Ngân hàng ảo huy động vốn đa cấp: Chặn được không?

Theo TS Cao Sĩ Kiêm, khi trình độ quản lý, kỹ thuật công nghệ của Việt Nam còn thấp thì tốt nhất là nên cấm tiền ảo.

Thời gian qua, liên tục xuất hiện những mô hình đầu tư được quảng cáo thu về lợi nhuận khủng mà không cần phải làm gì. Mới đây nhất là Etop Bank, tự xưng là ngân hàng điện tử đến từ Singapore, dù theo danh sách các ngân hàng được cấp phép hoạt động tại Việt Nam thì không có ngân hàng nào có tên như vậy.

Theo quảng cáo của Etop Bank, người chơi chỉ cần gửi tiền thật để mua tiền ảo có tên là USDT tại Etop Bank với các gói từ 200 USD - 10.000 USD, theo các kỳ hạn từ 1 tháng đến 3 năm. Lãi suất được trả theo các kỳ hạn gửi, từ 30 - 50%/tháng tương đương 600%/năm, cao gấp gần 100 lần lãi suất tiền gửi ngân hàng trong nước.

Sau kỳ hạn gửi, người chơi sẽ được rút toàn bộ tiền gốc. Lãi suất cao nhất là kỳ hạn 3 năm, nếu người tham gia gửi 1 tỷ đồng, mỗi tháng sẽ nhận lãi 500 triệu đồng. Nghĩa là sau 3 năm người tham gia sẽ nhận 18 tỷ đồng tiền lãi và 1 tỷ đồng tiền gốc.

Trong phóng sự của VTV, một thành viên Etop Bank nói: "Cái sân chơi này sử dụng đồng USD thanh khoản 24/7 trên mọi quốc gia và ở Việt Nam có khoảng 20 sàn đứng ra để thanh khoán cho chúng ta. Chơi tài chính này nếu mà ngon thu nhập 10 - 20 tỷ/tháng".

Với những lời mời gọi hấp dẫn, mô hình vừa đưa vào hoạt động đã thu hút hàng nghìn người tham gia, nhiều nhất là các địa phương như Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Hà Tĩnh, Ninh Bình, Hưng Yên...

Không chỉ có Etop Bank,  tháng 7 vừa qua, Bộ Công an đã đưa ra cảnh báo về Winsbank huy động vốn đa cấp bằng tiền ảo trái phép nhưng vẫn hoạt động ngang nhiên. Theo quảng cáo, dự án này là ngân hàng số đầu tiên trên thế giới được cấp phép hoạt động hợp pháp, có thể gửi tiền tiết kiệm, vay mượn và đầu tư chỉ với một nền tảng duy nhất, vay tiền thế chấp bằng tiền điện tử như BTC, ETH, WIN… Winsbank cũng phát hành cổ phiếu có tên gọi là eshare (ESR), mà theo lời giới thiệu, khi sở hữu cổ phiếu này sẽ giúp nhà đầu tư x5, x10 lần tài sản sau 6 tháng tiếp theo.

Trao đổi với Đất Việt, TS Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, điểm chung của những ngân hàng ảo, sàn đa cấp tiền ảo là đều yêu cầu người đầu tư phải bỏ tiền thật để mua tiền ảo có giá trị lớn do các công ty này phát hành.

Họ làm như vậy để lách luật, vì nếu người đầu tư nạp bằng tiền đồng, cá nhân, công ty này có thể bị khép vào tội lừa đảo, còn nếu mua tiền ảo để đầu tư tiền ảo thì cơ quan chức năng sẽ không có căn cứ để xử phạt bởi tiền ảo ở Việt Nam không được công nhận là phương tiện thanh toán. Đây cũng là lý do khiến các sàn đa cấp tiền ảo biến tướng, công khai dụ dỗ nhà đầu tư trên các mạng xã hội.

Ngân hàng ảo huy động vốn đa cấp: Chặn được không? - Ảnh 1
Những lời tung hô, hội nghị tiệc tùng hoành tráng như những dự án siêu lợi nhuận bất thường trên không gian mạng. Ảnh cắt từ màn hình

Theo nguyên Thống đốc NHNN Việt Nam, tiền ảo là một hiện tượng kinh tế thế giới hiện nay, một số quốc gia đã cho phép mua bán, thanh toán tiền ảo.

