Chuyên gia nói gì khi nhiều ngân hàng đồng loạt 'siết' tín dụng vào bất động sản?
Trước tình trạng các khoản vay ‘rót’ vào bất động sản có xu hướng tăng đột biến trong thời gian qua, nhiều Ngân hàng nhà nước (NHNN) đã ra quyết định kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực kinh doanh Bất động sản (BĐS).
Theo số liệu báo cáo thống kê năm 2021 cho thấy, tại một số ngân hàng, dư nợ cho vay tín dụng lĩnh vực Bất động sản vẫn ở mức cao. Tại ngân hàng MB Bank, dự nợ tín dụng xây dựng và kinh doanh bất động sản thời điểm cuối năm 2021 là gần 35.155 tỷ đồng, tăng hơn 7.600 tỷ so với đầu năm.
Tại ngân hàng Techcombank dư nợ cho vay bất động sản cán mốc 95.912 tỷ đồng, tăng 27.61% so với cùng kì năm ngoái. Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng khác cũng có mức dư nợ BĐS ở mức cao như TP Bank đạt hơn 9.762 tỷ đồng, tăng 6,91%, ngân hàng VIB (quý IV/ 2021) đạt 85.000 tỷ đồng, tăng 25% so với đầu năm và chiếm gần 42% tổng dư nợ của ngân hàng.
Bà Hà Thu Giang – Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, tính đến cuối tháng 11/2021, tăng trưởng tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản đạt khoảng 12%. Trong cơ cấu tín dụng bất động sản, cho vay mua bất động sản để sử dụng chiếm 68%, còn lại là kinh doanh bất động sản.
Trước tình trạng đó, một số ngân hàng đã đồng loạt thông báo dừng cho vay bất động sản như Techcombank, Sacombank.
Cụ thể, tại Techcombank, ngân hàng này đã thông báo dừng hoạt động giải ngân khoản vay mua bất động sản từ ngày 25/3/2022.
Trong khi đó, Sacombank cũng đã ra yêu cầu với giám đốc khu vực, giám đốc chi nhánh và trưởng phòng giao dịch không cấp tín dụng trong lĩnh vực bất động sản. Ngoại trừ trường hợp cho cán bộ, nhân viên và người mua vay với mục đích mua nhà, xây dựng, sửa chữa để ở.
Trước đó, nhiều ngân hàng như Vietcombank, An Bình Bank (ABB) đã có động thái hạn chế cho vay vốn bất động sản từ năm 2021. Tại ngân hàng ABB tập trung cho vay mua nhà ở với nguồn thu từ lương hoặc các nguồn thu nhập khác đều đặn hàng tháng của họ. Còn lĩnh vực kinh doanh bất động sản sẽ khống chế dưới 8%.
Theo thông tin mới nhất, nhiều ngân hàng đồng loạt ‘siết’ tín dụng vào BĐS, nhiều chuyên gia cho rằng, việc kiểm soát dòng vốn tín dụng chảy vào thị trường BĐS của NHNN được cho là động thái nhằm giảm thiểu nguy cơ bong bóng BĐS, ngăn chặn đầu cơ, giảm thiểu nợ xấu. Lộ trình siết chặt tín dụng đã được cân nhắc nhiều năm qua nhưng liên tục bị đề xuất trì hoãn. Nhiều chuyên gia cho rằng, khả năng hạn chế cho vay tín dụng cho đầu tư địa ốc có thể bị thắt chặt hơn từ giữa năm 2022 để ổn định thị trường nhà đất.
Theo TS. Nguyễn Minh Phong – chuyên gia kinh tế, dù bị siết chặt nhưng bất động sản luôn là thị trường có sức hút, được nhiều nhà đầu tư quan tâm, giá bất động sản vẫn tiếp tục tăng và nhiều dòng tiền vẫn đổ về. Việc siết chặt tín dụng bất động sản chỉ làm hạ nhiệt những cơn sốt nóng mang tính tiêu cực chứ không làm giảm đi tính sôi động chung của thị trường. Vì vậy, triển vọng thị trường bất động sản năm 2022 vẫn đầy lạc quan và tích cực. Nhiều dòng tiền vẫn đổ về đây như một kênh “trú ẩn an toàn”.
Ông Huỳnh Phước Nghĩa - chuyên gia tư vấn cấp cao GIBC cũng nhận định, việc siết tín dụng góp phần kiểm soát lượng cung tiền trên thị trường một cách cẩn trọng hơn. Tuy nhiên, điều này sẽ có tác động tiêu cực đến nhóm nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính, giới đầu cơ nhà đất do các dự án đầu tư không bán được hoặc bán chậm. Còn đối với các nhà đầu tư mua bất động sản bằng tiền nhàn rỗi, hoặc doanh nghiệp có khả năng bán hàng tốt sẽ ít bị tác động khi ngân hàng siết hoặc khóa van tín dụng.
Với việc BĐS đang đối diện với tình trạng ‘khát vốn’ từ tín dụng, nhiều chuyên gia cũng dự đoán thị trường BĐS sẽ tiếp tục phát triển theo xu hướng phù hợp với nhu cầu của thị trường. Cụ thể, TS.Cấn Văn Lực – chuyên gia Kinh tế nhận định thị trường sẽ phát triển theo 2 xu hướng chính sau đây:
Xu hướng thứ nhất: Các tổ chức tín dụng và các công ty tài chính tiêu dùng vẫn sẽ tập trung vào phân khúc ngân hàng bán lẻ và dần chuyển sang chiến lược chuyển đổi số trong thời gian tới.
Xu hướng thứ hai: Đòng tiền đầu tư vẫn tiếp tục chảy vào cho vay mua nhà bởi đây vẫn là chính sách được Nhà nước khuyến khích và cũng là nhu cầu thực tiễn. Năm 2022, Việt Nam sẽ bắt đầu chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, trong đó có một số gói tài chính liên quan đến lĩnh vực nhà ở. Chắc chắn các tổ chức tín dụng sẽ phối hợp với các bộ ngành có liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng để triển khai những chương trình đó.
Hà Thu