Mỹ sẽ hỗ trợ 21 tỷ USD để IMF giúp đỡ các nước đang phát triển
Ngân sách chi tiêu mới cho phép Mỹ dành 21 tỷ USD trợ giúp phát triển kinh tế, giảm đói nghèo trên thế giới thông qua quỹ tín thác của IMF.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết, dự luật ngân sách chính phủ mới trị giá 1.200 tỷ USD tạo điều kiện cho nước này đóng góp 21 tỷ USD giúp Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hỗ trợ các quốc gia còn nhiều khó khăn.
Dự luật được Tổng thống Joe Biden ký hôm thứ Bảy (22/3) đã giúp ngăn Chính phủ Mỹ đóng cửa. Trong đó, mức chi cho IMF thực hiện hóa một phần lời hứa của ông với các lãnh đạo G20 về việc cung cấp 100 tỷ USD giúp các nước thu nhập thấp, dễ tổn thương chống lại rủi ro kinh tế vĩ mô và phục hồi sau COVID-19.
Theo bà Yellen, khoản tài trợ sẽ biến Mỹ thành quốc gia ủng hộ nhiều nhất cho Quỹ Tín thác Tăng trưởng và Giảm nghèo (PRGT) của IMF.
Quỹ PRGT chuyên cung cấp khoản vay không lãi suất cho các nước thu nhập thấp, hỗ trợ chương trình kinh tế của họ và giúp tận dụng nguồn tiền từ các nhà tài trợ, các tổ chức phát triển và khu vực tư nhân.
IMF cho biết, kể từ đầu đại dịch, hơn 50 nước thu nhập thấp đã được vay 30 tỷ USD không lãi suất khoảng từ quỹ PRGT. Tình trạng bất ổn đã được giảm thiểu tại một số quốc gia như Haiti, Cộng hòa Dân chủ Congo hay Nepal.
Dự kiến nhu cầu vay từ PRGT sẽ đạt gần 40 tỷ USD trong năm nay, gấp hơn 4 lần mức trung bình trước đây.
Trong tuyên bố được trang Reuters đưa tin, bà Yellen phát biểu: “Sự kiện hôm nay là dấu mốc quan trọng để Mỹ thực hiện cam kết hỗ trợ các nước thu nhập thấp vẫn chịu tổn thương kinh tế từ đại dịch, đồng thời ứng phó với khả năng vỡ nợ cao, khí hậu khắc nghiệt và tác động từ tranh chấp Nga - Ukraine”.
Eric LeCompte, Giám đốc điều hành Tổ chức Cải cách kinh tế Jubilee USA Network, hoan nghênh nguồn tài trợ Mỹ dành cho quỹ PRGT, cũng như lịch sử hỗ trợ quỹ của lưỡng đảng. “Việc tăng nguồn lực cho các chương trình hiệu quả như này có thể giúp người dân các nước đang phát triển thoát nghèo,” ông nói.
Bà Yellen cho hay, khoản tài trợ chứng minh sự ủng hộ không ngừng Washington dành cho IMF và vai trò đặc biệt IMF thực hiện trong hệ thống tiền tệ quốc tế, thông qua các hoạt động tư vấn chính sách, phát triển năng lực, cho vay, trọng tâm vào nâng cao năng lực quản trị, cải cách kinh tế mạnh và điều chỉnh cần thiết. “Tôi mong có thể tiếp tục hợp tác hỗ trợ các nhu cầu của nước thu nhập thấp với IMF”