Minh Nhựa đệ đơn ly hôn vợ
Trước việc đại gia Minh Nhựa đệ đơn ly hôn vợ, luật sư cho rằng đại gia này sẽ bị xử lý về vi phạm luật hôn nhân gia đình.
Dư luận xôn xao trước sự việc ông Phạm Trần Nhật Minh (38 tuổi), thường gọi "đại gia Minh Nhựa" đề nghị tòa án tuyên bố vợ là bà N.T.P.T (39 tuổi) mất tích, sau khi ông này đệ đơn ly hôn.
Bà Thúy là vợ hợp pháp của "đại gia Minh Nhựa". Hai người có ba người con. Theo đơn ly hôn của ông Minh, 2 vợ chồng ông kết hôn từ năm 2002, nhưng đời sống hôn nhân mâu thuẫn trầm trọng.
Về 3 con chung, một người đã lớn và lập gia đình riêng còn 2 người con nhỏ đang ở với bà T., ông Minh tự nguyện chu cấp 50 triệu đồng/tháng/cháu. Về tài sản chung, theo ông Minh, các bên không có tài sản chung nên không yêu cầu tòa giải quyết.
Ngoài ra, trong quá trình thụ lý, giải quyết án ly hôn, đại gia Minh nhựa có đơn yêu cầu tòa tuyên bố vợ mình "mất tích".
Đại gia Minh nhựa |
Theo ông Minh, bà T. đã rời khỏi nơi cư trú hơn 8 năm nay, hiện không xác định được nơi ở của bà T. nên ông Minh đề nghị tòa giải quyết ly hôn trong trường hợp tuyên bố bà T. mất tích.
Bình luận trước vụ việc này, luật sư Trương Xuân Tám chia sẻ: "Việc đại gia Minh Nhựa chưa ly hôn với vợ và sống chung như vợ chồng với người phụ nữ khác là vi phạm chế độ một vợ một chồng. Nếu chưa hoàn tất thủ tục ly hôn mà cán bộ tư pháp cho đại gia này đăng ký kết hôn với người khác là làm sai pháp luật.
Tuy nhiên việc đại gia này sống như vợ chồng với người khác phải có người tố cáo hoặc tổ chức xã hội như Hội phụ nữ, bảo vệ quyền lợi trẻ em hoàn toàn có thể lên tiếng.
Nếu họ chung sống với nhau, hậu quả có con là chứng cứ không thể chối cãi, cộng thêm với việc hàng xóm xác nhận họ có chung sống với nhau trong khi người đàn ông chưa ly hôn là đủ bằng chứng chứng minh vi phạm của đại gia này.
Với hành vi này, đại gia có thể bị xem xét xử lý hình sự vì vi phạm chế độ một vợ một chồng hoặc có thể chỉ bị xử phạt hành chính".
"Nếu hành vi trên gây nên hậu quả nghiêm trọng, hoặc để 1 bên khổ vì cuộc hôn nhân đau khổ đó, có người nào vì cuộc hôn nhân đó phải tự tử thì hoàn toàn có thể bị xử lý nặng" -luật sư Trương Xuân Tám phân tích.
Theo luật sư Tám nhận định, việc đại gia muốn ly hôn nhưng không tìm thấy vợ ở đâu thì vẫn phải làm thủ tục ly hôn. Hiện có thể toà án sẽ thụ lý hai vụ việc khác nhau, một vụ nói vợ mất tích thuộc về vụ việc dân sự và vụ thứ hai là ly hôn.
Với vụ việc thứ nhất, khi thấy không còn tin tức của vợ, quá 2-3 năm hoàn toàn có thể yêu cầu tuyên bố vợ mất tích, sau đó vài năm nữa có thể tuyên bố tử vong. Nếu không có tin tức, thông tin của vợ thì mới được công nhận vợ đã chết và chồng lúc này mới được lấy vợ khác.
Vụ thứ hai là vụ ly hôn, toà án sẽ niêm yết nơi cư trú của bị đơn. Nếu cố tình không ra thì toà sẽ giải quyết vắng mặt.