Năm năm liền, chứng khoán liên tục tăng điểm trong 'tháng Ngâu'
Khác với tâm lý lo ngại của nhà đầu tư trong tháng Ngâu, chuyên gia Trần Thăng Long cho rằng thị trường chứng khoán đều chứng kiến sự tăng điểm trong tháng Ngâu giai đoạn 5 năm trở lại đây.
Thị trường chứng khoán đang chuẩn bị bước vào tháng 7 âm lịch, hay còn gọi là “tháng Ngâu”. Nhiều nhà đầu tư quan niệm rằng tháng Ngâu sẽ là giai đoạn trầm lắng của thị trường, không thích hợp để đưa ra những quyết định đầu tư lớn, bao gồm đầu tư chứng khoán.
Thực tế, thị trường đã trải qua nhiều phiên điều chỉnh trong thời gian gần đây. Tại Talkshow Phố Tài Chính, ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), cho biết rằng mặc dù tâm lý lo ngại của nhà đầu tư là có, nhưng số liệu thực tế không chứng minh sự trầm lắng của thị trường chứng khoán trong tháng Ngâu.
Theo thống kê của BSC, kể từ khi thị trường chứng khoán Việt Nam thành lập, có 14 trong 23 tháng Ngâu đã ghi nhận sự tăng điểm, đặc biệt là trong 5 năm gần đây.
Về diễn biến thị trường gần đây, sau giai đoạn đi ngang quanh mức 1.300 điểm, thị trường đã điều chỉnh tương đối. Sự điều chỉnh này được đánh giá là hợp lý vì nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng khoảng 58.000 tỷ đồng từ đầu năm đến nay, con số mà ông Long cho rằng khá lớn trong một thời gian ngắn.
Cùng với đó, dư nợ margin trên thị trường cũng tăng lên mức cao, ước tính đạt khoảng 218.000 tỷ đồng, tăng 26% so với đầu năm. Điều này cho thấy dòng tiền từ nhà đầu tư trong nước đã phần nào mua lại khối lượng mà nhà đầu tư nước ngoài bán ròng.
Ông Trần Thăng Long nhận định rằng sự điều chỉnh của thị trường trong thời gian qua là cần thiết để giảm hạ nhiệt sức ép từ margin cũng như giảm áp lực từ việc nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán ròng.
“Trong ngắn hạn, thị trường luôn dao động, đặc biệt khi có những thông tin bất ngờ từ trong và ngoài nước. Tuy nhiên, trong trung và dài hạn, thị trường sẽ biến động dựa trên dòng tiền của nhà đầu tư và diễn biến cơ bản của doanh nghiệp,” ông Long cho biết.
Theo số liệu của BSC, khảo sát 80 doanh nghiệp chiếm khoảng 70% vốn hóa thị trường cho thấy, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ đạt khoảng 16,5 – 17% trong năm 2024 và cao hơn trong năm 2025.
Sự tăng trưởng này phản ánh đúng chiều hướng phục hồi của kinh tế vĩ mô Việt Nam và sẽ thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán, đặc biệt khi Việt Nam tiến gần hơn đến thị trường mới nổi.
Các giải pháp về tỷ lệ ký quỹ của nhà đầu tư nước ngoài (Prefunding) đã được đưa ra và có tác dụng nhất định. Tuy nhiên, đại diện BSC cho rằng việc xây dựng một đội ngũ nhà đầu tư chuyên nghiệp để tạo thành cộng đồng lớn mạnh và bài bản cũng rất quan trọng. Khi đó, việc nâng hạng lên thị trường mới nổi mới thực sự có ý nghĩa và đem lại lợi ích cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Như vậy, ông Trần Thăng Long đã đưa ra nhiều tín hiệu tích cực của thị trường chứng khoán như tăng trưởng mức cao ở kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, khả năng nâng hạng thị trường, sự trở lại của khối ngoại,… trong bối cảnh “tháng Ngâu” đang cận kề, còn sự điều chỉnh của thị trường chỉ là diễn biến ngắn hạn.
Ở giai đoạn này, ông Long khuyên nhà đầu tư nên bình tĩnh, không lạm dụng vay vốn đòn bẩy và quan tâm nhiều hơn đến những doanh nghiệp có chuyển biến tốt. Những ngành nghề đang có tốc độ tăng trưởng tốt mà nhà đầu tư nên quan tâm bao gồm ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, công nghệ thông tin và viễn thông. Ngoài ra, những ngành đang phục hồi tốt như hóa chất, vật liệu cơ bản, và xây lắp cũng đáng chú ý.