May Thành Công: Khởi động TC Tower 70 triệu USD sau 1 thập kỷ chậm trễ

Dự án TC Tower được lên kế hoạch khởi công xây dựng vào năm 2014, tuy nhiên sau 1 thập kỷ, TCM vẫn đang loay hoay với câu chuyện pháp lý.

May Thành Công tái khởi động dự án TC Tower

Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (HoSE: TCM) vừa phê duyệt quyết định thông qua phương án lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về chủ trương đầu tư dự án TC Tower tại địa chỉ số 37 Tây Thạnh, quận Tân Phú, TP. HCM, được thực hiện bởi Công ty TNHH TC Tower – công ty con của TCM.

Cụ thể, TCM dự kiến điều chỉnh tổng vốn đầu tư của dự án TC Tower thành gần 1.732 tỷ đồng (hơn 70 triệu USD), tương đương 47% tổng giá trị tài sản công ty theo báo cáo tài chính riêng đã soát xét 6 tháng đầu năm 2024, trong đó tối thiểu vốn góp thực hiện dự án là 20% tổng vốn đầu tư. Tổng vốn đầu tư thực hiện trên thực tế tối đa không quá 50% tổng giá trị tài sản công ty theo báo cáo tài chính riêng đã soát xét nửa đầu năm.

TCM xin ý kiến cổ đông để uỷ quyền cho HĐQT thực hiện triển khai dự án, quyết định tổng vốn đầu tư, vốn góp thực hiện thực tế theo chủ trương được ĐHĐCĐ thông qua; đồng thời tìm kiếm, lựa chọn đối tác, phê duyệt các hợp đồng, giao dịch và quyết định phương án huy động vốn cụ thể.

Phối cảnh dự án TC Tower
Phối cảnh dự án TC Tower

Cùng với đó, TCM cũng quyết định tăng vốn điều lệ cho Công ty TC Tower – đơn vị thực hiện dự án thêm 4,5 tỷ đồng lên mức 142,32 tỷ đồng. Ông Han Kwang Taek được bổ nhiệm làm người đại diện phần vốn góp tại Công ty TC Tower thay cho ông Lee Hyoung Kyu.

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, TCM được cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án TC Tower từ UBND TP. HCM vào ngày 4/11/2014. Theo đó, UBND cho phép TCM đầu tư vào Dự án khu nhà ở chung cư cao tầng kết hợp thương mại dịch vụ (TC Tower) tại số 37 đường Tây Thạnh, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TP. HCM với diện tích đất sử dụng là 9.898m2.

Giấy chứng nhận đầu tư này đồng thời là Giấy đăng ký doanh nghiệp Công ty TNHH TC Tower do hai thành viên TCM và Công ty E-land Asia Holdings Pte., Ltd góp vốn.

Công ty TNHH TC Tower có vốn điều lệ hơn 159,1 tỷ đồng. TCM góp hơn 135,8 tỷ đồng, tương đương 85,33% vốn điều lệ. Trong đó, góp bằng giá trị quyền sử dụng đất của dự án hơn 127,3 tỷ đồng và góp bằng tiền mặt gần 8,5 tỷ đồng. E-land Asia Holdings góp trên 23,3 tỷ đồng, tương đương 14,67% vốn.

Tuy nhiên, tại ngày 26/10/2022, Công ty TC Tower đã cập nhật giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi lần thứ 3, theo đó TCM đã nâng tỷ lệ sở hữu lên 100%.

Theo kế hoạch ban đầu, TC Tower có tổng vốn đầu tư hơn 962 tỷ đồng, tương đương hơn 45,3 triệu USD. Sau đó, dự án được điều chỉnh vốn đầu tư lên 65 triệu USD, và giờ là 70 triệu USD.

