Miền Nam Việt Nam sẽ có thêm một TP trực thuộc Trung ương
Theo quy hoạch, địa phương này sẽ trở thành TP trực thuộc Trung ương vào năm 2030.
Mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký ban hành Quyết định số 790/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo quyết định nêu trên, đến năm 2030 tỉnh Bình Dương không chỉ sẽ trở thành một thành phố trực thuộc Trung ương mà còn là một trong những trung tâm phát triển sôi động và toàn diện nhất khu vực Đông Nam Á.
Bên cạnh đó, quy hoạch này cũng nêu rõ: Bình Dương sẽ dẫn đầu trong lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, đồng thời nổi bật với vai trò trung tâm công nghiệp và dịch vụ hiện đại.
Những mục tiêu cụ thể
Về mục tiêu kinh tế cụ thể đến năm 2030, Bình Dương đặt mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình khoảng 10% mỗi năm. GRDP bình quân đầu người dự kiến sẽ đạt khoảng 15.800 USD (gần 400 triệu đồng) vào năm 2030.
Theo dự báo, cơ cấu kinh tế của tỉnh sẽ như sau: ngành công nghiệp và xây dựng chiếm 64%, dịch vụ chiếm 28%, nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 2% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 6%. Tỷ lệ đô thị hóa dự kiến sẽ đạt từ 88-90%, kinh tế số sẽ đóng góp khoảng 30% vào GRDP.
Cùng với kinh tế, mục tiêu dân số của Bình Dương là đạt 4,04 triệu người vào năm 2030, với 3,48 triệu người sống chính thức và 0,56 triệu người dân số quy đổi. Đồng thời, tỷ lệ lao động được đào tạo sẽ vượt 87%, trong đó 40% có bằng cấp. Hơn 80% các trường học sẽ đạt chuẩn quốc gia.
Mảng y tế của tỉnh cũng sẽ được cải thiện, với tỷ lệ bác sĩ là 19 bác sĩ trên 10.000 dân và số giường bệnh là 35 giường trên 10.000 dân. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế sẽ vượt 95% và tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều mới sẽ giảm xuống dưới 1%.
5 nhiệm vụ trọng tâm
Để đạt được những mục tiêu vừa nêu ở trên, quy hoạch đặt ra 5 nhiệm vụ trọng tâm và các khâu đột phá phát triển.
Trước tiên, Bình Dương cần hợp tác với các chương trình phát triển quốc gia, khu vực Đông Nam Bộ và các tỉnh lân cận để mở rộng kết nối giao thông. Đặc biệt, cần tập trung vào việc kết nối với các cảng biển như Cái Mép Thị Vải và Cần Giờ, các cảng hàng không quốc tế như Tân Sơn Nhất và Long Thành và các cửa khẩu quốc tế như Mộc Bài và Hoa Lư.
Tiếp đó, tỉnh sẽ chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ việc mở rộng sang việc phát triển chiều sâu bằng cách áp dụng đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ hiện đại và chuyển đổi số trong sản xuất và quản lý để nâng cao chất lượng và hiệu quả của tăng trưởng.
Thứ ba, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh sẽ được ưu tiên thông qua đào tạo chất lượng cao, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và xây dựng cơ chế để thu hút và trọng dụng nhân tài.
Đối với nhiệm vụ thứ tư, Bình Dương sẽ chú trọng vào phát triển kinh tế xanh, bao gồm sản xuất xanh, tiêu dùng xanh, giao thông xanh và các yếu tố xanh khác trong đô thị và nông thôn. Điều này sẽ được thực hiện nhờ sự hỗ trợ của khoa học công nghệ, tạo ra một nền kinh tế hòa hợp với môi trường.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ chia thành ba khu vực động lực để phát triển: Khu vực 1 (TP. Thuận An và TP Dĩ An) sẽ tập trung vào cải tạo đô thị cũng như di dời các cơ sở công nghiệp cũ và ô nhiễm lên phía Bắc của tỉnh; khu vực 2 (TP. Thủ Dầu Một, TP. Tân Uyên, TP. Bến Cát và huyện Bàu Bàng) sẽ phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo và công nghệ tiên tiến, xây dựng đô thị thông minh và dịch vụ cộng đồng cấp vùng; khu vực 3 (Bắc Tân Uyên, Phú Giáo, Dầu Tiếng) sẽ hình thành các khu công nghiệp mới, phát triển mô hình đô thị - công nghiệp - dịch vụ sinh thái và bảo tồn các hành lang sinh thái quan trọng.
Đồng thời, Bình Dương cũng sẽ mở rộng và phát triển các khu đô thị và dịch vụ mới tại các thành phố lớn như Tân Uyên, Thủ Dầu Một, Dĩ An và Thuận An. Các hoạt động logistics sẽ được chuyển sang khu vực dọc Vành đai 4, mạng lưới giao thông công cộng sẽ được mở rộng theo định hướng giao thông công cộng (TOD).