NBB mua lại 200 tỷ đồng trái phiếu trước hạn sau hơn 1 năm phát hành
Sau khi phát hành 490 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm vào tháng 6/2021, Năm Bảy Bảy đã thực hiện 5 đợt mua lại trái phiếu trước ngày đáo hạn.
CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy (MCK: NBB) thông báo vừa mua lại 10 tỷ đồng trái phiếu trước hạn để giảm lượng trái phiếu lưu hành từ 300 tỷ đồng về 290 tỷ đồng, ngày thực hiện mua lại là 30/8/2022.
Đây là trái phiếu thuộc lô trái phiếu có mã NBBH2124001 phát hành ngày 11/6/2021, đáo hạn ngày 11/6/2024 (kỳ hạn 36 tháng) với tổng khối lượng phát hành 490 tỷ đồng. Tuy nhiên kể từ tháng 9/2021 đến nay, Năm Bảy Bảy đã thực hiện tổng cộng 5 đợt mua lại trước hạn từng phần trái phiếu thuộc lô trái phiếu trên.
Trước đó, từ tháng 9/2021, NBB đã tiến hành mua lại trái phiếu trước hạn. Cụ thể, tháng 9/2021, công ty đã mua trước hạn 50 tỷ đồng trái phiếu; tháng 10/2021 công ty mua lại 48 tỷ đồng trái phiếu; tháng 11/2021, công ty tiếp tục mua lại 42 tỷ đồng trái phiếu; đến tháng 5/2022, Năm Bảy Bảy lại mua thêm 50 tỷ đồng trái phiếu trước hạn và lần cuối cùng là cuối tháng 8/2022, công ty đã thực hiện mua lại thêm 10 tỷ đồng trái phiếu trước hạn.
Tính đến nay, lô trái phiếu này chỉ còn 290 tỷ đồng trái phiếu đang lưu hành trên thị trường. Như vậy, lũy kế công ty đã mua lại 200 tỷ đồng trái phiếu trước hạn sau hơn 1 năm phát hành.
Về kết quả kinh doanh, theo BCTC hợp nhất soán xét 6 tháng đầu năm, Năm Bảy Bảy ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 169 tỷ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ năm trước. Do đó kéo theo lợi nhuận gộp của doanh nghiệp cũng suy giảm xuống mức 84 tỷ đồng, tương ứng giảm 59% so với cùng kỳ.
Giải trình về vấn đề này, NBB cho biết, Công ty hoạt động chính là kinh doanh và chuyển nhượng bất động sản. Tuy nhiên, hiện nay các dự án đang trong quá trình tiến hành bồi thường và giải phóng mặt bằng. Do đó, KQKD 6 tháng đầu năm có biến động là bởi các nguyên nhân như: Doanh thu từ hoạt động kinh doanh BĐS giảm 71.8% dẫn đến lợi nhuận gộp giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2021. Thu nhập từ hoạt động tài chính giảm 43%, chi phí tài chính tăng 28% và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 59%.
Đáng chú ý, trong kỳ doanh thu tài chính của NBB chỉ đạt hơn 68 tỷ đồng, giảm hơn 44% so với cùng kỳ năm 2021. Sự chênh lệch này chủ yếu là do trong cùng kỳ năm 2021, Năm Bảy Bảy ghi nhận một khoản thu nhập 120 tỷ đồng từ chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư nhưng năm nay không ghi nhận khoản nàySau khi khấu trừ đi mọi chi phí và thuế, Năm Bảy Bảy chỉ đem về hơn 1,7 tỷ đồng lợi nhuận, giảm sâu tới 91 lần so với cùng kỳ.
Năm 2022, NBB dự kiến đạt 800 tỷ đồng doanh thu và 102 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Như vậy sau nửa năm, NBB mới thực hiện được 21% chỉ tiêu doanh thu và 1,7% chỉ tiêu lợi nhuận.
Bên cạnh đó, chỉ trong nửa năm 2022 mà Năm Bảy Bảy đã vay thêm tổng cộng hơn 2.065 tỷ đồng. Trong số này, khoản vay từ ngân hàng Vietcombank ghi nhận hơn 607 tỷ đồng, chiếm hơn 29%.
Ngoài ra, công ty ghi nhận vay 400 tỷ đồng từ Công ty TNHH MTV Đầu tư kinh doanh địa ốc Lữ Gia; 400 tỷ đồng từ Công ty CP Đầu tư và Xây dựng xa lộ Hà Nội; 350 tỷ đồng từ Công ty CP Xây dựng Hạ tầng CII cùng với lãi suất 8,5%/năm.
Cả 3 doanh nghiệp trên đều là công ty con của Công ty CP Đầu tư Hạ Tầng Kỹ Thuật TP.HCM (HoSE: CII). Ngoài ra, Năm Bảy Bảy cũng đã vay 125 tỷ đồng lãi suất 11% từ chính CII.
Ngoài nợ vay từ các ngân hàng và doanh nghiệp, NBB còn hàng trăm tỷ đồng nợ vay từ kênh trái phiếu doanh nghiệp.
Theo đó, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Năm Bảy Bảy đang ghi nhận âm nặng tại thời điểm cuối quý II/2022 với 904 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ âm hơn 178 tỷ đồng. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư cũng không khá khẩm hơn khi âm sâu xuống mức 965 tỷ đồng.