Ngân hàng đua nhau lên kế hoạch trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ cao, cổ đông có vui?
Sau 8 năm để cổ đông 'nhịn' cổ tức, năm nay MSB bất ngờ góp mặt trong nhóm những ngân hàng trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ tối đa 30%.
Ngân hàng đua nhau lên kế hoạch trả cổ tức cao, MSB gây bất ngờ
Cổ tức là một phần lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp được chia cho các cổ đông. Vì vậy, khi doanh nghiệp càng "ăn nên làm ra" thì cổ tức chia cho cổ đông sẽ tăng theo. Những năm về trước, nhiều ngân hàng như ACB, HDBank,… thường chia cổ tức trên 20%.
Không chỉ quan tâm đến tỷ lệ chia cổ tức, nhiều cổ đông của các ngân hàng mong muốn cổ tức được quy đổi sang tiền mặt thay vì nhận cổ phiếu. Trên thực tế những năm gần đây, dù gặt hái lợi nhuận khủng, song nhiều ngân hàng vẫn trả cổ tức bằng cổ phiếu là chủ yếu.
Kết thúc năm tài chính 2020, nhiều ngân hàng đã dự kiến chia cổ tức bằng cổ phiếu ở mức cao trong mùa đại hội cổ đông năm nay.
Cụ thể, SHB công bố, ngân hàng đang lên kế hoạch trình đại hội thường niên 2021 phương án chia cổ tức năm 2020 với tỷ lệ 10,5%. Năm trước, cổ đông đã thông qua phương án chia cổ tức 2019 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 10%. Với hơn 1,75 triệu cổ phần đang lưu hành, SHB dự kiến phát hành gần 359 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2019 và 2020 cho cổ đông.
Lịch sử chi trả cổ tức của SHB qua các năm: Giai đoạn 2013-2016 là 7-8%/năm; giai đoạn 2017-2020: >10%/năm. Trong đó, 2017 và 2018 đã chi trả tỷ lệ cổ tức là 20,9%. Năm 2019 và 2020 dự kiến chi 20,5% (chi vào năm 2021). So với nhiều ngân hàng khác, SHB khá đều đặn chia trả cổ tức cho cổ đông mỗi năm.
Theo đó, ngân hàng này có kế hoạch phát hành 352,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020, tương đương tỷ lệ tối đa 30%. Thời gian thực hiện là sau khi hoàn thành đợt phát hành cổ phiếu quỹ cho cổ đông hiện hữu và cho người lao động và không quá 6 tháng kể từ ngày ĐHCĐ năm 2021 kết thúc.
Được biết, đã 8 năm liền MSB không chia cổ tức, quy trình kiểm soát rủi ro, quản lý nội bộ, văn bản đến việc niêm yết trong bối cảnh những ngân hàng tương đương quy mô vốn, tài sản đều lần lượt lên sàn… đã từng khiến các kỳ đại hội tại MSB nóng hơn bao giờ hết.
Còn nhớ tại mùa đại hội năm 2018, bước vào phần thảo luận, nhiều cổ đông thể hiện quan điểm bức xúc về vấn đề cổ tức khi đã liên tiếp 6 năm liền ngân hàng không thực hiện chia cổ tức, khác với kế hoạch đề ra đầu năm. Nhiều câu hỏi xung quanh vấn đề này được đặt ra.
Gần nhất, tại ĐHĐCĐ thường niên 2020 diễn ra ngày 22/5, vấn đề chia cổ tức vẫn là chủ đề "nóng" tại MSB. Nhiều cổ đông đã thắc mắc vì sao không dùng khoản lợi nhuận còn lại năm 2019 gần 900 tỷ đồng để chia cổ tức với tỷ lệ 5%,
Ông Huỳnh Bửu Quang - Phó chủ tịch HĐQT MSB cho biết, Ngân hàng sẽ không chia cổ tức khi chưa xử lý xong nợ xấu. MSB còn 900 tỷ đồng nợ xấu tại Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC), đến quý 3/2020 sẽ xử lý xong, khi đó việc chia cổ tức sẽ thuận lợi hơn.
Cuối cùng, ĐHĐCĐ thông qua kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu trong năm 2020, đồng thời không chia cổ tức cho năm 2019 mà sẽ giữ lại toàn bộ lợi nhuận đạt được trong năm 2019 để tái đầu tư vào hoạt động của ngân hàng trong năm 2020.
