Muốn khởi công dự án Thanh Hà: Bài toán cực khó cho đại gia Lê Thanh Thản?
Trong thời gian gần đây khu đô thị Thanh Hà Cienco5 Land do doanh nghiệp Mường Thanh của đại gia Lê Thanh Thản ‘hồi sinh’ lại một lần nữa ‘dậy sóng’ dư luận và nhà đầu tư với thông tin khởi công vào ngày 16.5.
Tuy nhiên, chỉ không lâu sau đó các cơ quan chức năng của quận Hà Đông, huyện Thanh Oai đã có văn bản yêu cầu dừng khởi công cho đến khi được chấp thuận bằng văn bản. Điều kiện gì để dự án tiếp tục được triển khai? Xung quanh vấn đề này PV Chất lượng và cuộc sống đã có cuộc trao đổi với ông Lê Thanh Thản.
Xin ông cho biết Cienco5 Land có văn bản thông báo dự kiến khởi công khu B1.1 vào ngày 16.5, tuy nhiên chỉ chưa đầy 24h các cơ quan chức năng của Hà Nội đã có văn bản yêu cầu dừng khởi công. Vậy lý do ở đây là gì, thưa ông?
Họ đưa ra lý do là dự án BT (đổi đất lấy hạ tầng) đường trục phía Tây Nam Hà Tây cũ đã hết hạn triển khai. Mà giờ muốn làm tiếp doanh nghiệm phải xin Chính phủ (dự án này thuộc thẩm quyền Chính phủ phê duyệt).
Ông Lê Thanh Thản- chúng tôi muốn khởi công dự án phải nói chuyện với doanh nghiệp đang tranh chấp đi kiến nghị Chính phủ, điều đó thật oái oăm!. Ảnh: Đức Nguyễn
Vậy doanh nghiệp mình đã gửi văn bản đề nghị Chính phủ và cơ quan chức năng xem xét ra hạn triển khai dự án chưa, thưa ông?
Cái khó và oái oăm ở đây dự án theo xác định của UBND TP Hà Nội do Tổng Công ty công trình giao thông 5 ( Cienco5) làm chủ đầu tư, còn Công ty con được xác định là Công ty chỉ thực hiện dự án (Cienco5 Land). Nhưng thực tế từ năm 2016 Cienco5 Land làm ăn khó khăn đã bán 95% cổ phần cho chúng tôi để triển khai tiếp dự án BT. Chúng tôi bỏ ra cả nghìn tỷ đồng để trả nợ cho Cienco5 Land, làm đường trục phía Tây Nam Hà Tây cũ, chi trả tiền giải phóng mặt bằng cho người dân 2 quân, huyện Hà Đông, Thanh Oai. Nhưng khi dự án bỏ hoang hàng trăm người có nguy cơ tù tội, được Mường Thanh mua lại hồi sinh, thì một số cổ đông chi phối Công ty mẹ lại nhảy vào tranh chấp dự án BT với chúng tôi. Họ không hiểu hoặc cố tình không hiểu Công ty dự án Cienco5 Land giá trị nhất là 400ha tại khu đô thị Thanh Hà A, B, đối ứng xây đường trục phía Tây Nam Hà Nội, tôi không bỏ ra mấy nghìn tỷ mua lại thì họ lấy đâu ra tiền để khởi động lại dự án từ năm 2016 đến nay.
Giờ nói dự án hết thời hạn phải đi gia hạn, nhưng muốn ra hạn phải do phải Tổng Công ty CP Cienco5 đứng ra làm văn bản đề nghị, chứ không thuộc thẩm quyền Cienco5 Land.
Từ khi về tay đại gia Lê Thanh Thản không chỉ khu đô thị Thanh Hà được 'hồi sinh' mà đường trục phía Tây Nam cũng được triển khai rất nhanh và chất lượng. Ảnh: Đức Nguyễn.
Vậy phía doanh nghiệp mình đã phối hợp với Cienco5 làm văn bản xin gia hạn để sớm tiếp tục triển khai dự án?