"Tiền ảo phải được sinh ra và hoạt động ở một quốc gia có trình độ khoa học kỹ thuật rất cao, có khả năng kiểm soát rất chặt và quản lý, điều hành rất nghiêm. Chỉ khi nào quản lý được thì người ta mới dám cho tiền ảo hoạt động", TS Cao Sĩ Kiêm nói.

Đối với Việt Nam, vị chuyên gia cho biết, pháp luật chưa công nhận tiền ảo và thực tế ở Việt Nam, hoạt động kinh tế có nhiều rủi ro và tiền ảo lại càng rủi ro.

"Đã là tiền ảo thì không có hoạt động thực tế, việc sinh lời của nó rất khó kiểm soát. Việc kinh doan thực tế trên thị trường, đặc biệt trong tình hình Covid-19, rất khó khăn, không có hoạt động nào có thể sinh lời tới mấy chục, mấy trăm phần trăm lợi nhuận như quảng cáo của các ngân hàng ảo, sàn đầu tư tiền ảo. Điều đó là không tưởng.

Thế nhưng tại sao các nhà đầu tư vẫn lao vào? Chính là vì lòng tham, vì lời hứa hẹn của các sàn đầu tư tiền ảo, ngân hàng ảo quá lớn khiến các nhà đầu tư mờ mắt. Cũng bởi Việt Nam chưa có khung pháp lý về tiền ảo nên khi xảy ra rủi ro, nhà đầu tư sẽ phải gánh chịu hết, tiền mất tật mang", TS Kiêm chỉ rõ.

Một vấn đề gây không ít băn khoăn, đó là tại sao những Etop Bank, Winsbank có thể dễ dàng  tổ chức hàng loạt hội thảo tại nhiều địa điểm, thu hút đông đảo người tham gia?

Trả lời câu hỏi này, TS Cao Sĩ Kiêm một lần nữa nhẫn mạnh, về mặt pháp lý, Việt Nam chưa công nhận tiền ảo, cơ quan chức năng cũng chưa có cơ chế để kiểm soát nên không thể hoạt động được.

"Mọi hình thức đa cấp, kinh doanh tiền thật-tiền ảo đều vô cùng rủi ro, cho nên dù nó hoạt động dưới bất kỳ hình thức nào cũng không thể công nhận.

Cơ quan quản lý như NHNN, cơ quan tài chính, kiểm toán cần sớm có khung pháp lý, quy định để khống chế hoạt động này, hạn chế những tổn hại mà nó có thể gây ra cho nền kinh tế và người dân", ông Kiêm nói.

Trong khi chờ khung pháp lý, vị chuyên gia cho rằng, biện pháp quan trọng nhất vẫn là tuyên truyền, cảnh báo cho người dân hiểu, nhận thức được và tránh xa hoạt động tiền ảo, không để rơi vào cái bẫy kích động.

"Các ngân hàng có thể chặn được nhưng phải chặn bằng cơ chế, kỹ thuật nghiệp vụ,. Kinh tế thị trường có nguyên tắc, luật lệ của nó, nói suông không ai nghe. Các ngân hàng ảo, sàn đầu tư tiền ảo sẽ cố tình khoét vào bám vào các kẽ hở quản lý để để lấn  tới.

Ngoài ra, cơ quan chức năng có thể chặn ngay từ khâu tải app các chương trình liên quan đến mô hình đa cấp; khoanh vùng có chế tài xử lý truy cứu hình sự đối với đối tượng tổ chức lừa đảo… Dĩ nhiên, việc này cũng phải có kỹ thuật rất cao, đội ngũ cán bộ lành nghề mới có thể phát hiện và chặn được", nguyên Thống đốc NHNN nói.

Sau cùng, ông khẳng định, Việt Nam không công nhận tiền ảo và không khuyến kích hoạt động đầu tư, kinh doanh tiền ảo. Quan trọng là trình độ quản lý, kỹ thuật công nghệ của Việt Nam còn thấp, nếu mở cho tiền ảo thì rủi ro là rất lớn nên trong giai đoạn này tốt nhất là cấm.

Trong buổi họp báo Chính phủ hồi tháng 11/2020, đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng lên tiếng cảnh báo về các mô hình huy động vốn lãi khủng trên mạng.

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết: "Có được lợi nhuận mấy chục % trong điều kiện dịch Covid-19 là rất khó trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội của thế giới và trong nước. Còn mấy trăm phần trăm thì chúng ta chưa cần biết tổ chức đó hoạt động như thế nào nhưng mời chào như thế đã thấy bất hợp pháp và lừa đảo".

Thành Luân

Theo Báo Đất Việt