Mỹ - Trung 'đình chiến': Giá vàng lao dốc, chứng khoán toàn cầu thăng hoa

Thông tin Mỹ và Trung Quốc đình chiến trong vòng 90 ngày đã tạo ra hiệu ứng domino trên khắp các thị trường tài chính toàn cầu. Ngay trong phiên giao dịch đầu tuần, các chỉ số chứng khoán tăng vọt, đồng USD phục hồi mạnh mẽ, giá dầu bật tăng, còn giá vàng thì lao dốc.

Thị trường chứng khoán "thăng hoa" trên diện rộng

Ngay sau tuyên bố chung giữa Mỹ và Trung Quốc về việc đồng thuận tạm ngưng phần lớn các biện pháp thuế quan trong vòng 90 ngày, các thị trường chứng khoán trên toàn cầu đã ghi nhận mức tăng mạnh.

Hợp đồng tương lai chỉ số S&P 500 tăng gần 3% trước giờ mở cửa phiên giao dịch đầu tuần tại New York, trong khi Nasdaq tăng gần 4% và Dow Jones tăng 808 điểm, tương đương gần 2%.

Giao dịch viên làm việc tại sàn giao dịch chứng khoán New York ở thành phố New York, Mỹ (Ảnh: Reuters)  
Giao dịch viên làm việc tại sàn giao dịch chứng khoán New York ở thành phố New York, Mỹ (Ảnh: Reuters)  

Tại châu Á, cổ phiếu công nghệ Hồng Kông ghi nhận tăng mạnh hơn 6%. Các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc đại lục cũng đồng loạt bật tăng trước giờ thông tin chính thức được công bố.

Tại châu Âu, chỉ số Stoxx Europe 600 tăng 1,1% trong phiên giao dịch sớm. Chỉ số DAX của Đức leo lên mức cao kỷ lục mới với mức tăng 1,5%, trong khi chỉ số FTSE MIB của Ý tăng mạnh hơn 2%, chạm đỉnh kể từ năm 2007.

Cổ phiếu các hãng vận tải biển như A.P. Moeller-Maersk, Hapag-Lloyd tăng hơn 10%. Đây là những doanh nghiệp chịu tác động trực tiếp từ chính sách thuế quan và chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đồng USD phục hồi, vàng giảm mạnh

Cùng với sự khởi sắc của chứng khoán, thị trường tiền tệ cũng có những biến động rõ rệt. Chỉ số USD Index tăng 0,9%, ghi nhận đà phục hồi mạnh nhất kể từ tháng 3. Trong khi đó, đồng yên Nhật – vốn được coi là tài sản trú ẩn an toàn – giảm 1,5% xuống còn 147,08 JPY/USD. Đồng euro cũng giảm 1,1% xuống mức 1,1131 USD.

Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc tăng lên mức cao nhất trong sáu tháng, đạt 7,2001 CNY/USD trong giao dịch nội địa và tăng 0,5% trên thị trường quốc tế.

Trái ngược, giá vàng thế giới giảm tới 3%, một mức giảm mạnh hiếm thấy trong vòng 2 tháng qua.

“Sự đảo chiều của vàng là tín hiệu rất rõ cho thấy tâm lý thị trường đang xoay chuyển. Nhà đầu tư chấp nhận rủi ro nhiều hơn vì kỳ vọng vào hòa hoãn thương mại”, bà Grace Tan, chuyên gia phân tích vĩ mô tại Maybank, nhận định từ Singapore.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent và Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer thông báo kết quả cuộc đàm phán với báo chí (Ảnh: Reuters)
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent và Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer thông báo kết quả cuộc đàm phán với báo chí (Ảnh: Reuters)
Giá dầu thô tăng vọt nhờ kỳ vọng phục hồi tiêu dùng

Không ngoại lệ, thị trường dầu thô cũng không đứng ngoài làn sóng “hưng phấn”. Giá dầu thô cũng bật tăng mạnh mẽ nhờ triển vọng cải thiện trong thương mại toàn cầu.

Trong phiên giao dịch tại châu Á sáng 12/5, giá dầu Brent tăng 2,11 USD, tương đương 3,3%, lên mức 64,14 USD/thùng. Dầu thô WTI của Mỹ cũng tăng 2,12 USD, tương đương 3,47%, lên mức 63,14 USD/thùng.

Theo ông Mohammed Al-Qassimi, chuyên gia từ Gulf Energy Watch, việc giảm thuế giữa hai cường quốc tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới sẽ thúc đẩy hoạt động giao thương và sản xuất, kéo theo nhu cầu năng lượng tăng lên.

“Nếu Mỹ và Trung Quốc thực sự giảm thuế, nhu cầu vận tải, sản xuất và tiêu dùng sẽ phục hồi nhanh chóng. Điều đó sẽ kích thích tiêu thụ năng lượng”, ông Mohammed đánh giá.

Tuy vậy, chuyên gia Toshitaka Tazawa của Fujitomi Securities, cảnh báo: “Sản lượng dự kiến tăng từ OPEC+ trong tháng 5 và 6 sẽ gây áp lực nguồn cung. Và nếu Iran quay lại thị trường dầu sau đàm phán với Mỹ, giá có thể điều chỉnh lại".

Kỳ vọng và rủi ro của việc giảm thuế quan giữa hai cường quốc

Bảng tổng hợp thể hiện mức thuế giữa Mỹ và Trung Quốc (Ảnh: BBC)  
Bảng tổng hợp thể hiện mức thuế giữa Mỹ và Trung Quốc (Ảnh: BBC)  

Việc Mỹ và Trung Quốc tạm dừng áp thuế không chỉ là dấu hiệu tích cực cho kinh tế toàn cầu mà còn mở ra cơ hội cho các cuộc đàm phán thực chất hơn. Theo đó, lệnh tạm dừng trong 90 ngày sẽ có hiệu lực từ ngày 14/5, với việc Mỹ giảm thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc xuống còn 30%, từ mức 145%. Trung Quốc sẽ giảm thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Mỹ xuống còn 10%, từ mức 125%.

Tuy nhiên, giới chuyên gian cảnh báo thời hạn 90 ngày là quá ngắn để đạt được một thỏa thuận thương mại toàn diện, và nguy cơ căng thẳng quay trở lại vẫn luôn hiện hữu.

Ông Tai Hui, Giám đốc chiến lược thị trường khu vực châu Á – Thái Bình Dương của JPMorgan Asset Management, nhận định: “Quy mô giảm thuế lần này lớn hơn kỳ vọng, phản ánh nhận thức từ cả hai phía rằng thuế quan gây tổn hại cho tăng trưởng toàn cầu và đàm phán là con đường khả thi hơn”.

Dù vậy, nhà đầu tư vẫn cần thận trọng, thêm nữa, cần theo dõi thêm các chỉ số kinh tế quan trọng từ Mỹ để đánh giá mức độ tác động của cuộc chiến thương mại.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 sẽ được công bố vào 13/5, trong khi doanh số bán lẻ và chỉ số giá sản xuất (PPI) sẽ được công bố vào 15/5. Giới phân tích cũng khuyến cáo cần đặc biệt chú ý tới báo cáo tài chính của Walmart – đại diện tiêu biểu cho bán lẻ Mỹ – nhằm đánh giá xem hàng hóa Trung Quốc đã thực sự biến mất khỏi kệ hàng hay chưa sau các lệnh áp thuế trước đó.

Thanh Tu

Theo VietnamFinance