Năm 2020, các ông lớn ngành thép làm ăn ra sao?
Kết thúc năm 2020, lãi ròng tại Tập đoàn Hòa Phát đạt 13.506 tỷ đồng; Tập đoàn Hoa Sen đạt 1.153 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ; ... Tuy nhiên, vẫn có doanh nghiệp ngành thép ghi nhận lợi nhuận giảm.
Năm 2020, cổ phiếu ngành thép nổi sóng với mức tăng giá vượt xa so với mặt bằng chung của thị trường. Điều này góp phần giúp lợi nhuận của doanh nghiệp ngành thép năm 2020 lạc quan hơn.
Năm 2020, Hòa Phát báo lãi cao kỷ lục
Năm 2020, Tập đoàn Hòa Phát (HOSE: HPG) ghi nhận 26.166 tỷ đồng doanh thu và 4.660 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý 4/2020, tăng tương ứng 43% và 142% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức lợi nhuận quý cao kỷ lục của hãng thép này.
Lũy kế cả năm 2020, doanh thu tại Hòa Phát đạt 91.279 tỷ đồng, tăng 41% so với năm 2019 và 13.506 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 78% so với năm 2019. Lĩnh vực sản xuất thép đóng vai trò đầu tàu thúc đẩy tăng trưởng. Thị phần thép Hòa Phát hiện ở mức 32,5%.
Theo Hòa Phát, lĩnh vực sản xuất thép đóng vai trò đầu tàu tăng trưởng. Lần đầu tiên thép Hòa Phát đạt mức 5,8 triệu tấn thép thô, gấp đôi năm 2019. Trong đó, sản lượng phôi thép và thép xây dựng thành phẩm là 5,1 triệu tấn, còn lại là thép cuộn cán nóng đạt gần 700.000 tấn.
Đầu năm 2021, Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất chính thức hoạt động đồng bộ cả 2 giai đoạn. Theo Hòa phát, điều này cho phép Tập đoàn đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn năm trước đối với sản lượng thép cuộn cán nóng (HRC).
Trong năm 2021, Hòa Phát đặt mục tiêu sản xuất 2,7 triệu tấn HRC, trên 5 triệu tấn phôi và thép xây dựng.
Doanh thu tại Hoa Sen giảm, kế hoạch lợi nhuận ‘khủng’
Năm 2020, CTCP Tập đoàn Hoa Sen (mã chứng khoán HSG) công bố báo cáo thường niên năm tài chính 2019-2020 (năm tài chính của Hoa Sen Group bắt đầu từ 1/10 và kết thúc vào 30/9 năm sau).
Cụ thể, doanh thu trong năm đạt 27.534 tỷ đồng, giảm 2% so với năm trước đó và mới chỉ thực hiện được 98% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế tại Hoa Sen đạt 1.151 tỷ đồng, gấp 3 cùng kỳ và đạt 288% kế hoạch năm.
Trong cơ cấu doanh thu của công ty, doanh thu hàng bán trong nước đạt 17.440 tỷ đồng, đóng góp trên 63% tổng doanh thu cả năm. Mảng kinh doanh trong nước cũng mang về 4.110 tỷ đồng lợi nhuận gộp trong tổng số hơn 4.627 tỷ đồng lợi nhuận gộp đạt được, chiếm tỷ trọng gần 89%.
Tính đến 30/9/2020 Hoa Sen Group còn hơn 5.500 tỷ đồng giá trị hàng tồn kho, tăng 1.000 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm tài chính, trong đó chủ yếu gia tăng giá trị tồn kho nguyên vật liệu, hàng mua đang đi đường. Còn giá trị tồn kho thành phẩm giảm.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2020 -2021, nhận định thị trường ngành thép năm 2021 còn tuy có khởi sắc nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều điều khó lường, thêm vào đó diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trên toàn thế giới có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động của công ty.
Tuy nhiên Hoa Sen Group vẫn đặt mục tiêu doanh thu 33.000 tỷ đồng, tăng 20% so với doanh thu thực hiện năm 2019-2020. Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế 1.500 tỷ đồng, tăng 30% so với lợi nhuận đạt được năm tài chính 2019-2020.
Về sản lượng, Hoa Sen Group dự kiến tiêu thụ khoảng 1,8 triệu tấn các loại, tăng 11% so với năm trước đó.
