Nắm trong tay hơn 26.000 tỷ tiền mặt, FPT của đại gia Trương Gia Bình đang nuôi ‘tham vọng’ đẩy mạnh kinh doanh bất động sản?
Vừa qua, Tập đoàn FPT (Mã CK: FPT) đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Khánh Hòa về việc đề xuất thực hiện 3 dự án với tổng diện tích lên tới 860ha. Câu hỏi được đặt ra lúc này là liệu đây có phải động thái muốn lấn sân mạnh mẽ sang lĩnh vực kinh doanh bất động sản của ‘ông lớn’ ngành công nghệ?
FPT đã đề xuất đầu tư những dự án nào tại Khánh Hòa?
Nguồn tin từ tỉnh Khánh Hoà cho biết, Chiều 9/3, tại TP Nha Trang, UBND tỉnh này đã có buổi làm việc với Tập đoàn FPT về các ý tưởng, dự án dự kiến đầu tư tại tỉnh Khánh Hòa.
Theo đó, đại diện Tập đoàn FPT và các đơn vị tư vấn đã báo cáo ý tưởng về xây dựng đô thị nhân thức; đồng thời đề xuất 3 dự án dự kiến đầu tư tại tỉnh Khánh Hòa gồm:
Dự án Khu đô thị công nghệ – giáo dục FPT được đề xuất đầu tư tại xã Phước Đồng, TP. Nha Trang có diện tích 150ha; dự án Trung tâm Đào tạo chuyển đổi số và Đô thị dịch vụ tại khu vực Tuần Lễ – Hòn Ngang Bắc Vân Phong có diện tích 350ha và dự án Quần thể du lịch nghỉ dưỡng dành cho chuyên gia quốc tế tại khu Hồ Na – Mũi Đôi có diện tích 360ha đều thuộc xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh.
Liên quan đến đề xuất của Tập đoàn FPT, sau khi nghe ý kiến lãnh đạo các địa phương và lãnh đạo Ban Quản lý Khu Kinh tế Vân Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân cho biết, hiện 3 khu vực Tập đoàn FPT đề xuất đều đang được điều chỉnh quy hoạch nên các đề xuất phải hợp quy hoạch.
“Hiện khu vực Khu Kinh tế Vân Phong đang có rất nhiều doanh nghiệp, tập đoàn đề xuất nhiều dự án quy mô lớn. Do đó, sau khi quy hoạch mới của Khu kinh tế Vân Phong được Thủ tướng phê duyệt, hai bên sẽ tiếp tục nghiên cứu” – ông Nguyễn Tấn Tuân cho hay.
Được biết, cũng tại Khánh Hòa, trước đó nhiều ‘ông lớn’ bất động sản cũng đã đề xuất hàng loạt dự án quy mô lớn tại đây.
Đơn cử như liên danh Tập đoàn Vingroup đề xuất đầu tư 3 dự án khu đô thị sinh thái; khu đô thị sân bay; tổ hợp du lịch, thương mại và vui chơi giải trí tại huyện Cam Lâm và TP. Cam Ranh.
Hay liên danh Hòa Phát và KDI Holdings đề xuất lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 dọc 2 bên sông Cái Nha Trang và thực hiện 3 dự án với tổng diện tích 28.000 ha tại thị xã Ninh Hòa.
Ngoài ra còn có Tập đoàn Sun Group nghiên cứu đầu tư vào Khu kinh tế Vân Phong. Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương đã rất quan tâm và đầu tư một số dự án lớn tại tỉnh Khánh Hòa, đồng thời có đề xuất tham gia tài trợ việc tổ chức lập điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KKT Vân Phong.
FPT sẽ dùng tiền mặt để đầu tư các dự án bất động sản?
Theo ghi nhận từ báo cáo tài chính qua các năm của FPT có thể thấy, tính đến hết năm 2021, lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng của FPT đạt mức 26.149 tỷ đồng. Năm 2021 cũng là năm đầu tiên, doanh thu từ lãi tiền gửi của FPT vượt 1.000 tỷ đồng.
Cũng theo Báo cáo tài chính Hợp nhất quý I/2022 của FPT cho thấy, lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng của công ty không có nhiều biến động khi ở mức khoảng 26.432 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu là đến từ các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn (21.606 tỷ đồng), còn lại là tiền và các khoản tương đương tiền (4.825 tỷ đồng).
Về tình hình kinh doanh, FPT vừa công bố kết quả kinh doanh ước tính 5 tháng đầu năm 2022 với doanh thu đạt 16.227 tỷ đồng, tăng 22% và lợi nhuận trước thuế đạt 3.029 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2021.
Lợi nhuận sau thuế cho cổ đông công ty mẹ đạt 2.095 tỷ đồng tăng 34% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu và lợi nhuận trước thuế mảng công nghệ lần lượt đạt 9.159 tỷ đồng và 1.342 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 23,5% và 23,4%.
Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên diễn ra hồi tháng 4 năm nay, FPT đã thông qua kế hoạch với doanh thu tăng trưởng 19% lên 42.420 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 20,2% đạt 7.618 tỷ đồng. Nếu hoàn thành chỉ tiêu trên, đây sẽ là năm thứ 5 liên tiếp tăng trưởng cả doanh thu lẫn lợi nhuận.
Cũng tại ĐHĐCĐ thường niên, cổ đông đặt ra câu hỏi FPT định hướng như thế nào về mảng bất động sản (BĐS) khi tập đoàn đang có kế hoạch phát triển loạt dự án ở Khánh Hoà?
Giải đáp thắc mắc này, ông Nguyễn Thế Phương – Phó Tổng Giám đốc của FPT nói rằng, tập đoàn không có ý định đầu tư cho hoạt động thương mại bất động sản, các dự án BĐS đều liên quan tới hoạt động chính của tập đoàn như campus cho trường đại học, trung tâm đào tạo chuyển đổi số hay nhà ở cho cán bộ nhân viên.
Đồng thời, FPT vẫn tiếp tục có kế hoạch M&A trong lĩnh vực công nghệ ở cả trong nước và nước ngoài. Với thị trường trong nước, sau thương vụ M&A Base.vn năm ngoái thì tập đoàn sẽ tiếp tục M&A các cơ hội tiềm năng trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu FPT đang giao dịch ở quanh mức giá 87.000 đồng /cổ phiếu. Kết phiên ngày 22/6, thị giá cổ phiếu FPT giao dịch ở mức 84.500 đồng/ cổ phiếu (giảm mạnh khoảng 11,4% so với thời điểm ngày 8/6).
Được biết, trong tháng 6 này, FPT sẽ chia cổ tức tiền mặt còn lại của năm 2021 tỷ lệ 10%, mỗi cổ phiếu được nhận 1.000 đồng. Với 914 triệu cổ phiếu đang lưu hành, doanh nghiệp dự chi 914 tỷ đồng để thanh toán cổ tức tiền mặt. Ngày thanh toán dự kiến là 27/6.
Cùng với đó, FPT sẽ phát hành 182,8 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 20% trả cổ tức. Vốn điều lệ tăng từ 9.142 tỷ đồng lên 10.970 tỷ đồng.