Một công ty bất động sản lớn sắp vỡ nợ, nhà đầu tư Trung Quốc rơi vào thế 'ngàn cân treo sợi tóc'

Nhà đầu tư của China Fortune Land Development Co. Ltd. đang trong tình trạng xôn xao khi lo ngại về khả năng thanh toán nợ của công ty này, trong bối cảnh Bắc Kinh tăng cường nỗ lực giảm thiểu rủi ro trong lĩnh vực bất động sản.

Một công ty bất động sản lớn sắp vỡ nợ, nhà đầu tư Trung Quốc rơi vào thế 'ngàn cân treo sợi tóc' - Ảnh 1

Theo Bloomberg, trái phiếu định danh bằng đồng USD của nhà phát triển bất động sản này đã giảm xuống mức thấp kỷ lục trong ngày hôm nay, một trong số đó đã hồi phục nhưng một khoản trái phiếu đáo hạn năm 2024 vẫn giảm ở mức 53,5 cent tính đến khoảng 4 giờ ngày hôm nay (giờ Việt Nam). Cuối năm ngoái, loại trái phiếu này có giá khoảng 86 cent. Trong khi đó, trái phiếu giao dịch trong nước của công ty này cũng lao dốc mạnh, với một trái phiếu đáo hạn vào tháng 12/2025 đã giảm 58% xuống mức 43 CNY.

Ở phiên giao dịch ngày hôm nay, cổ phiếu của China Fortune Land Development Co. Ltd. mất 3,2% và rơi 48% trong 12 tháng qua. Theo đó, đây là mã có diễn biến kém nhất trong chỉ số CSI 300.

Một công ty bất động sản lớn sắp vỡ nợ, nhà đầu tư Trung Quốc rơi vào thế 'ngàn cân treo sợi tóc' - Ảnh 2

Một trong số các khoản trái phiếu USD của China Fortune Land đã rơi xuống mức thấp chưa từng thấy.

Mối lo ngại về tình hình tài chính của China Fortune Land Development Co. Ltd. bắt đầu xuất hiện khi Bắc Kinh cân nhắc về động thái kiểm soát chặt chẽ hơn đối với rủi ro tài chính của ngành này – vốn là hậu quả của nhiều năm đi vay nặng lãi. Theo đó, một số khoản trái phiếu USD của công ty này rơi vào tình trạng vỡ nợ ngay cả sau khi công ty mẹ đã chuyển tiền để thanh toán tổng cộng 1,4 tỷ CNY để mua lại các khoản trái phiếu trong nước đáo hạn vào ngày 11/1.

Số liệu được Bloomberg tổng hợp cho thấy, nhà phát triển bất động sản này cùng các công ty con cần phải trả hoặc tái cấp vốn khoảng 4,4 tỷ USD cho các khoản nợ trong và ngoài nước trong năm nay, vốn chiếm khoảng 40% tổng giá trị trái phiếu của họ.

Owen Gallimore – trưởng nhóm chiến lược tín dụng tại Australia & New Zealand Banking Group Ltd., nhận định: “Đây chính là ‘cột thu lôi’ cho các chính sách hạn chế mới và làm gia tăng nỗi sợ hãi, ví dụ như chính sách ‘3 lằn ranh đỏ’ nhằm hạn chế tỷ lệ nợ của các nhà phát triển bất động sản và hoạt động cho vay của các ngân hàng.”

Ông nói thêm rằng, những mối lo ngại của nhà đầu tư về khả năng trả nợ trong tương lai của China Fortune Land và liệu cổ đông quan trọng là Ping An Insurance Group có thể tiếp tục hỗ trợ tài chính hay không cũng là nguyên nhân khiến trái phiếu bằng đồng USD lao dốc. Gallimore cho hay: “Có những ý kiến lo ngại rằng công ty này có thể là ‘nạn nhân’ đầu tiên trong động thái thắt chặt chính sách của Băc Kinh.”

China Fortune Land không đưa ra bình luận về sự việc này.

Công ty bất động sản với những khoản nợ lớn của Trung Quốc một lần nữa phải hứng chịu sự giám sát chặt chẽ. Sự việc diễn ra sau khi China Evergrande Group – nhà phát triển bất động sản nợ nhiều nhất thế giới, khiến thị trường tài chính nước này rơi vào tình trạng hỗn loạn trong thời gian ngắn, do lo ngại về cuộc khủng hoảng tiền mặt hồi cuối tháng 9.

Bắc Kinh hiện đang có kế hoạch mở rộng một chương trình thử nghiệm nhằm hạn chế rủi ro tài chính trong lĩnh vực bất động sản bằng cách đưa thêm nhiều công ty vào danh sách theo dõi. Trong đó bao gồm 12 nhà phát triển lớn cần đáp ứng các tiêu chí được gọi là “3 lằn ranh đỏ” nếu họ muốn tái cấp vốn. Cụ thể, giới chức nước này đặt giới hạn về số nợ mà họ có thể nắm giữ liên quan đến tiền mặt, giá trị tài sản và tỷ lệ vốn chủ sở hữu trong doanh nghiệp của họ Tháng trước, các nhà quản lý nước này cũng đưa ra quyết định chưa từng có về việc áp đặt giới hạn về hoạt động cho vay của các ngân hàng đối với các nhà phát triển bất động sản.

Ping An hiện là cổ đông lớn thứ hai của China Fortune Land. Do đó, theo Zhi Wei Feng – nhà phân tích tín dụng cấp cao tại Loomis Sayles Investments Asia, nếu có bất kỳ mối nghi ngại nào về sự hỗ trợ của Ping đối với công ty này, thị trường có thể sẽ cực kỳ lo sợ. Bà nói, sự kiên nhẫn của nhà đầu tư đang giảm dần và mức giá hiện tại của trái phiếu phản ánh “sự lo ngại cực độ” đối với khả năng hoặc mức độ sẵn sàng thanh toán nợ của công ty.

 

LỤC LAM (Tham khảo Bloomberg)

Theo Kinh doanh và phát triển