Mảng điện thoại và laptop đi xuống, Digiworld sẽ gia nhập ngành ô tô?

Trước biến động kinh tế toàn cầu và sức cầu tiêu dùng chưa hồi phục như kỳ vọng, lãnh đạo Digiworld cho biết doanh nghiệp sẽ gia nhập ngành hàng xe ô tô trong tương lai.

Kỳ vọng tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2025 bất chấp thị trường biến động

Công ty cổ phần Thế Giới Số (Digiworld, HoSE: DGW) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2025 vào sáng 25/4 với sự tham gia của các cổ đông sở hữu 59,47% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Tất cả các tờ trình tại đại hội đều được thông qua.

Chia sẻ tại đại hội, ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch HĐQT Digiworld cho biết năm 2024 là một năm thị trường tiêu dùng bắt đầu khởi sắc, tuy nhiên vẫn còn nhiều yếu tố bất định như suy thoái kinh tế, lạm phát, lãi suất cao và những điều chỉnh về chính sách pháp lý. Trong bối cảnh đó, Digiworld đã triển khai chiến lược đa dạng hóa ngành hàng và tiếp tục giữ vững vị thế là nhà phân phối ICT hàng đầu Việt Nam.

Bước sang năm 2025, Digiworld đặt kế hoạch doanh thu đạt 25.450 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 523 tỷ đồng, lần lượt tăng 15% và 18% so với năm trước. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất trong ba năm gần đây. Công ty dự kiến mở rộng kênh phân phối đa ngành, tìm kiếm thêm sản phẩm tiềm năng và duy trì quan hệ hợp tác với các đối tác hiện hữu.

Thông tin sơ bộ về kết quả kinh doanh quý I/2025 cho thấy doanh thu thuần đạt 5.294 tỷ đồng (tăng 6% cùng kỳ), lợi nhuận sau thuế đạt 105 tỷ đồng (tăng 14%). Đáng chú ý, biên lợi nhuận gộp được cải thiện lên 8,7% từ mức 7,8% trong quý I/2024.

Giải trình về sự sụt giảm 8% doanh thu điện thoại trong quý I/2025, lãnh đạo Digiworld cho biết đây là hệ quả của mức nền cao năm ngoái và kỳ nghỉ Tết đến sớm khiến phần lớn hàng hóa được tiêu thụ vào tháng 12/2024. Ngoài ra, sức cầu của thị trường điện thoại đang có dấu hiệu chững lại và nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì xu hướng này trong quý II. Ở chiều ngược lại, mảng laptop được dự báo sẽ tăng trưởng tích cực nhờ vào mùa tựu trường. Biên lợi nhuận gộp quý I/2025 tăng đáng kể nhờ tái cơ cấu ngành hàng.

Theo ông Việt, thực tế sức mua mảng điện thoại và laptop trong 4 tháng đầu năm gần như đi ngang và suy giảm. Xu hướng tương tự dự báo tiếp tục diễn ra trong quý II. Mức tăng trưởng của Digiworld chủ yếu đến từ việc chiếm thêm thị phần, cũng như xu hướng cao cấp hóa (giá bán cao hơn) sản phẩm.

Trong quý II tới, Digiworld sẽ chính thức phân phối sản phẩm gia dụng của thương hiệu Cuckoo (Hàn Quốc), trong đó nồi cơm điện cao cấp (giá từ 4 triệu đồng trở lên) được kỳ vọng là mặt hàng chủ lực.

Về phương án phân phối lợi nhuận, HĐQT trình phương án chia cổ tức năm 2024 với tỷ lệ 5% bằng tiền mặt (500 đồng/cp), tổng giá trị chi trả ước tính gần 110 tỷ đồng. Với năm 2025, tỷ lệ cổ tức sẽ được quyết định trong các kỳ họp cổ đông tới.

Cùng với đó, công ty cũng trình phương án phát hành 2 triệu cổ phiếu ESOP cho người lao động với giá 10.000 đồng/cp, thấp hơn 73% so với thị giá chốt phiên ngày 31/1/2025. Cổ phiếu ESOP sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ ngày phát hành.