Được biết, dự án được lên kế hoạch khởi công xây dựng vào năm 2014, tuy nhiên sau 1 thập kỷ, TCM vẫn đang loay hoay với câu chuyện pháp lý. Ông Trần Như Tùng, Chủ tịch TCM hồi cuối năm 2023 từng cho biết doanh nghiệp rất mong muốn được thực hiện dự án này, tuy nhiên một phần do chính quyền rất thận trọng khi phê duyệt các quyết định, một phần ông Tùng tự nhận do năng lực của TCM.

Trong tài liệu trình ĐHĐCĐ thường niên nhiều năm gần đây, việc hoàn thiện thủ tục pháp lý trong thời gian nhanh nhất và khởi công dự án TC Tower luôn là một trong những hoạt động mà TCM đề cập tới mỗi năm.

Tự chủ chuỗi giá trị

Bên cạnh việc tái khởi động mảng bất động sản, trong quý II vừa qua, TCM đã tiến hành sát nhập nhà máy SY Vina với giá trị 468 tỷ đồng (19 triệu USD) tại địa bàn tỉnh Đồng Nai để tăng công suất vải và nhuộm vải. Khoản tiền này được tài trợ bằng cả tiền mặt và vốn vay ngân hàng.

Theo Công ty Chứng khoán SSI, những cân nhắc từ việc bán nhà máy Trảng Bàng và đất ở Vĩnh Long vào cuối năm nay sẽ giúp TCM cơ cấu lại bảng cân đối kế toán. SYVina dự kiến sẽ mang lại doanh thu khoảng 1 triệu USD/tháng và sẽ được gộp vào báo cáo tài chính của TCM bắt đầu từ ngày 24/6.

May Thành Công: Khởi động TC Tower 70 triệu USD sau 1 thập kỷ chậm trễ - Ảnh 1

SSI ước tính SYVina sẽ tạo ra 6% tổng doanh thu thuần của TCM vào năm 2024 và khoảng 10% doanh thu thuần của TCM vào năm 2025 (đồng thời tăng nguồn vải đầu vào tự cung cấp cho xuất khẩu hàng may mặc).

“TCM quyết định mua lại SYVina thay vì xây dựng nhà máy mới ở Vĩnh Long với chi phí ước tính 50 triệu USD. Việc mua lại SYVina của TCM nhằm mục đích xin giấy phép nhuộm vải cũng như tận dụng năng lực sản xuất vải hiện có làm đầu vào cho các đơn hàng may mặc có giá trị cao. Vị trí của SYVina cũng có thể tiết kiệm chi phí logistic và có công suất xử lý nước thải cao hơn”, các chuyên gia của SSI cho biết.

Được biết, TCM là một trong số ít những doanh nghiệp trong nước tự chủ được chuỗi giá trị từ sợi trở lên đạt 35% cũng như sở hữu các nhà máy đạt chuẩn xanh quốc tế. Giới phân tích cho rằng thương vụ M&A nhà máy SY Vina sẽ gia tăng năng lực của TCM trong khâu dệt nhuộm từ đó hướng đến việc thự c hiện các đơn hàng may mặc có giá trị cao hơn.

TCM đã nhận được 90% và 86% đơn đặt hàng cho quý III và quý IV/2024. Tuy nhiên, ban lãnh đạo lưu ý rằng giá bán bình quân gần như không được cải thiện so với năm ngoái. Trên thực tế, theo dữ liệu từ OTEXA, giá bán trung bình của hàng may mặc nhập khẩu vào Mỹ đã giảm khoảng 10% so với cùng kỳ trong 5 tháng đầu năm 2024.

SSI cho rằng xu hướng này sẽ tiếp diễn cho đến cuối năm vì mức tồn kho quần áo vẫn ở mức cao. Trong khi đơn đặt hàng bắt đầu cải thiện kể từ đầu năm, các doanh nghiệp bán lẻ vẫn thận trọng, với số lượng trên mỗi đơn hàng nhỏ hơn và thời gian thông báo đặt hàng ngắn hơn dưới 3 tháng trước khi giao hàng (trước đó là 6 tháng).

 

Hải Đường

Theo VietnamFinance