Bộ trưởng Bộ Tài chính lý giải vì sao các đơn vị ngại thẩm định giá
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, doanh nghiệp thẩm định giá sợ rủi ro về pháp lý khi tính giá để xác định nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước.
Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc ngày 18/3, một số đại biểu quan tâm đến vấn đề thanh tra, chất lượng của hoạt động thẩm định giá. Theo đại biểu, nhiều doanh nghiệp thẩm định giá từ chối thẩm định giá đấu thầu mua sắm trang thiết bị cho hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước và tính giá đất để xác định nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước.
“Phương pháp thặng dư là phương pháp ước tính, giả định. Mà giả định thì đưa ra nhiều tham số khác nhau. Mà tham số khác nhau thì dẫn đến sai phạm, cơ quan thẩm định giá cũng phải chịu trách nhiệm” - Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải thích về thực trạng nhiều doanh nghiệp từ chối thẩm định giá.
Việc một số doanh nghiệp không dám thẩm định giá, theo Bộ trưởng có nhiều nguyên nhân. Có thể do công việc họ nhiều. Có thể họ lo ngại rủi ro về mặt pháp lý do nhiều nguyên nhân do năng lực kém, có thể quy định pháp luật có những cái có nhiều cách hiểu khác nhau, có thể dẫn đến vấn đề sai phạm. Bên cạnh đó, còn có một số nguyên nhân khác nữa.
“Ví dụ, khi xác định giá đất, thì trước xác định theo Nghị định 44, sau theo Nghị định 12, trước có 5 phương pháp, giờ có 4 phương pháp định giá. Nhưng gói gọn lại chủ yếu thực hiện phương pháp thặng dư. Phương pháp thặng dư là phương pháp ước tính, giả định. Mà giả định thì đưa ra nhiều tham số khác nhau. Mà tham số khác nhau thì dẫn đến sai phạm, cơ quan thẩm định giá cũng phải chịu trách nhiệm”, Bộ trưởng dẫn chứng.
Ông Phớc nói thêm, một ngôi nhà khi đưa ra thẩm định giá hình thành tài sản trong tương lai, ước tính một mét vuông 20 triệu đồng, khi bán thực có khi 25 triệu, chênh lệch 5 triệu thì kết quả định giá là sai thì cơ quan thẩm định giá cũng chịu trách nhiệm.
Còn có lý do nữa, theo Bộ trưởng là do phương pháp xác định giá, phương pháp cơ bản là xác định chi phí, giá thị trường với những hàng hóa, xác định theo tiêu chí thẩm định giá của doanh nghiệp. Nhưng, có nhiều cách hiểu khác nhau, nhiều lúc chưa đồng nhất, có quan điểm cho rằng khi xác định giá thì phải lấy giá xuất nhập khẩu, cộng chi phí trung gian. Cũng có quan điểm cho rằng, lấy báo giá của những người đã bán hàng để xác định giá khởi điểm.
Hay xác định thiệt hại trong vụ án hình sự, nhiều người nói xác định tại thời điểm vi phạm, có người nói xác định khi khởi tố, người lại nói khi xác định khi xét xử, Bộ trưởng nêu thêm.
Người đứng đầu Bộ Tài chính cho biết nay việc thẩm định giá cũng còn nhiều cách hiểu khác nhau. Có quan điểm xác định giá khởi điểm bằng lấy giá xuất nhập khẩu, cộng với chi phí trung gian. Nhưng cũng quan điểm cho rằng lấy báo giá của doanh nghiệp bán hàng để xác định giá khởi điểm. Do đó cần tuyên truyền và thống nhất về cách xác định giá.
Ngoài ra, Bộ trưởng cho biết thực tế không loại trừ một số công ty cấu kết với doanh nghiệp để nâng khống giá, sau đó bị đưa ra xét xử. Điều này cũng mang đến tâm lý e ngại cho các doanh nghiệp thẩm định giá khác.
Về việc cấu kết của các doanh nghiệp định giá, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết Luật Giá 2023 đã khắc phục những vấn đề còn tồn tại hạn chế của Luật Giá 2012 và bổ sung nhiều giải pháp để ngăn chặn.
"Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ triển khai những vấn đề cạnh tranh không lành mạnh trong công tác giá hay vấn đề kê khai giá không chính xác để xử lý và xử phạt. Vấn đề phát hành chứng thư thẩm định giá khống, thẩm định viên cấu kết với các đơn vị đối tác để nâng giá lên phải được xử lý nghiêm minh", Bộ trưởng nhấn mạnh.