Một công viên quy mô tại TP. HCM sắp được ‘lột xác’, hạ tầng 'sát sườn' dự án được khai thác hết tiềm năng
Cùng với việc chỉnh trang công viên này, hạ tầng của TP. HCM cũng sẽ được nâng cao khi khai thác tối đa tiềm năng giao thông đường thủy của nơi đây.
Mới đây, Sở Giao thông Vận tải TP. HCM đã yêu cầu Công ty TNHH Thường Nhật báo cáo cụ thể phương án khai thác hoạt động kinh doanh tại khu vực bến tàu thủy Bạch Đằng (quận 1) do doanh nghiệp này thực hiện đầu tư. Qua đó, căn cứ văn bản chỉ đạo của UBND TP. HCM về việc triển khai quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 công viên bến Bạch Đằng để đề xuất lộ trình, tiến độ thực hiện sắp xếp, di dời sau khi quy hoạch được phê duyệt.
Theo báo cáo về thiết kế xây dựng và quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật của nhà đầu tư với 2 tuyến buýt sông Bạch Đằng - Lò Gốm và Bạch Đằng - Linh Đông nhà đầu tư đã thực hiện thiết kế cầu bến theo tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành đối với phần dưới nước của 5 bến gồm Bạch Đằng, Bình An, Thanh Đa, Hiệp Bình Chánh và Linh Đông. Với phần nhà chờ trên bờ, Sở Xây dựng TP. HCM chưa thực hiện thẩm định do các bến chưa được giao thuê đất để đầu tư xay dựng. Các bến này đã thi công xây dựng nhà chờ tạm để phục vụ hành khách. Đối với phần nhà chờ trên bờ, Sở Xây dựng TP. HCM chưa thực hiện thẩm định do các bến chưa được giao thuê đất để đầu tư xây dựng. Hiện 5 bến đã thi công xây dựng nhà chờ tạm để phục vụ hành khách.
Với bến tàu thủy Bạch Đằng, nhà đầu tư đã thực hiện một số hạng mục, trong đó có nhà chờ đón trả khách và nhà chờ bến Vườn Kiểng.
Ngoài ra, chủ đầu tư là Công ty Thường Nhật đã tự thực hiện cải tạo, chỉnh trang hai khu nhà dịch vụ lắp ghép, trong đó một là khu nhà dịch vụ phía hạ lưu nhà chờ bằng mái tôn, vách kính và một là khu nhà dịch vụ phía thượng lưu nhà chờ bằng mái bê tông, vách kính.
Theo Sở Giao thông Vận tải TP. HCM, việc chỉnh trang hạ tầng khu vực công viên bến Bạch Đằng thời gian qua đã mang lại hiệu quả khi thu hút nhiều người dân và du khách đến với nơi đây. Việc chỉnh trang khu vực công viên bến Bạch Đằng và xây dựng các bến thủy nội địa mới sẽ phát huy tiềm năng giao thông đường thủy, góp phần giảm tải cho giao thông đường bộ và phát triển du lịch đường thủy của thành phố.
Bên cạnh đó, TP. HCM cũng đang triển khai nhiều dự án kè và thực hiện đề án Phát triển bờ kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông TP.HCM giai đoạn 2025 - 2030. Sở Giao thông Vận tải TP. HCM cũng đã thực hiện công bố mép bờ cao quy hoạch các tuyến sông có chức năng giao thông thủy trên địa bàn thành phố.
Mục tiêu là để phòng, chống lấn chiếm bờ sông, tạo quỹ đất dọc sông để xây dựng các hệ thống hạ tầng kỹ thuật dọc sông.