Ngân hàng hé lộ kế hoạch kinh doanh nhiều bất ngờ trong năm Covid thứ 2
Trích lập dự phòng rủi ro tín dụng là yếu tố tạo nên sự phân hóa lợi nhuận ngân hàng trong năm 2021.
Hiện tại, nhiều nhà băng đã chốt quyền cổ đông tham dự Đại hội cổ đông diễn ra từ nay đến hết tháng 6/2021. Kèm theo đó, một số ngân hàng đã đưa ra kế hoạch kinh doanh năm 2021.
Loạt ngân hàng đưa ra kế hoạch kinh doanh 'khủng' năm 2021
Mới đây nhất, BIDV vừa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2021. Cuộc họp dự kiến được tổ chức vào ngày 12/3/2020, tại Hà Nội.
BIDV dự kiến trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2021 với lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 13.000 tỷ đồng, tăng hơn 44% so với mức thực hiện của năm 2020. Nợ xấu duy trì dưới mức 1,6%. Dư nợ tín dụng kế hoạch tăng trưởng 10-12%.
Sau trích lập, lợi nhuận còn lại của BIDV đạt gần 3.781 tỷ đồng. Ngân hàng dự kiến chi 2.815 tỷ đồng để chi trả cổ tức bằng cổ phiếu cho năm 2020, tương ứng tỷ lệ 7%. Sau chia, lợi nhuận giữ lại của ngân hàng là hơn 965 tỷ đồng.
Ngoài ra, BIDV cũng sẽ trình cổ đông xem xét phương án tăng vốn điều lệ trong năm 2021. Theo đó, BIDV muốn tăng vốn điều lệ thêm 8.304 tỷ đồng lên 48.524 tỷ (tức tăng 20,6%) thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành thêm.
VietinBank cũng đặt kế hoạch tổng tài sản tăng khoảng 3-6% trong năm 2021. Tín dụng tăng 8 - 11% và huy động tăng 10-12%. Tỷ lệ nợ xấu đặt mục tiêu kiểm soát dưới 2%. Mục tiêu lợi nhuận riêng lẻ và hợp nhất trước thuế tăng 10 - 20%.
Trong khi đó, Agribank đặt mục tiêu tín dụng 2021 tăng 8 - 11%, lợi nhuận trước thuế tăng khoảng 10%, thu từ dịch vụ tăng 6 - 8%, thu hồi nợ xấu sau xử lý tối thiểu 9.000 tỷ đồng...
Ở khối ngân hàng tư nhân, một số đơn vị mới hoặc chuẩn bị niêm yết đã công bố kế hoạch kinh doanh.
Ngân hàng Eximbank đề cập chỉ tiêu năm 2021 với lợi nhuận trước thuế đạt 2.150 tỷ đồng. So với kết quả thực hiện năm 2020, mục tiêu lợi nhuận của Eximbank tăng tới 63%.
Eximbank dự kiến tổng tài sản năm 2021 tăng 10% so với năm 2020, đạt 177.000 tỷ đồng. Huy động vốn dự kiến tăng 10% đạt 148.000 tỷ đồng. Dư nợ cấp tín dụng tăng khoảng 15% lên 117.000 tỷ. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng kiểm soát không quá 2,5% tổng dư nợ.
Tại hội nghị tổng kết hoạt động kinh doanh năm 2020 và triển khai kế hoạch kinh doanh năm 2021, Kienlongbank đặt ra các mục tiêu chủ yếu năm 2021 như: Tổng tài sản hợp nhất là 66.800 tỷ đồng (tăng 16,62%); huy động thị trường 1 là 50.295 tỷ đồng (tăng 16,52%); dư nợ cấp tín dụng là 44.600 tỷ đồng (tăng 28,47%); lợi nhuận trước thuế là 1.000 tỷ đồng; mạng lưới chi nhánh, phòng dịch trên cả nước là 150 điểm giao dịch (tăng 16 đơn vị).
Ngoài ra, Kienlongbank sẽ đẩy mạnh xử lý hoàn tất các khoản nợ có tài sản thế chấp là cổ phiếu STB và đưa tổng nợ xấu của Kienlongbank về mức dưới 2%/tổng dư nợ; hạn chế nợ xấu mới phát sinh.
Ngân hàng SHB vừa công bố kế hoạch kinh doanh năm 2021. Cụ thể lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 70% so với năm 2020 - tương đương hơn 5.500 tỷ đồng. Theo đại diện SHB, kế hoạch này được SHB xây dựng dựa trên nền tảng tăng trưởng vững chắc nhiều năm qua khi từ trước đến nay.
SHB cho biết, trong các năm tiếp theo, ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh thu hồi nợ và trích dự phòng để xử lý toàn bộ trái phiếu VAMC. Mục tiêu đến cuối năm 2022, SHB không còn trái phiếu VAMC.
Đáng chú ý, MB đặt mục tiêu kinh doanh khá thách thức trong năm 2021 với lợi nhuận trước thuế tăng khoảng 25 - 30% so với năm trước, tương đương đạt hơn 14.600 tỷ đồng.
Tổng tài sản MB tăng khoảng 15% lên 545.000 tỷ đồng, tín dụng tăng trưởng theo chỉ tiêu của NHNN giao, nhưng phấn đấu ở mức cao nhất, tỷ lệ nợ xấu ngân hàng hợp nhất dưới 1,3%; năng lực bán chéo tập đoàn đẩy mạnh, với mức tăng trưởng 40 - 50%.
SeABank đặt mục tiêu lãi sau thuế 1.639 tỷ đồng trong 2021, tăng 36% so với kế hoạch năm 2020, theo thông tin từ bản cáo bạch chào sàn.
Yếu tố ảnh hưởng tới lợi nhuận ngân hàng năm 2021
SSI Research dự báo lợi nhuận ngân hàng thương mại quốc doanh ước tính tăng 30% so với năm 2020. Trong khi đó, ngân hàng thương mại cổ phần kỳ vọng cao hơn 17,2%. Tính chung, đơn vị phân tích nhận định lợi nhuận trước thuế trung bình của ngân hàng sẽ tăng 21% so với năm trước.
CTCK VNDirect dự báo lợi nhuận của các ngân hàng sẽ tăng vào năm sau. Hệ thống ngân hàng là kênh chính, nơi Chính phủ sử dụng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. VNDirect kỳ vọng tốc độ giải ngân đầu tư công sẽ tiếp tục được duy trì cao và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để thúc đẩy nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng tín dụng trong năm 2021.
Các ngân hàng sẽ là nhóm đầu tiên được hưởng lợi từ xu hướng phục hồi. Tỷ lệ phục hồi sẽ khác nhau giữa các ngân hàng do sự khác biệt về chiến lược kinh doanh, danh mục cho vay, cơ sở khách hàng và khẩu vị rủi ro.
Tuy nhiên, theo SSI Research, trích lập dự phòng rủi ro tín dụng là yếu tố tạo nên sự phân hóa lợi nhuận. Ngân hàng Nhà nước đang trình Thủ tướng nội dung sửa đổi Thông tư 01 về cơ cấu, hoãn thời hạn trả nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Theo dự thảo Thông tư 01 sửa đổi mới nhất, các ngân hàng có thể phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cho nợ tái cơ cấu trong thời hạn dự kiến tối đa là 3 năm thay vì không phải trích lập như quy định trong Thông tư cũ.
Việc dự phòng sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng. Những nhà băng đã đẩy mạnh trích lập trong năm trước sẽ ít chịu áp lực từ việc sửa đổi Thông tư 01 và đạt tăng trưởng cao hơn.