'Mùa xuân đẹp nhất của vàng đã qua', khó có thể tạo sóng như trước
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, 'mùa xuân đẹp nhất của vàng đã qua' và nhà đầu tư không nên lướt sóng vàng ở thời điểm hiện tại.
Mùa xuân đẹp nhất đã qua
Kết thúc phiên giao dịch tuần 1/7 – 7/7, giá vàng nhẫn trong nước bất ngờ tăng vọt, lên mức 75,65 – 76,95 triệu đồng/lượng. Với đà tăng này, giá vàng nhẫn hiện chỉ còn cách giá vàng miếng SJC khoảng 30.000 đồng. Đây cũng là lần hiếm hoi chênh lệch giá vàng nhẫn và giá vàng miếng được thu hẹp xuống mức này.
Sự bứt tốc của giá vàng nhẫn trong nước được hỗ trợ bởi đà tăng của giá vàng thế giới. Chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng thế giới tăng gần 33 USD, lên mốc 2.388 USD/ounce, mức cao nhất trong vòng hơn 1 tháng qua. Giá vàng thế giới tăng nhờ báo cáo việc làm Mỹ yếu đi, ủng hộ kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất trong tháng 9 tới.
Trái với đà tăng của giá vàng nhẫn, giá vàng miếng SJC vẫn “giậm chân tại chỗ” khi tiếp tục neo ở mức 76,98 triệu đồng/lượng. Giá vàng miếng SJC đã không thay đổi trong vòng hơn một tháng qua.
Mặc dù đã hạ nhiệt, không còn tạo cơn sốt như trước nhưng vàng vẫn là kênh đầu tư có hiệu suất tốt nhất trong 6 tháng đầu năm 2024.
Ông Trần Ngọc Báu – CEO CTCP Dữ liệu và Công nghệ tài chính WiGroup cho biết, trong nửa đầu năm 2024, vàng nhẫn là kênh đầu tư có hiệu suất tốt nhất khi giá vàng nhẫn tăng tới gần 22%. Xếp sau đó là cổ phiếu với mức tăng 10,04%, trái phiếu doanh nghiệp với mức tăng 7,84%.
Vàng miếng SJC, mặc dù chỉ tăng giá hơn 4% nhưng vẫn mang lại hiệu suất đầu tư tốt hơn một số kênh khác như USD (tăng 3,99%), trái phiếu chính phủ (tăng 2,89%) hay tiền gửi (tăng 2,42%) trong 6 tháng đầu năm 2024.
Trước tình hình hiện tại, ông Báu cho rằng “mùa xuân đẹp nhất của vàng đã đi qua”. Song, cũng theo vị chuyên gia này, “làn gió xuân” mới của vàng sẽ sớm xuất hiện khi xu hướng tích trữ vàng của các ngân hàng trung ương vẫn tiếp tục tăng và Fed khả năng sẽ cắt giảm lãi suất trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Vietnam cũng nhận định vàng là tài sản nên nắm giữ khi có những bất ổn về kinh tế, chính trị nhưng giai đoạn bất ổn nhất cũng đã qua nên dư địa để giá vàng tăng hơn nữa không còn nhiều.
Có nên tiếp tục đầu tư vào vàng?
Trong chia sẻ với VietnamFinance, chuyên gia vàng Trần Duy Phương cho biết, ở thời điểm hiện tại, người dân vẫn không nên mua vàng để “lướt sóng”, nhất là đối với vàng miếng SJC.
“Vàng SJC vẫn đang được Ngân hàng Nhà nước liên tục cung ra thị trường nên chắc chắn rằng vàng SJC khó có thể tạo sóng như trước. Chưa kể, tỷ suất sinh lợi cho việc nắm giữ vàng SJC hiện nay cũng rất thấp”.
Ông Phương cho rằng nếu muốn đầu tư, người dân nên chọn mua vàng nhẫn 9999 bởi giá vàng nhẫn sát với giá vàng thế giới hơn. “Diễn biến tăng, giảm của giá vàng nhẫn thường cùng chiều với giá vàng thế giới. Có khả năng giá vàng thế giới sẽ tăng lên hơn 2.500 USD/ounce vào cuối năm nay, tạo điều kiện cho giá vàng nhẫn tăng lên 78 triệu đồng/lượng trong thời gian tới”, ông Phương đưa ra dự báo.
Đồng quan điểm, ông Huỳnh Hoàng Phương, Chuyên gia tài chính, cố vấn quản lý gia sản CTCP FIDT khuyến nghị nhà đầu tư nên có vàng trong danh mục và nên lựa chọn vàng nhẫn 9999. “Bởi giá vàng miếng SJC còn phụ thuộc vào những vấn đề liên quan đến chính sách. Còn vàng nhẫn thì an toàn hơn vì biến động sát hơn với thế giới”, ông Phương cho biết.
Trong khi đó, ông Tạ Thanh Tùng, chuyên gia tại FIDT nhận định tỷ trọng vàng trong danh mục đầu tư không nên quá nhiều, chỉ khoảng 5%. “Nhà đầu tư có thể nắm giữ vàng trong ngắn hạn nhưng đây là loại tài sản không quá hấp dẫn và không nên tăng thêm tỷ trọng. Về dài hạn, các loại tài sản khác sẽ hấp dẫn hơn vàng”, ông nói.