Mảng điện thoại và laptop đi xuống, Digiworld sẽ gia nhập ngành ô tô? - Ảnh 1

Không bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế Mỹ

Tại đại hội, ông Đoàn Hồng Việt thừa nhận thị trường tiêu dùng năm 2025 có thể không tăng trưởng như kỳ vọng. Tuy nhiên, Digiworld vẫn theo đuổi mục tiêu tăng trưởng thông qua việc chiếm lĩnh thêm thị phần và mở rộng danh mục sản phẩm. Với nền kinh tế Việt Nam được kỳ vọng bước vào chu kỳ tăng trưởng mới, Digiworld tin rằng các doanh nghiệp niêm yết như công ty sẽ là nhóm hưởng lợi đầu tiên và sẵn sàng tăng tốc để nắm bắt cơ hội.

Ông Việt cũng nhấn mạnh rằng tỷ lệ nợ vay ròng trên vốn chủ sở hữu của Digiworld hiện là 1,5 lần, song điều này cần được đánh giá trong mối tương quan với lượng tiền mặt 1.500 tỷ đồng mà công ty đang nắm giữ. Sau khi khấu trừ, tỷ lệ nợ vay thực chất chỉ còn khoảng 50%, được ông Việt đánh giá là an toàn trong bối cảnh hiện nay.

Về cơ cấu doanh thu, Xiaomi hiện chiếm khoảng 30% tổng doanh thu của Digiworld, với các mặt hàng bao gồm điện thoại, thiết bị IoT và điện gia dụng. Trước những bất ổn toàn cầu, Chủ tịch Digiworld cho rằng đây chính là thời điểm để phát huy sức mạnh vận hành linh hoạt của doanh nghiệp – yếu tố đã giúp công ty vượt qua nhiều giai đoạn khó khăn như khủng hoảng tài chính 1997, lạm phát 2009 hay đại dịch Covid-19.

Theo ông Việt, Digiworld không sở hữu nhiều tài sản cố định và chi phí cố định thấp, do đó có thể nhanh chóng điều chỉnh mô hình hoạt động khi thị trường biến động. Công ty chưa từng ghi nhận lỗ quý nào kể từ khi thành lập.

Định hướng năm 2025, Digiworld đẩy mạnh chiến lược "Speed up", mở rộng danh mục sản phẩm, liên tục bổ sung các nhãn hàng và ngành hàng mới để tạo đà tăng trưởng, đặc biệt khi nhiều đối thủ trên thị trường đang thu hẹp quy mô hoạt động.

Digiworld hiện áp dụng mô hình "Build to order", chỉ đặt hàng từ nhà sản xuất sau khi đã có đơn đặt hàng từ thị trường. Thời gian giao hàng trung bình khoảng 8 tuần, và công ty duy trì hàng tồn kho tương ứng với khoảng thời gian này. Với khoảng 10.000 mã sản phẩm đang được quản lý, năng lực kiểm soát tồn kho được xem là một rào cản lớn cho các đối thủ muốn gia nhập ngành.

Ngoài ra, công ty duy trì cơ chế trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho định kỳ, qua đó phản ánh trung thực rủi ro và khả năng thu hồi giá trị hàng tồn trên báo cáo tài chính.

Đáng chú ý, ông Việt cho biết sẽ gia nhập ngành hàng xe ô tô trong “tương lai không quá xa”. Chủ tịch Digiworld nói rằng đội ngũ đang trong quá trình thương thảo và sẽ thông tin chi tiết hơn đến cổ đông khi thích hợp.

Trước lo ngại từ cổ đông về khả năng ảnh hưởng của các chính sách thuế quan từ Mỹ, ông Việt cho rằng đây chỉ là công cụ thương lượng trong đàm phán thương mại và khó có khả năng duy trì ở mức cao lâu dài. Digiworld hiện không xuất khẩu, mà phục vụ hoàn toàn thị trường nội địa, nên tác động trực tiếp là không đáng kể. Tuy nhiên, công ty vẫn theo dõi rủi ro gián tiếp đến từ việc suy giảm tiêu dùng do sức mua yếu đi.

Thành Nhân

Theo VietnamFinance