Quý II bùng nổ: Hoa Sen, Dệt may Thành Công... lợi nhuận tăng hàng chục lần
Trước thềm công bố báo cáo tài chính của doanh nghiệp niêm yết, Công ty Chứng khoán SSI đã tiết lộ một số dự báo về lợi nhuận của các doanh nghiệp trong danh mục theo dõi.
Nhiều “ông lớn” tăng trưởng bằng lần
Trong danh mục theo dõi của SSI, nhiều doanh nghiệp lớn trên sàn ước tính đạt mức tăng trưởng lợi nhuận tính bằng lần. Ở mảng bán lẻ, Công ty cổ phần Tập đoàn Masan (HoSE: MSN) ước đạt lợi nhuận ròng 400 - 500 tỷ đồng trong quý II, tăng gấp 3,8-4,3 lần so với mức nền thấp cùng kỳ năm 2023.
SSI cho rằng tăng trưởng của MSN sẽ đến từ sự cải thiện trong hoạt động kinh doanh của Wincommerce. Masan MeatLife và Masan High-Tech Materials, cũng như tăng trưởng lợi nhuận của Ngân hàng TMCP Kỹ Thương (Techcombank). Mức tăng trưởng này được dự báo sẽ tiếp diễn trong những quý tới.
Nhóm thép bao gồm 2 đại diện xuất hiện trong danh mục theo dõi của SSI là Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoà Phát (HoSE: HPG) và Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HoSE: HSG) đều có mức tăng trưởng lợi nhuận ước tính ấn tượng trong quý II.
Theo đó, SSI dự báo HPG sẽ tăng hơn gấp đôi lợi nhuận so với quý II/2023, đạt hơn 3.100 tỷ đồng nhờ sản lượng tiêu thụ tăng đáng kể hơn 40%. Tương tự, lợi nhuận của HSG cũng được dự báo tăng gấp 19 lần so với cùng kỳ, đạt khoảng 270 tỷ đồng nhờ sản lượng tiêu thụ tăng 35%.
Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (HoSE: POW) được dự báo lợi nhuận tăng gấp đôi trong quý II, đạt 378 tỷ đồng nhờ sản lượng phục hồi (tăng 20%). Dù vậy, lợi nhuận nửa đầu năm của POW có thể giảm 29% so với cùng kỳ, ước đạt 594 tỷ đồng.
Công ty cổ phần Dệt may - đầu tư - thương mại Thành Công (HoSE: TCM) là doanh nghiệp ước tính có mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế mạnh mẽ nhất trong danh mục của SSI, gấp 30 lần so với cùng kỳ năm 2023, tương đương 69 tỷ đồng. Sản lượng tiêu thụ của TCM đã phục hồi tốt kể từ đầu năm.
Đại diện cho mảng cao su, Công ty cổ phần Cao su Đồng Phú (HoSE: DPR) có thể đạt được mức tăng trưởng lợi nhuận bằng lần, gấp 2,69 lần cùng kỳ (đạt 134 tỷ đồng) chủ yếu nhờ giá cao su tăng 21% và tiền bồi thường đất khu đô thị Tiến Hưng (ước tính khoảng 60 tỷ đồng).
Bên cạnh các doanh nghiệp có lợi nhuận ước tính tăng trưởng bằng lần, phần lớn các ngân hàng trong số 13 nhà băng mà SSI theo dõi đều được ước tính lợi nhuận khả quan trong quý II vừa qua.
Trong đó, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, HoSE: VPB) là nhà băng có lợi nhuận trước thuế ước tính tăng trưởng mạnh nhất quý II, đạt 4.200 tỷ đồng tương đương tăng 60% so với cùng kỳ năm 2023 với động lực chính đến từ FE Credit. SSI cho rằng công ty tài chính này có thể đạt điểm hoà vốn trong quý này.
Các nhà băng khác có mức tăng trưởng lợi nhuận 2 chữ so với cùng kỳ là Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank, HoSE: TCB), Ngân hàng TMCP Quân đội (MB, HoSE: MBB), Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM (HDBank, HoSE: HDB), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank, HoSE: CTG), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank, HoSE: TPB) và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, HoSE: BID).
