Môi giới dự án ''ma'' Felicia City Bình Phước mạo danh Tập đoàn lớn để lừa khách hàng?
Môi giới giả danh Tập đoàn Vạn Phúc, một trong những Tập đoàn bất động sản hàng đầu TP.HCM để rao bán dự án ''ma'' Felicia City Bình Phước.
Giả mạo website, ngụy tạo “ông lớn” để bán dự án ''ma'' Felicia City
Mới đây, trên một website có tên miền Vanphucgroup.com đã đăng tải thông tin quảng cáo về dự án Felicia City Bình Phước. Điều đáng nói, phía trên mục quảng cáo dự án này được gắn logo của Tập đoàn Bất động sản Vạn Phúc (Vạn Phúc Group) - chủ đầu tư của dự án Khu đô thị Vạn Phúc, đồng thời là doanh nghiệp với hơn 25 năm kinh nghiệm cùng quỹ đất lên tới 400 ha tại TP.HCM.
Qua tìm hiểu của PV, website Vanphucgroup.com là giả mạo. Hiện website chính thức của Tập đoàn Vạn Phúc là Vanphucgroup.vn. Khách hàng có thể phân biệt 2 website này thông qua tên miền và các thông tin, hình ảnh đăng tải hoàn toàn khác nhau. Cụ thể, website chính thức của Tập đoàn Vạn Phúc có hình ảnh được chụp rõ nét, thông tin giới thiệu rõ ràng. Đặc biệt là những thông tin về dự án Khu đô thị Vạn Phúc được đăng tải sinh động, ngoài ra không có thông tin về bất cứ dự án nào ở các tỉnh khác.
Bà Hương Nguyễn - Tổng Giám đốc Đại Phúc Land cũng khẳng định các thông tin trên hoàn toàn là giả mạo, không liên quan đến Tập đoàn. “Tôi khẳng định VanPhuc group trong 25 năm vừa qua tất cả các dự án phát triển chỉ ở trong nội thành TP.HCM với mục tiêu phục vụ nhu cầu ở thật, không có bất kỳ dự án nào ở các tỉnh thành khác. Do đó, nếu ở đâu xuất hiện thông tin dự án ở tỉnh gắn mác VanPhuc group thì khách hàng có thể khẳng định ngay là giả mạo. Hiện nay Tập đoàn chỉ đang triển khai duy nhất dự án VanPhuc City tại phường Hiệp Bình Phước, TP.Thủ Đức. Khách hàng cần phải hết sức thận trọng với những hình thức lừa đảo như trên”, bà Hương cho biết.
Năng lực tài chính chủ đầu tư Mỹ Lệ ngày càng xuống dốc, nhiều năm liền không có doanh thu
Về chủ đầu tư, Công ty TNHH Mỹ Lệ, tiền thân là doanh nghiệp tư nhân Mỹ Lệ do bà Phạm Thị Mỹ Lệ (SN 1958) thành lập vào năm 1993 tại Xã Long Hưng, Phước Long, Bình Phước. Bà Mỹ Lệ từng giữ vai trò là Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa VIII (nhiệm kỳ 2014 - 2019); đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước khóa XIII (2011-2016), Chủ tịch Hội Nữ doanh nhân tỉnh Bình Phước...
Trong đăng ký kinh doanh được thay đổi lần gần nhất vào tháng 9 năm 2018, Công ty TNHH Mỹ Lệ được chính thức thành lập từ đầu năm 1998 với đăng ký ngành nghề sản xuất chế biến và xuất nhập khẩu nhân hạt điều. Sản phẩm của công ty đã được phân phối tới nhiều thị trường nước ngoài khó tính. Bên cạnh sản phẩm hạt điều, công ty còn sản xuất và chế biến chè với thương hiệu chè Mỹ Lệ.
Bà Phạm Thị Mỹ Lệ đã qua đời giữa năm 2018 nhưng trước thời điểm này, Công ty TNHH Mỹ Lệ đã có cơ cấu cổ đông bao gồm 2 thành viên là bà Lệ và con gái là bà Trần Mỹ Tâm với tỷ lệ lần lượt 89,9% và 11,1%. Tổng vốn điều lệ là 135 tỷ đồng.
Sau biến cố bất ngờ năm 2018 với cổ đông chính là bà Mỹ Lệ, cơ cấu cổ đông của công ty đã có sự thay đổi. Số cổ phần của bà Lệ đã được chia lại cho các con cháu, tổng vốn điều lệ vẫn là 135 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông lúc này như sau: bà Trần Mỹ Tâm, bà Trần Thị Xuân Hiền, ông Trần Văn Hoa, ông Trần Đức Huy mỗi người nhận 17,78% cổ phần. 2 người cháu là Lê Tân Phú Quang và Lê Trần Minh Châu dưới sự giám hộ của ông Lê Tân Minh, đều được nắm giữ 8,89%.
Nhìn lại quá trình kinh doanh, trong năm 2016, Công ty Mỹ Lệ - TNHH vẫn còn sản xuất hoạt động bình thường với doanh thu ghi nhận đạt 283,3 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 16,6 tỷ đồng. Tổng tài sản của công ty đạt 571,7 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 80,9 tỷ đồng. Trong 1 năm sau đó, dù quy mô vốn công ty không đổi nhưng đơn vị này đã không còn phát sinh doanh thu.
Sang đến năm 2018, dù vẫn còn đang hoạt động nhưng giá trị tài sản của đơn vị này bỗng “bốc hơi” và chỉ còn lại đúng số vốn chủ sở hữu là 135 tỷ đồng trên sổ sách. Liên tục các năm từ 2017 - 2019, doanh nghiệp này khai báo không có doanh thu. Câu chuyện khai báo này thực tế như thế nào Reatimes sẽ trở lại trong bài sau.
Thực tế, khi so sánh mặt bằng giá đất nền chung tại khu vực Bình Phước cho thấy đây là dự án có mức giá rẻ thuộc hàng nhất tỉnh. Tuy nhiên, để quyết định mua đất tại dự án này, khách hàng phải “dũng cảm” đối mặt với nhiều rủi ro về năng lực tài chính của chủ đầu tư cũng như việc dự án vẫn còn nợ tiền sử dụng đất.
Theo các chuyên gia, việc câu kéo khách hàng đến dự án bằng cách dùng uy tín của một thương hiệu khác là một hình thức quảng cáo gian dối. Bởi nếu một dự án chất lượng, được đầu tư bài bản và được phát triển bởi một chủ đầu tư uy tín thì sẽ không thể nào xảy ra trường hợp “dựa hơi” doanh nghiệp khác để PR. Do đó, khách hàng cần hết sức cảnh giác với những trường hợp có dấu hiệu “lừa đảo” như trên để tránh hậu họa về sau.