Do đó, thông tin MSB chia cổ tức bằng cổ phiếu trong năm nay có thể là một tin vui cho các cổ đông.
Ngoài MSB, VIB, SHB thì ACB cũng dự kiến trình cổ đông kế hoạch tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu chia cổ tức với tỉ lệ 25%.
Cụ thể, ACB dự định phát hành thêm hơn 540 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, nguồn vốn từ lợi nhuận để lại sau khi trích lập các quỹ và lợi nhuận năm trước còn lại để chia tính đến 31/12/2020. Với vốn điều lệ hiện tại gần 21.616 tỷ đồng, nếu phát hành thành công, ACB sẽ nâng tổng mức vốn điều lệ dự kiến lên 27.019 tỷ đồng.
Ngay cả khối ngân hàng quốc doanh cũng đã công bố kế hoạch tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu chia cổ tức trong năm 2021.
Cụ thể, BIDV dự kiến phát hành 207,3 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2019 (tỷ lệ 5,2%), phát hành 281,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020 (tỷ lệ 7%). Ngoài ra, BIDV dự kiến phát hành thêm 341,5 triệu cổ phần mới theo hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ.
Thời gian thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu dự kiến trong quý 3 và 4/2021. Trong khi đó, việc chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ dự kiến trong giai đoạn 2021-2022 sau khi được chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Có thể thấy, năm nay các ngân hàng đua nhau lên kế hoạch trả cổ tức bằng cổ phiếu ở mức cao. Tiêu biểu như VIB trả cổ tức tỉ lệ lên tới 40%, MSB khoảng 30%, ACB với tỷ lệ 25%,…
Cổ đông thích chia tiền mặt hay cổ phiếu?
Trước giờ, nhà đầu tư sẽ muốn thu lợi bằng tiền mặt hơn là nhận cổ tức bằng cổ phiếu. Bởi điều này mang lại cảm giác chắc chắn cho cổ đông khi tìm kiếm lợi nhuận trong đầu tư cổ phiếu. Đối với những nhà đầu tư phòng thủ thì việc nhận tiền mặt từ doanh nghiệp mang tính đảm bảo hơn nhiều so với việc công ty giữ lại tiền và chạy theo những cơ hội “hào nhoáng” nhưng không chắc chắn.
Ngoài ra, việc trả cổ tức bằng tiền mặt sẽ chứng minh là ngân hàng có dòng tiền vững mạnh, an toàn khi đầu tư.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, đặc biệt là cuối năm 2020, nhiều mã cổ phiếu của các ngân hàng đã tăng rất mạnh trong bối cảnh thị trường chứng khoán bùng nổ, góp phần đưa cổ phiếu "vua" trở lại thành kênh đầu tư hấp dẫn. Đến đầu năm 2021, giá cổ phiếu ngân hàng có điều chỉnh giảm nhưng được dự đoán vẫn rất tiềm năng. Vì vậy, nhận cổ tức bằng cổ phiếu trong lúc này, thì cổ đông, nhà đầu tư có lợi hơn so với tiền mặt.
Hơn nữa, trước ảnh hưởng sâu dịch bệnh COVID-19, Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần đề nghị các ngân hàng không chia cổ tức bằng tiền mặt, tiết giảm chi phí, dành nguồn tiền để cắt giảm lãi suất đối với dư nợ hiện nay và các khoản cho vay mới nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Đáng chú ý, thời gian qua, việc tăng vốn ở hầu hết các ngân hàng trở nên khó khăn, thậm chí có ngân hàng nhiều năm không tăng được vốn, nên việc chia cổ tức bằng cổ phiếu sẽ giúp ngân hàng giảm bớt áp lực về tăng vốn.
Chẳng hạn như Techcombank, cổ đông của nhà băng này 9 năm qua phải ‘đói’ cổ tức dù lãi đậm. Lý giải về vấn đề này trong đại hội đồng cổ đông năm ngoái, Chủ tịch Hồ Hùng Anh cho biết ngân hàng muốn giữ lại lợi nhuận để củng cố vốn chủ sở hữu, đảm bảo các yêu cầu về vốn của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) như Basel II và tăng cạnh tranh trên thị trường.