văn Bình, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VARS nhận định, Luật Đất đai (sửa đổi) là đạo luật lớn, tác động đến nhiều mặt của đời sống xã hội, thu hút sự quan tâm đông đảo của nhiều cá nhân, doanh nghiệp, nhà đầu tư, chủ đầu tư. Dự án luật này được kỳ vọng sẽ cởi trói pháp lý, tạo đà cho sự khởi sắc thị trường bất động sản thời gian tới.

Trong lần sửa luật này, rất nhiều điều khoản được điều chỉnh theo hướng bảo vệ lợi ích tối đa cho người dân. Nếu việc tháo gỡ pháp lý diễn ra theo đúng như kỳ vọng, ông Trần Văn Bình tin tưởng rằng, các giao dịch trong dân cũng sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn. Nhằm đảm bảo giá giao dịch đúng với giá trị thực, tạo ra cơ chế giúp kiểm soát thị trường bất động sản. Hỗ trợ cho sự phát triển thị trường BĐS theo hướng an toàn và minh bạch.

An Nhiên

Theo Chất lượng và Cuộc sống