Lý do đằng sau việc Khu đô thị ‘nhà giàu’ của Hà Nội lại điều chỉnh quy hoạch lần thứ 7
Khu đô thị này đã triển khai được một phần nhưng vẫn còn không ít lô đất trống, dự án bỏ hoang và nhiều lần điều chỉnh quy hoạch.
UBND TP. Hà Nội vừa ban hành quyết định điều chỉnh, bổ sung kế hoạch sử dụng đất năm 2024 của quận Tây Hồ. Theo Quyết định, bổ sung Kế hoạch sử dụng đất năm 2024 quận Tây Hồ với 1 dự án có diện tích hơn 4ha thuộc Khu đô thị Nam Thăng Long (còn gọi là Khu đô thị Ciputra).
Khu đô thị Nam Thăng Long (Ciputra Hanoi International City) là dự án bất động sản đầu tư nước ngoài lớn nhất Việt Nam tính đến năm 2007, với số vốn đầu tư lên tới 2,11 tỷ USD do Tập đoàn Ciputra (Indonesia) làm chủ đầu tư.
Dự án có tổng diện tích hơn 300ha và được chia làm 3 giai đoạn. Hiện nay, khu đô thị Nam Thăng Long được triển khai xong giai đoạn 1, còn một phần lớn diện tích giai đoạn 2 và 3 chưa được triển khai, tồn tại không ít hạng mục dang dở, chậm tiến độ hàng chục năm trời.
Theo quy hoạch, KĐT Ciputra có nhiều diện tích cây xanh, mặt nước nhưng phần lớn chưa thành hiện thực. Trong quá trình triển khai, dự án này đã 7 lần được Hà Nội phê duyệt điều chỉnh quy hoạch.
Cụ thể, năm 2016, ô đất I.A.20 của dự án được điều chỉnh tăng 1.810 người; ô đất I.A.25 tăng 629 người. Năm 2017, ô đất I.A.23 tại KĐT Ciputra được điều chỉnh tăng 4.674 người so với quy hoạch trước.
Năm 2018, UBND TP. Hà Nội chấp thuận chủ trương cho phép điều chỉnh loạt ô đất và cho phép nghiên cứu song song việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu đô thị H2-1 tỷ lệ 1/2.000 và quy hoạch chi tiết KĐT Ciputra giai đoạn 2 tỷ lệ 1/500 nhằm hợp thức hóa những việc điều chỉnh lâu nay và những dự kiến trong việc điều chỉnh của chủ đầu tư.
Khoảng tháng 6/2019, hàng trăm hộ dân sống tại đã gửi đơn kiến nghị tới cơ quan chức năng, không đồng tình trước đề xuất điều chỉnh quy hoạch giai đoạn 2 của chủ đầu tư. Thời điểm đó, đại diện cư dân cho biết, chủ đầu tư đã xây dựng đồ án quy hoạch điều chỉnh trong KĐT. Theo đó, một ô đất trước quy hoạch 5 tòa nhà với chiều cao từ 5-47 tầng, được đề xuất điều chỉnh tăng thành 8 tòa cao từ 45-68 tầng. Ô đất có chức năng bãi đỗ xe xin điều chỉnh, chuyển sang hạ ngầm bãi đỗ xe và kết hợp kinh doanh thương mại, thông tin từ báo Dân trí.
Liên quan tới vấn đề người dân khiếu nại, Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu UBND TP. Hà Nội xem xét, xử lý phản ánh của báo chí về tình trạng phá vỡ quy hoạch tại khu đô thị này.
Đầu năm 2022, UBND TP. Hà Nội phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết KĐT Ciputra giai đoạn II. Các các ô đất có chức năng là đất nhà ở cao tầng, được điều chỉnh thành các ô đất nhà ở thấp tầng…
Tháng 9/2023, UBND TP. Hà Nội đã phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết KĐT Ciputra giai đoạn III, tỷ lệ 1/500 tại loạt ô đất quy hoạch, tổng diện tích khoảng 84.301m2.
Ciputra được mệnh danh là khu phố nhà giàu Hà Nội khi mới lập quy hoạch bởi nó giống như một thành phố thu nhỏ mang phong cách châu Âu, có nhiều công trình mô phỏng Hy Lạp. Ciputra hướng đến một cuộc sống tiện nghi, đẳng cấp và xa hoa, chủ yếu là những người nước ngoài và nhà giàu định cư trước khi Hà Nội có thêm các khu đô thị hiện đại trong những năm gần đây.