Động lực tăng trưởng chính của các nhà băng đến từ tăng trưởng tín dụng khả quan trong quý II. Hầu hết các ngân hàng nêu trên đều đã cải thiện hoặc duy trì NIM ổn định trong quý vừa qua, trừ HDBank và TPBank có phần giảm nhẹ so với quý trước.
Các nhà băng khác trong danh mục theo dõi của SSI ước tính đạt mức tăng trưởng lợi nhuận 1 chữ số là Ngân hàng TMCP Á Châu (HoSE: ACB), Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (HoSE: MSB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, HoSE: STB) và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, HoSE: VCB). Trong đó, NIM của ACB và MSB đều dự kiến giảm trong quý II. Sacombank phải chịu gánh nặng về chi phí dự phòng, còn Vietcombank ước tính giảm mức tăng trưởng huy động.
Ngoài ra, trong nhóm lợi nhuận tăng trưởng còn có sự góp mặt của Công ty Cổ phần FPT (HoSE: FPT), Tổng Công ty cổ phần Công trình Viettel (HoSE: CTR), Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (HoSE: DCM), Công ty Cổ phần Tập đoàn Hà Đô (HoSE: HDG), Công ty Cổ phần Tập đoàn Pan (HoSE: PAN), Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (HoSE: PNJ), Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long (HOSE: NLG), Công ty Cổ phần Gemadept (HoSE: GMD)…
Nhiều DN dầu khí, BĐS công nghiệp ước lãi giảm
Bên cạnh nhóm tăng trưởng, không ít doanh nghiệp trong danh mục theo dõi của SSI rơi vào nhóm lợi nhuận sụt giảm, nổi bật lên 2 ngành chính là dầu khí và bất động sản.
Nhóm bất động sản với sự góp mặt của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (HoSE: KBC, giảm 80%), Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (HoSE: KDH, giảm 75%), Công ty Cổ phần Sonadezi Châu Đức (HoSE: SZC, giảm 42%), Tổng Công ty Viglacera (HoSE: VGC, giảm 58%).
Sự sụt giảm lợi nhuận ở các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp như KBC, SZC và VGC đều do giảm diện tích cho thuê trong quý II so với cùng kỳ. Riêng VGC có tác động kép đến từ mảng kính xây dựng, ước lỗ 90 tỷ đồng trong quý II do nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh, các nhà máy hoạt động dưới giá vốn.
Ở lĩnh vực dầu khí, 5 doanh nghiệp trong mảng này được gọi tên trong nhóm lợi nhuận sụt giảm ước tính bởi SSI là Công ty Cổ phần Lọc hóa Dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR), Tổng Công ty Khí Việt Nam (HoSE: GAS), Công ty Cổ phần Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (HoSE: NT2), Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (HoSE: PVD), Tổng công ty cổ phần Vận tải Dầu khí (HoSE: PVT).
BSR là doanh nghiệp được dự báo có mức sụt giảm lợi nhuận mạnh nhất trong nhóm này, giảm 70% so với cùng kỳ do Nhà máy lọc dầu Dung Quất tạm dừng hoạt động trong tháng 4 để bảo dưỡng định kỳ và chênh lệch giá crack thu hẹp. NT2 cũng được dự báo có mức giảm lợi nhuận khá mạnh, từ 32-66%, đạt khoảng 50-100 tỷ đồng. Tuy nhiên, do quý I lỗ nặng, NT2 sẽ vẫn ghi nhận lỗ khoảng 58-108 tỷ đồng trong nửa đầu năm.
Các doanh nghiệp dầu khí khác như GAS ước tính lợi nhuận sụt giảm 18% do sản lượng tiêu thụ khí khô giảm, PVD giảm 3% do lỗ tỷ giá, PVT giảm 18% do không còn ghi nhận lợi nhuận bất thường.
Các doanh nghiệp còn lại trong nhóm lợi nhuận ước tính sụt giảm là Tổng Công ty cổ phần Bưu chính Viettel (HoSE: VTP), Công ty Cổ phần Traphaco (HoSE: TRA), Công ty Cổ phần Sợi Thế Kỷ (HoSE: STK), Tập đoàn Hoá chất Đức Giang (HoSE: DGC), Ngân hàng TMCP Phương Đông (HoSE: OCB) và Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (HoSE: VIB).