Nhiều doanh nghiệp khác lãi cao
CTCP Đầu tư Thương mại SMC (HOSE: SMC) vừa công bố BCTC hợp nhất quý 4/2020 với khoản lãi ròng gần 148 tỷ đồng, đây là khoản lãi lớn nhất kể từ quý 2/2016, trái ngược hoàn toàn với khoản lỗ gần 12 tỷ đồng vào cùng kỳ năm 2019.
Doanh thu thuần quý 4/2020 đạt gần 4.479 tỷ đồng, tăng gần 14% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, biên lãi gộp cải thiện mạnh mẽ từ xấp xỉ 1,91% lên mức 7,25% là yếu tố chủ chốt tạo nên kết quả lợi nhuận tích cực của SMC trong quý cuối cùng của năm. Lãi gộp quý 4 của SMC đạt gần 325 tỷ đồng, gấp hơn 4,3 lần cùng kỳ.
Lũy kế cả năm 2020, doanh thu thuần tại SMC hơn 15.744 tỷ đồng và lãi ròng đạt 310,5 tỷ đồng, lần lượt giảm 6,5% và tăng 227% so với năm trước. EPS tăng lên mức 4.932 đồng từ mức 1.506 đồng trong năm 2019.
Năm 2020, SMC đặt mục tiêu doanh thu đạt 15.200 tỷ đồng và 120 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt giảm 10% và tăng 20% so với thực hiện năm 2019. Như vậy, kết thúc năm 2020, SMC vượt 3,5% mục tiêu về doanh thu và vượt 159% mục tiêu về lợi nhuận.
SMC đặt kế hoạch năm 2021 với sản lượng đạt 1.350.000 tấn thép các loại; lợi nhuận là 160 tỷ đồng, tăng 33,3% so với kế hoạch năm 2020.
Tương tự, năm 2020 CTCP thép Việt Ý (VIS) bất ngờ báo lãi sau nhiều năm thua lỗ triền miên.
Cụ thể, trong quý 4/2020, doanh thu thuần của thép Việt Ý đạt 1.252 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ 2019. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 19,7 tỷ đồng khả quan hơn khoản lỗ 77,5 tỷ đồng trong quý 4/2019.
Lũy kế cả năm 2020, thép Việt Ý ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 4.062 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ. VIS còn có hơn 53,6 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động tài chính tăng mạnh so với con số 21,5 tỷ đồng của năm 2019. Trong khi chi phí tài chính và chi phí QLDN đều được cắt giảm đáng kể so với cùng kỳ nên kết quả lợi nhuận sau thuế cả năm 2020 đạt gần 30 tỷ đồng, khả quan hơn khoản lỗ hơn 218,7 tỷ đồng trong năm 2019.
Với kết quả này, Công ty đã vượt gần 12% chỉ tiêu doanh thu và đạt kết quả lợi nhuận vượt xa khỏi kế hoạch (mục tiêu lỗ gần 66 tỷ đồng theo Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên).
Vẫn có doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận giảm
Bên cạnh những doanh nghiệp có lãi trong năm 2020, vẫn còn đó nhiều doanh nghiệp ngành thép chịu cảnh kinh doanh ảm đạm.
Cụ thể, CTCP Gang thép Thái Nguyên (Tisco – mã chứng khoán TIS) ghi nhận doanh thu thuần cả năm đạt gần 9.566 tỷ đồng, giảm 8,3% so với doanh thu đạt được năm 2019. Lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt gần 457 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp đạt 4,8%
Kết quả, cả năm 2020 Gang thép Thái Nguyên lãi sau thuế 18,8 tỷ đồng, giảm đến hơn nửa so với số lãi hơn 40,7 tỷ đồng đạt được năm 2019, trong đó lợi nhuận sau thuế tại TIS ghi nhận về cho cổ đông công ty mẹ đạt hơn 17 tỷ đồng.
Năm 2020 Tisco đặt mục tiêu đạt 13.478 tỷ đồng doanh thu và 75,2 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Như vậy, công ty vẫn không thể hoàn thành kế hoạch đặt ra.
Còn nếu tính riêng quý 4/2020, doanh thu thuần đạt 2.556 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt gần 3 tỷ đồng, cải thiện nhiều so với việc gần như không có lãi của quý 4/2019.
Như vậy, hiện vẫn còn một số doanh nghiệp ngành thép chưa công bố kết quả kinh doanh năm 2020 như Pomina (mã POM) , Thép Tiến Lên (mã TLH), Đại Thiên Lộc (mã DTL); thép Việt Đức (VGS),...