Như tôi nói ở trên, Tổng Công ty công trình giao thông 5 (Cienco5) đã cổ phần và bán cổ phần từ năm 2016 và thực tế một số chủ doanh nghiệp tư nhân đã nhảy vào mua cổ phần chi phối. Và giờ Cienco5 không còn liên quan gì về pháp nhân và tài chính với Công ty dự án Cienco5 Land, nhưng cơ quan chức năng cuối năm 2020 lại có văn bản giao dự án BT cho Tổng Công ty công trình giao thông 5 triển khai. Và giờ chúng tôi muốn khiển khai tiếp dự án phải thông qua Cienco5 làm văn bản kiến nghị Chính phủ gia hạn, điều này rất khó, không thể. Họ đang nhảy vào tranh chấp dự án với chúng tôi, giờ bảo họ làm văn bản gia hạn dự án cho chúng tôi được sao?
Giao đất cho chủ không liên quan gây tranh cãi!
Trước đó, vụ việc gây nhiều bất ngờ cũng như đang gây không ít tranh cãi vào đầu năm 2021 UBND TP.Hà Nội có Quyết định 5269 điều chỉnh giao đất thực hiện dự án Khu đô thị Mỹ Hưng - Cienco 5 (huyện Thanh Oai, Hà Nội) từ Công ty Cổ phần phát triển địa ốc Cienco 5 (Cienco 5 Land) thành Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 5 - CTCP (Cienco 5).
Quyết định do Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội - ông Nguyễn Quốc Hùng ký, theo đó, điều chỉnh tên người sử dụng đất được UBND tỉnh Hà Tây giao cho Cienco 5 Land trước đó 12 năm tại Quyết định 3128 năm 2008 về việc thu hồi hơn 182ha đất trên địa bàn các xã Cự Khê, Mỹ Hưng, Bình Minh (huyện Thanh Oai), chuyển mục đích sử dụng thành đất phi nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới Mỹ Hưng - Cienco 5.
Hàng nghìn hộ dân, nhà đầu tư vẫn mòn mỏi đợi giấy chứng nhận QSD đất để xây nhà. Ảnh: Đức Nguyễn.
Phản ứng với quyết định trên, sau khi gửi đơn khiếu nại tới Chủ tịch UBND TP.Hà Nội về quyết định thay tên đổi chủ tại dự án khu đô thị Mỹ Hưng - Cienco 5, Cienco 5 Land tiếp tục gửi đơn kiến nghị lên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình (nhiệm kỳ 2016-2021). Trong đơn, ông Đỗ Trung Kiên - Tổng Giám đốc Cienco 5 Land khẳng định, quyết định trên đây của Hà Nội là không có căn cứ, trái pháp luật, làm thay đổi địa vị pháp lý và xâm phạm nghiêm trọng đến quyền cũng như lợi ích hợp pháp của Cienco 5 Land.
Đại diện Cienco 5 Land dẫn tài liệu được tỉnh Hà Tây trước đây ban hành cho thấy, vào năm 2008, UBND tỉnh Hà Tây (trước đây) ký hợp đồng xây dựng chuyển giao (BT) thực hiện dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây với Cienco 5 và Cienco 5 Land. Với hợp đồng này, bên B tự thu xếp nguồn vốn tổ chức xây dựng và hoàn thành tuyến đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây có chiều dài 41,5km. Để hoàn vốn của dự án đường trục phía Nam, UBND tỉnh Hà Tây giao cho bên B thực hiện 3 dự án bất động sản, trong đó có dự án khu đô thị Mỹ Hưng - Cienco 5 quy mô 182ha như đề cập trên đây.
Căn cứ vào Hợp đồng BT vào giữa tháng 4.2008, doanh nghiệp dự án là Cienco 5 Land có nghĩa vụ thực hiện các quyền và nghĩa vụ của hợp đồng này. Theo đó đến ngày 30.7.2008, UBND tỉnh Hà Tây chính thức ban hành Quyết định 3128 thu hồi 182ha đất và giao cho Cienco 5 Land để thực hiện dự án khu đô thị Mỹ Hưng. Đại diện Cienco 5 Land khẳng định việc UBND tỉnh Hà Tây giao cho Cienco 5 Land quản lý, thực hiện dự án BT đường trục phía Nam và các dự án nhằm hoàn vốn là có cơ sở pháp lý, đúng quy định của pháp luật.